Tổ chức hoành tráng với rất nhiều cờ hoa, khẩu hiệu, diễu hành, những lời phát biểu thiên về đối ngoại… Tất cả như nhằm khuếch trương danh tiếng của trường với các vị khách mời hơn là dành cho chính các chủ nhân đích thực của buổi lễ khai giảng – các em học sinh. Dường như căn bệnh thành tích, hình thức trong giáo dục vẫn ẩn hiện đâu đây ngay từ ngày khai trường…
Trẻ em vùng sông nước ĐBSCL ngày khai trường . Ảnh: Tiến Hưng |
Lớp 3 đã hô chúc mừng
Ngồi dưới hàng ghế cuối cùng của lớp 6C, trong lễ khai giảng ở một trường chuyên nổi tiếng của Hà Nội, Minh và các bạn mồ hôi nhễ nhại vì ngồi dưới nắng đã hơn một tiếng đồng hồ. Hỏi có thích không thì Minh lắc đầu nói: “Chúng cháu phải tập như thế này 3 ngày rồi. Ngồi ở đây nóng quá. Thà cháu ở nhà còn hơn!”.
Trên lễ đài, các vị đại biểu vẫn lần lượt thay nhau đọc những bài diễn văn hoành tráng, với những lời chúc, mong muốn… to lớn. Phía dưới, các em khó hấp thụ, nên quay sang nói chuyện riêng với nhau.
Bé Khánh Huyền năm nay lên lớp 3 một trường tiểu học lớn ở Hà Nội cũng đã phải đi tập khai giảng đến buổi thứ tư, hồn nhiên kể: “Cô hô Nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu…, còn chúng cháu hô lại là Kính chúc các vị đại biểu sức khỏe. Năm nào cũng phải hô như thế nên cháu thuộc lòng, thế mà vẫn phải đi tập, chán chết…”.
Hoàng Lan, học sinh lớp 7 một trường THCS ở Hà Nội kể: “Trước ngày khai giảng cháu phải tập tới 3 ngày, mỗi ngày phải tập từ hai tới ba tiếng. Trời nắng nóng, chúng cháu chỉ cần đi lệch vạch phấn một chút là phải tập lại. Hôm khai giảng, muộn hơn một tiếng so với dự kiến vì phải chờ các vị đại biểu. Cháu không thích khai giảng như thế này chút nào !”.
“Thầy cô ơi, đừng đánh mắng bọn con…”
Khi được hỏi mong ước gì trong năm học mới, Khánh Huyền nói: “Cháu mong rằng nhà vệ sinh không bẩn và hôi nữa. Bữa ăn trưa ngon hơn, các cô nuôi sẽ không đánh, mắng và dọa bọn cháu khi không ăn hết cơm hay không ngủ.
Ngày khai giảng phải thật sự là ngày hội của học sinh. |
Cháu cũng không muốn phải tập trung dưới trời nắng, tập đón đại biểu, tập vỗ tay, tập trả lời khi có đại biểu đến dự,… Và các thầy cô giáo đừng đánh mắng mỗi khi bọn con viết chữ xấu hay không thuộc bài nữa”.
Mong có đủ cơm ăn
Ngược lại với HS nội thành, tại những vùng quê nghèo, vẫn có HS chưa có tiền mua đồng phục. Ước mong của các em thật giản dị: có điện để học, có nước để tắm và thậm chí có đủ cơm để ăn.
Chưa bao giờ học sinh, phụ huynh trường THCS Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội có một buổi lễ khai giảng rực rỡ như năm nay.
Là một xã vừa mới sáp nhập vào Hà Nội, có hơn 20% hộ nghèo, 78% dân số là bà con dân tộc Mường và 100% làm nghề nông thì khai giảng năm nay có bóng bay, có hoa, có cả truyền hình về quay là một sự kiện khiến cả làng đổ ra xem.
Còn canh cánh nỗi lo chưa có tiền cho con mua sách và đóng học đầu năm, song cô Kiều Thị Mai, xóm Cố Đụng 2, Tiến Xuân cũng phải ra bằng được để xem cậu con trai lớp 7 biểu diễn đánh trống…
Nhiều HS ở các huyện của Hà Nội mới mở rộng chỉ mong đủ ăn, được có điện để học đã là một điều hạnh phúc. Đi đôi dép đứt, quần áo lấm lem, Hà Thương Anh (học sinh trường Tiểu học Đông Xuân- Quốc Oai, Hà Nội) vừa không kịp đến dự khai giảng vì bố mẹ chưa có tiền đóng học, mua sách vở và đặc biệt mua một bộ quần áo, đôi dép tươm tất cho em.
Chia sẻ trong đầu năm học mới, Thương Anh có một ước mơ: “Bố mẹ cháu đều bị tai nạn, giờ yếu không đi làm thuê được. Cháu mong nhà có điện, có nước để tắm và bố mẹ có đủ gạo để ăn…”. Còn Trần Thị Thu Hà, học lớp 2 cùng trường với Thương Anh ước mơ được đến trường có đủ sách học.
GS Ngô Bảo Châu: Khai giảng ở nước ngoài vui vẻ mà ấm áp
Ở nước ngoài, lễ khai giảng của con chúng tôi được tổ chức rất giản đơn. Trẻ con không phải xếp hàng, mà lớp nào, tổ chức ở lớp đó. Bình thường, bố mẹ chở con đến cổng trường học, nhưng hôm khai giảng, các bậc phụ huynh được vào dự cùng. Rất vui vẻ mà ấm áp…
|
Theo TPO
Bình luận (0)