Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Thầy và trò cùng có lỗi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thời còn học phổ thông, tôi không học tiếng Anh mà học tiếng Nga. Năm 1994, tôi thi đậu vào Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Quốc gia Hà Nội). Trong chương trình học, có môn ngoại ngữ (sinh viên (SV) tự chọn – tiếng Nga, tiếng Anh…) nhưng nhà trường không dạy. Tuy vậy, cuối năm học, chúng tôi vẫn phải thi ngoại ngữ như những môn học khác.
Mặc dù vốn tiếng Nga của tôi không tệ lắm nhưng khi lên đại học, nghe bạn bè nói tiếng Nga bây giờ hết thời rồi nên tôi quyết định chọn tiếng Anh. Và tôi đăng ký học tại một trung tâm ngoại ngữ gần nơi ở. Giáo viên là SV năm thứ 3 Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Tôi – một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, giáo viên đứng lớp lại là một SV năm ba thiếu kinh nghiệm giảng dạy và chuyên môn còn quá non yếu. Kết quả, chỉ một cuốn Streamline 1 mà tôi phải học tới 3 lần nhưng “chữ thầy trả thầy”…
Tệ hơn là cuối năm thứ nhất, tôi chỉ được 4 điểm môn ngoại ngữ. Tôi thi lại lần 1 và tiếp tục nhận điểm 4. Được biết, nếu thi lại lần 2 mà vẫn không qua thì phải nợ môn và không được thi chuyển giai đoạn. Sợ quá, tôi đành phải liều mạng làm thẻ SV giả nhờ người thi hộ. Người thi hộ cho tôi đang học năm cuối của Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Cứ tưởng sẽ được điểm cao, nào ngờ cũng chỉ có 5 điểm.
Năm thứ 3, tôi phải học tiếng Anh chuyên ngành. Lần này SV không phải tự đi tìm chỗ học mà nhà trường tổ chức dạy hẳn hoi. Giờ học tiếng Anh chuyên ngành là một cực hình đối với hầu hết SV trong lớp. Trên bục, thầy nói cứ nói, ở dưới – trò say sưa làm việc riêng. Kỳ thi học kỳ, tôi không phải thi lại vì ngồi cạnh một bạn rất giỏi tiếng Anh.
Cuối năm thứ 4, mấy đứa bạn rủ tôi mua bằng ngoại ngữ vì: “Trong bộ hồ sơ xin việc mà không có bằng ngoại ngữ thì không ai nhận”. Thế là tôi bỏ ra hơn 200.000đ để mua bằng. Tất nhiên, tôi và mấy đứa bạn cũng phải thi như thật. Sau đó, người ta đưa cho mỗi đứa một cái chứng chỉ chưa ghi trình độ để chúng tôi muốn ghi A, B, C, D gì thì ghi. Tôi bắt chước mấy đứa bạn ghi chữ C vào mục trình độ.
Và cái chứng chỉ C tiếng Anh đó đã khiến tôi thật sự xấu hổ khi đi xin việc. Xem qua hồ sơ của tôi, nhà tuyển dụng tỏ ra rất hài lòng. Nhưng khi phỏng vấn (bằng tiếng Anh), thấy tôi cứ ú a ú ớ, người ta lắc đầu ngao ngán.
Tôi cứ nghĩ tình hình học ngoại ngữ của SV bây giờ đã khác. Nhưng sau khi đọc các ý kiến tham gia diễn đàn: “SV yếu ngoại ngữ: Vì sao?” trên Báo Giáo Dục TP.HCM, tôi nhận ra rằng mọi thứ vẫn đâu vào đấy. Thầy dạy theo kiểu “trả nợ quỷ thần”, dạy vì lỡ đã lãnh lương; còn trò đã dốt lại gặp thầy dở nên càng tệ hơn. Đã vậy, Bộ GD-ĐT lại yêu cầu SV phải có chứng chỉ B ngoại ngữ mới được tốt nghiệp nên không ít SV bằng mọi giá phải mua bằng để được ra trường…
Từ thực tế trên cho thấy, SV yếu ngoại ngữ không chỉ là lỗi của người học mà có một phần rất lớn trách nhiệm của người dạy.
Thanh Huyền (TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)