Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chỉ cấp một loại văn bằng dù chính quy hay tại chức: Có thiệt thòi cho người học nghiêm túc ?

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ cấp một loại văn bằng dù chính quy hay tại chức là một trong các điểm mới dự kiến trong sửa đổi luật Giáo dục đại học.

Sinh viên hệ vừa làm vừa học tại một trường ĐH ở TP.HCM	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sinh viên hệ vừa làm vừa học tại một trường ĐH ở TP.HCM. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Theo nhiều ý kiến, để thực hiện việc này cần sự thay đổi mang tính hệ thống trong tuyển sinh, đào tạo các chương trình không chính quy. Nếu không sẽ dẫn đến sự đánh đồng, gây khó cho người sử dụng lao động.
Chưa thể thực hiện được lúc này
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, việc cấp một loại văn bằng không phân biệt hình thức đào tạo chính quy hay không chính quy trong điều kiện giáo dục ĐH hiện tại của VN là chưa phù hợp. Dù chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra được xác định như nhau nhưng quá trình thực hiện giữa các hình thức đào tạo này đang có một khoảng chênh lệch tương đối. Do vậy, việc đánh đồng người học 2 chương trình có “đẳng cấp” khác nhau sẽ gây khó cho người sử dụng lao động.
“Nếu thực sự nội dung này được thực thi, trường buộc phải “siết” chất lượng đào tạo các chương trình không chính quy để không ảnh hưởng đến chất lượng các chương trình chung, trong đó có chính quy của nhà trường”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói.
Cùng ý kiến này, PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nêu: “Không phân loại bằng cấp trong giai đoạn hiện nay khi mà chất lượng đào tạo giữa các chương trình còn một khoảng cách nhất định sẽ là sự đánh đồng có thể dẫn đến thiệt thòi cho những sinh viên học tập nghiêm túc”.
Cũng theo ông Hướng, trước đây các trường đào tạo hệ vừa làm vừa học thiết kế một chương trình riêng. Nhưng hiện nay tất cả các loại hình đào tạo đều thực hiện dựa trên một chương trình chuẩn là chính quy nên sự khác nhau về chương trình đào tạo không còn đáng lo ngại. Tuy nhiên, việc tổ chức tuyển sinh đầu vào, quá trình đào tạo cần phải thực hiện tốt như nhau để đảm bảo sự tương đồng về chất lượng người học.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Hướng, trong tương lai đây là việc nên làm để theo đúng thông lệ quốc tế. Không có sự phân loại văn bằng có thể góp phần giải quyết tình trạng quá tôn sùng bằng cấp như cách làm hiện nay của chúng ta. Thay vào đó sẽ là đánh giá dựa vào thực lực của người học. Và khi đã làm được như vậy thì việc xếp loại văn bằng tốt nghiệp không còn quan trọng nữa.
“Vấn đề quan trọng ở đây là phải thay đổi nhận thức của xã hội trong tuyển dụng, đặc biệt là người sử dụng lao động. Dự kiến năm 2018 luật được thi hành, thì khóa sinh viên tốt nghiệp sau 4 – 5 năm triển khai loại văn bằng này là lộ trình phù hợp”, ông Hướng đề xuất.
Phải có cùng một giá trị về chuẩn đầu ra
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, ủng hộ với điều chỉnh chỉ cấp một loại văn bằng dù chính quy hay tại chức. Theo ông Sơn, thay đổi này là hợp lý do chương trình đào tạo hiện đang áp dụng như nhau. Vấn đề còn lại là đảm bảo chất lượng và công khai kết quả này trước xã hội.
“Nếu xét về quyền lợi của người học sẽ giúp người học tránh định kiến lâu nay về các loại hình đào tạo không chính quy”, ông Sơn nhìn nhận.
Còn theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), không phân biệt giá trị bằng cấp là việc phải được quy định trong luật nhằm đảm bảo giá trị văn bằng theo hình thức tập trung và không tập trung toàn thời gian. “Dù đào tạo theo hình thức nào cũng phải có cùng một giá trị về chuẩn đầu ra. Nhưng cần chú ý rằng chuẩn đầu ra chỉ là một sự tuyên bố còn giá trị của chuẩn đầu ra sẽ phụ thuộc vào các điều kiện đảm bảo chất lượng để đảm bảo giá trị của văn bằng”, ông Vinh nhấn mạnh.
Nên xác định chỉ tiêu theo ngành hay nhóm ngành

Theo đề xuất mới trong sửa đổi luật Giáo dục ĐH, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ xác định theo ngành.
Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho rằng điều này sẽ khó thực hiện vì xét phạm vi từng ngành là quá hẹp và giữa các ngành gần nhau có sự liên quan về đội ngũ. Vì vậy, theo đề xuất của ông Thông, thay vì xác định theo 7 khối ngành lớn như hiện nay hoặc theo từng ngành cụ thể như dự kiến thì chỉ tiêu nên thực hiện theo nhóm ngành sẽ phù hợp và dễ thực hiện hơn.
Chẳng hạn, 3 ngành (kỹ thuật điện điện tử, kỹ thuật điện tử truyền thông, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa) thay vì xác định chỉ tiêu theo năng lực chung của khối ngành kỹ thuật như Thông tư 32 thì nên xác định theo nhóm ngành kỹ thuật điện – điện tử – viễn thông.
Trong khi đó, theo tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, xác định chỉ tiêu theo ngành thay vì tính chung cho khối ngành như cách làm hiện nay là hoàn toàn đúng. Việc này Bộ GD-ĐT làm hơi chậm và thay vì đưa vào luật thì chỉ cần quy định trong một thông tư là đủ. Lý giải nhận định trên, ông Vinh phân tích: “Thực tế có trường đạt được tiêu chuẩn kiểm định về tỷ lệ sinh viên/giảng viên ở các ngành, nhưng tỷ lệ sinh viên trên giảng viên trong ngành "hot" bị vượt trội”. Tuy nhiên ông Vinh nói, quy định chỉ tiêu theo số giảng viên cơ hữu không còn phù hợp trong điều kiện tự chủ giáo dục ĐH và tiếp cận thị trường, cũng như đòi hỏi tinh thần "doanh nghiệp" trong quản lý giáo dục ĐH. Từ đó ông Vinh đề xuất, luật không nên quy định cụ thể xác định chỉ tiêu theo ngành mà chưa biết được đặc thù của các ngành tích hợp trong tương lai. Tốt nhất cần xác định nên chi tiết, cụ thể hóa ở nội dung nào nếu chắc chắn không có sự thay đổi trong ít nhất 10 năm tới, còn lại thì vẫn phải quy định mang tính khung, tránh phải sửa lại luật nhiều lần.

Hà Ánh/TNO

Bình luận (0)