Điểm sàn đối với bốn khối thi ĐH được Bộ GD -ĐT vừa công bố sáng nay như sau: Khối A: 13, Khối B: 14, Khối C: 14, Khối D: 13.
Đây là mức điểm sàn chưa tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Trong đó điểm sàn của khối D chưa tính hệ số đối với môn ngoại ngữ.
Học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân xem điểm thi tuyển sinh đại học trên Tuổi Trẻ Online – Ảnh: Như Hùng |
Đối với CĐ, mức điểm sàn thấp hơn 3 điểm tương ứng theo từng khối thi: cụ thể là khối A: 10, khối B: 11, Khối C:11 và khối D là 10.
Điểm sàn năm nay bằng điểm sàn cuả năm 2009. Đối với những trường vận dụng theo điều 33 quy chế tuyển sinh áp dụng mức điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn chung sẽ do bộ trưởng bộ giáo dục đòa tạo xét duyệt theo từng trường hợp cụ thể.
Đối với thí sinh dự thi theo đề thi dành riêng cho các trường CĐ, mức điểm tối thiểu để xét tuyển cũng bằng điểm sàn CĐ kể trên.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, bắt đầu từ ngày hôm nay, các trường ĐH, CĐ sẽ công bố điểm trúng tuyển NV1, danh sách thí sinh trúng tuyển NV1, gửi giấy báo trúng tuyển, giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đến trước ngày 20-8-2010. Đồng thời các trường cũng sẽ công bố chỉ tiêu và mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển đối với NV2.
Căn cứ mức điểm sàn, các trường xây dựng điểm trúng tuyển chung theo khối thi hoặc theo ngành đào tạo. Điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng được xác định theo qui định: điểm trúng tuyển không được thấp hơn điểm sàn Bộ qui định cho từng khối thi, điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỉ lệ trúng tuyển hợp lí giữa các nguyện vọng.
Ông Ngô Kim Khôi – phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), Phó Ban chỉ đạo tuyển sinh cho biết, khi xác định điểm sàn, Hội đồng điểm sàn của Bộ có tính toán đến những yếu tố như vùng miền, ngành nghề khó tuyển, đến những trường/ngành đặc thù hoặc phải đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực đặc biệt cho một số địa bàn.
Các trường không được hạ điểm trúng tuyển, trừ những trường hợp đặc biệt (trường có điểm trúng tuyển NV1 cao; trường đóng tại các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; một số ngành nghề khó tuyển sinh) Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét quyết định.
THANH HÀ/ TTO
Bình luận (0)