Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chọn học sinh dự lễ khai giảng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Một chị bạn gọi cho tôi đúng vào ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Chị than thở: “K. không được đi khai giảng. Năm ngoái K. dự khai giảng rồi nên năm nay phải ở nhà cho những bạn khác đi. Nó buồn lắm. Em động viên nó vài câu!”.
K. là học sinh lớp 7 của một trường THCS uy tín thuộc diện nhất nhì thành phố. Những trường nổi tiếng ở Hà Nội thường ít kiểm soát được số lượng học sinh. Trường của K. không là ngoại lệ. Với 3.600 học sinh, trường có quy mô gấp đôi các trường học bình thường. Sân trường của K. không hẹp lắm so với nhiều trường nội thành, nhưng không đủ rộng cho việc tập trung một lúc 3.600 học sinh!
Sau khi động viên K., tôi định kết thúc câu chuyện bằng cách nói, chúc cháu sang năm được đi khai giảng! Ai ngờ nó khiến K. xúc động. Cậu nói: “Chắc chắn là sang năm cháu được đi khai giảng. Quy định một nửa lớp luân phiên dự khai giảng, bế giảng đã được thống nhất, cứ thế mà thực hiện. Cô giáo cháu là người rất có trách nhiệm, cô không thể quên lời hứa được!”.
Không chỉ những trường “phình to” như trường của K., quyền được dự ngày khai giảng là quyền thiêng liêng của một học sinh bị xâm phạm. Từ nhiều năm nay, dư luận Thủ đô không xa lạ gì với những trường phải tổ chức lễ khai giảng mà học sinh tham gia có chọn lọc. Do sân trường quá chật, mỗi lớp chỉ có khoảng vài chục bạn được xuống dự lễ, những bạn còn lại ngồi trong lớp.
Có trường do bố trí sân ở giữa, xung quanh là các dãy phòng học nên khi khai giảng, học sinh lớp nào đứng ở hành lang lớp ấy. Một số trường, đặc biệt là các trường ngoài công lập, đã chọn giải pháp tích cực hơn, nhưng chưa chắc đã gợi mở nhiều cảm xúc khai trường hơn là cho học sinh khai giảng ở công viên, nhà hát, rạp xiếc…
Nói về chuyện khai giảng, nhiều phụ huynh không hài lòng nhưng rồi tặc lưỡi cho qua. Số học sinh không được đi khai giảng dù sao cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong một triệu học sinh Thủ đô nói riêng, 15 triệu học sinh phổ thông của cả nước nói chung. Ngày khai giảng tưởng như sinh ra cốt để mang lại những cảm xúc trong trẻo, tươi mới, háo hức cho trẻ em nhưng dần dần nó trở thành nơi phô diễn khả năng tổ chức những sự kiện hoành tráng của người lớn.
Trong buổi trả lời phỏng vấn báo giới trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cũng công nhận, lễ khai giảng ngày càng bị sa vào tính hình thức, ít mang lại cảm giác mới mẻ, tinh nguyên, thiêng liêng cho học trò.
Quý Hiên / TPO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)