Sở GD-ĐT các tỉnh ĐBSCL vừa tổ chức giao ban tổng kết công tác thi đua vùng 6 năm học 2009-2010. Theo đánh giá chung, tỷ lệ bỏ học của học sinh bậc tiểu học và THCS có giảm nhưng bậc THPT vẫn còn cao.
Ông Thái Văn Long – giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, Trưởng thi đua vùng 6, báo cho cáo cho biết trong năm học qua, bậc giáo dục mầm non đã tăng cường phấn đấu xóa hẳn các xã trắng về giáo dục mầm non (Trà Vinh, Cà Mau). Các địa phương đã tập trung thực hiện đổi mới công tác quản lý giáo dục, tích cực tổ chức lớp mẫu giáo 5 tuổi học 2 buổi/ngày, đồng thời có biện pháp chuẩn bị tốt Tiếng việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.
Điểm nổi bật ở bậc tiểu học là các đơn vị đã tăng tỷ lệ học sinh (HS) học 2 buổi/ngày và giảm tỷ lệ HS bỏ học so với cùng kỳ năm học trước. Chú trọng triển khai tổ chức dạy ngoại ngữ cho HS tiểu học, tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý dạy và học.
Các Sở đã đầu tư xây dựng trường THCS và THPT đạt chuẩn quốc gia gắn với phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” đều đạt và vượt chỉ tiêu quy định.
Các đơn vị trong vùng đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng website và cập nhật thông tin kịp thời, tăng cường công tác tin học hóa quản lý nhà trường THPT và THCS (bước đầu tổ chức tạo email cho HS lớp 12 để tiếp nhận thông tin và tuyển sinh). Việc tổ chức họp qua mạng để phổ biến công tác giữa Sở với Phòng GD-ĐT và các trường, đơn vị trực thuộc đã được phổ biến và thực hiện khá tốt ở nhiều đơn vị như Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp.
Về tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm học 2009- 2010, hầu hết các đơn vị trong vùng 6 đều tăng. Trong đó có 4 tỉnh trên 70%, 7 tỉnh trên 80% và 1 tỉnh trên 90%. Cà Mau là đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất với trên 90% (năm trước là 82,25%), thấp nhất là Bến Tre 74% (năm trước trên 79%). Hệ GDTX, cao nhất là Vĩnh Long 49,75% và thấp nhất là Sóc Trăng 16,30%.
Theo các Sở thì vấn đề HS bỏ học vẫn đang là mối lo ngại chung cho cả vùng. Tỷ lệ học sinh bậc tiểu học có 11 tỉnh giảm tỷ lệ, 1 tỉnh tăng là Bến Tre từ 0,12% lên 0,14%. Bậc THCS cũng có 10 tỉnh giảm tỷ lệ và 2 tỉnh tăng là An Giang và Vĩnh Long.
Tuy nhiên ở bậc THPT, tỷ lệ HS bỏ học vẫn còn cao. Trong đó, có 6 tỉnh giảm, 6 tỉnh tăng; tăng cao nhất là Sóc Trăng từ 6,98% lên 7,44%, Vĩnh Long tăng từ 5,63% lên 6,28%; Đồng Tháp từ 4,50% lên 6%.
Các Sở GD-ĐT ĐBSCL cũng đã có những kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT để xem xét giải quyết như Sở GD-ĐT Hậu Giang kiến nghị chương trình kiên cố hóa trường lớp cần có kế hoạch điều chỉnh, đầu tư bổ sung nguồn vốn để đảm bảo tiến độ thực hiện; Sở GD-ĐT An Giang đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có thể chuyển hình thức thi tốt nghiệp THPT sang xét tốt nghiệp, đồng thời khôi phục quy định thi tuyển vào lớp 10 nhằm tăng cường chất lượng đầu vào cấp THPT;
Sở GD-ĐT Long An cho rằng, nếu vẫn tiếp tục hình thức tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì đề nghị Bộ GD-ĐT nên khôi phục quy định có thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT về thanh tra thi ở các hội đồng. Đề nghị Vụ Giáo dục thường xuyên, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nghiên cứu kỹ hơn về mức độ khó của đề thi tốt nghiệp bổ túc THPT để đảm bảo phù hợp đối tượng hơn.
Các Sở GD An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu cho rằng cần có chế độ phụ cấp cho cán bộ quản lý Sở, Phòng GD-ĐT hoặc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên để tạo điều kiện thuận lợi trong việc điều động cán bộ, giáo viên giỏi về công tác ở các cơ quan quản lý giáo dục .
Sở GD-ĐT Tiền Giang đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu có chế độ khuyến khích đối với giáo viên THPT có trình độ sau đại học. Bộ GD-ĐT cần kết hợp Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có quy định cụ thể hơn về nội dung, chương trình đào tạo của trường trung cấp nghề và trường trung cấp chuyên nghiệp của địa phương.
|
Huỳnh Hải / Dan tri
Bình luận (0)