Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Sáng chế giúp nhà nông giảm gánh lo âu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhóm sinh viên Khoa Cơ khí công nghiệp ĐH Nông lâm TP.HCM sáng tạo ra robot phun thuốc sinh học

Sinh ra từ những vùng quê nghèo của đất nước, thấy cha mẹ hàng ngày cực nhọc với các loại thuốc trừ sâu độc hại, mong ước sáng chế ra các đồ dùng giúp nhà nông đỡ khổ cực đã được các sinh viên (SV) Khoa Cơ khí công nghiệp đến từ Trường Đại học Nông lâm TP.HCM ấp ủ từ lâu.
Biến ước mơ thành hiện thực
Nhóm SV đã dày công nghiên cứu để cho ra đời robot phun thuốc sinh học gồm năm bạn: Nguyễn Văn Phú (chủ nhiệm đề tài), Mai Quốc Việt, Võ Văn Hiếu, Đỗ Đông Hùng và Trần Đông Hùng. Nhóm những anh chàng “chuyên robot” này chơi thân với nhau ngay từ khi mới vào trường nhập học. Vì đều là con nhà nông lao động chân tay vất vả, năm SV đến từ những miền quê khác nhau này đã phải chắt chiu từng đồng để trang trải cho cuộc sống của mình ở thành phố. Có lẽ vì có chung hoàn cảnh mà họ thấu hiểu và dễ chơi thân với nhau. Nhưng để chế tạo thành công robot phun thuốc sinh học, họ đã phải bàn đi tính lại nhiều lần, có lúc xảy ra mâu thuẫn muốn bỏ cuộc chơi. Quốc Việt tâm sự: “Chúng em lập nhóm chế tạo robot không chỉ dựa vào chơi thân, dễ hiểu ý nhau mà còn phải dựa vào sức học, khả năng làm việc của từng người vì cả nhóm không thể trông chờ vào công sức của một hay hai người”.
Sau một năm tìm tòi, lên kế hoạch, và 5 tháng thực hiện miệt mài, nhóm đã cho ra đời robot phun thuốc sinh học đầu tiên của mình. Robot này có 3 phần: phần cơ, phần điện điều khiển và phần mềm với trọng lượng 15kg. Robot có thể hoạt động theo hai chế độ: tự động và điều khiển bằng tay. Ở chế độ tự động, robot có thể được điều khiển theo hai trường hợp: áp dụng chương trình có sẵn để nạp vào điều khiển hoặc điều khiển trên máy tính bằng phần mềm. Còn ở chế độ điều khiển bằng tay, các khớp quay của robot sẽ được điều khiển bằng bàn tay của người nông dân thông qua hộp điều khiển riêng.
Trăn trở áp dụng vào thực tế
“Ý tưởng hình thành robot phun thuốc sinh học xuất phát từ thực tế. Là con nhà nông, nên tụi em quá quen với việc phun thuốc trừ sâu nhưng rất dị ứng với mùi khó chịu của nó. Thấy được tác hại của thuốc trừ sâu, tụi em nhờ thầy trưởng bộ môn là thầy Nguyễn Văn Hùng giúp sức để chế tạo ra loại robot này”, Phú cho biết.
“Chú” robot này đã được giải khuyến khích của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và hiện được nhà trường chuyển giao cho Sở Khoa học Công nghệ thực nghiệm. Tuy nhiên, có được ứng dụng thực tế hay không vẫn là con đường dài phía trước.
Hiếu vui vẻ nói: “Robot của tụi em muốn đưa vào ứng dụng thực tế còn nhiều công đoạn lắm. Hiện nó đã được chuyển giao cho Sở Khoa học Công nghệ, rồi sở lại chuyển sang cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để duyệt rồi mới đưa vào áp dụng cho bà con nông dân”. Hiện “chú” robot này đã được Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM đưa vào khảo nghiệm trong nhà kính. Tuy nhiên, Phú cho biết: “Độ chính xác của robot chưa được cao lắm nên tụi em đang hồi hộp chờ đợi. Sau khi khắc phục những nhược điểm này và được duyệt, cả nhóm phải đi tìm nhà tài trợ để đưa robot áp dụng vào các cánh đồng của bà con nông dân”.
“Nếu đề tài robot phun thuốc sinh học của nhóm không được đưa vào ứng dụng, tốt nghiệp xong dù ở đâu và có làm gì thì tụi em cũng sẽ tập hợp lại và tiếp tục triển khai hoàn chỉnh để sản phẩm của mình có thể đến với bà con nhà nông”, cả năm chàng SV đều tâm sự như vậy.
Bài, ảnh: Dương Bình

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)