Không ít du khách trong và ngoài nước đam mê những tour du lịch mạo hiểm. Tuy nhiên, nếu thiếu kỹ năng và thiết bị bảo vệ có thể du khách phải trả giá đắt, kể cả tính mạng của bản thân.
Du khách cần có kỹ năng và thiết bị bảo vệ để tránh rủi ro khi du lịch mạo hiểm |
Sự kiện một du khách trẻ mang quốc tịch Hàn Quốc bất ngờ tử vong sau khi tham gia trò chơi đu dây trượt thác ở Đà Lạt (Lâm Đồng) không chỉ đem lại nỗi đau cho gia đình và bạn bè mà còn là nỗi lo thật sự cho loại hình du lịch đang trở thành xu hướng phổ biến hiện nay nhất là đối với các bạn trẻ năng động và thích khám phá.
Hầu như năm nào, khu du lịch mạo hiểm theo hệ thống thác Datanla cũng xảy ra một vài sự cố từ nhỏ đến lớn và đa phần đều có du khách thiệt mạng. So với các điểm du lịch khác, thác Datanla là một địa chỉ thật sự hấp dẫn cho những du khách thích đi tìm những cảnh đẹp của thiên nhiên kết hợp với những trò chơi cảm giác mạnh. Thực tế cho thấy, các khu du lịch mạo hiểm thường tỷ lệ thuận với những sự cố khi tham gia vào các trò chơi tại đây. Du lịch mạo hiểm hay chinh phục độ cao, độ khó để có những cảm giác mạnh mới lạ, điều đó cũng đồng nghĩa với những rủi ro đi kèm. Đây chính là lý do ngọn thác này đã trở thành nỗi ám ảnh của các nhà quản lý về loại hình du lịch mới này. Tại hệ thống thác Datanla đã từng xảy ra nhiều sự cố khiến du khách thiệt mạng, điển hình là vụ 3 du khách mang quốc tịch Anh tử nạn vào năm 2016 khi đu dây trượt thác. Như vậy có thể coi đây là những cái chết được báo trước. Điều quan trọng là phải biết cách loại trừ được những hậu quả đó, để đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách.
Thực tế cho thấy, tất cả các địa chỉ của du lịch mạo hiểm khi đưa vào sử dụng đều phải qua những kỳ sát hạch khắt khe. Nhất là việc kiểm soát chặt chẽ hệ thống trang thiết bị phục vụ loại hình du lịch này phải được đưa lên hàng đầu. Những nội quy, điều lệ khi tham gia phải cụ thể, chi tiết để người tham gia nắm rõ quy định chung mà khu du lịch đưa ra. Tiêu chuẩn bảo hộ, trình độ và kỹ năng của hướng dẫn viên cũng được “vũ trang đến tận răng” để những đội ngũ này có một tay nghề vững vàng. Du khách chính là những nhân vật quan trọng nhất khi tham gia loại hình du lịch này bắt buộc phải tuân thủ đúng các quy định chung của khu du lịch, vì chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể đem lại một hậu quả lớn mà khi hối tiếc cũng đã muộn màng.
Tại các khu du lịch mạo hiểm, cũng có biển cảnh báo cấm người chơi lớn tuổi bị bệnh thần kinh, bệnh tim mạch, huyết áp cao và trẻ em dưới 1,4 mét. Để đảm bảo tính mạng cho du khách các khu vui chơi cảm giác mạnh đều có đèn báo, cờ báo tín hiệu an toàn. Đội ngũ cứu hộ cũng luôn túc trực thường xuyên để ứng cứu kịp thời. Tuy nhiên, du khách cũng cần coi trọng chính mình, luôn sử dụng mọi biện pháp an toàn để tự bảo vệ mình cũng là cách đi du lịch có văn hóa.
TS. Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch Việt Nam nhắc nhở, bản thân mỗi du khách hãy là khách du lịch thông minh, nên lựa chọn đi theo các công ty lữ hành có uy tín chuyên tổ chức về du lịch mạo hiểm. Về giải pháp cho loại hình du lịch mạo hiểm, ông Tuấn cho rằng, cần phải xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chung về phát triển du lịch mạo hiểm trên toàn quốc. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, nơi có tiềm năng phát triển du lịch mạo hiểm, cần tổ chức khảo sát, đánh giá, quy hoạch lại những điểm du lịch mạo hiểm, đồng thời ban hành các quy định cụ thể về quản lý, tổ chức kinh doanh dịch vụ trong du lịch mạo hiểm, kể cả những quy định dành cho du khách khi tham gia các loại hình du lịch mạo hiểm này.
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)