Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đội lân sư rồng học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ở Ô Môn, TP Cần Thơ có một đội lân sư rồng được xem là “độc nhất vô nhị” miền Tây, gồm 25 thành viên với hơn phân nửa là học sinh – sinh viên gắn với nghề để mưu sinh, trang trải việc học hành…

Đội lân sư rồng trong một tiết mục biểu diễn – Ảnh: M.T. 
Đặc biệt, lân sư rồng nữ với hai tiết mục độc đáo: múa mai hoa thung và leo cột cao 6m đang được Trung tâm Thể dục thể thao TP Cần Thơ đề xuất đăng ký kỷ lục Việt Nam…
Từ đam mê taekwondo…
Đội lân sư rồng được thành lập cách đây hai năm với cha đẻ là ông Lương Ấn Đường – HLV đội tuyển taekwondo Ô Môn, TP Cần Thơ. Ông Đường kể: “Tất cả khởi nguồn từ sự đam mê võ taekwondo của các em. Nhiều năm trước tôi có đến một số trường dạy taekwondo miễn phí, sau đó tuyển chọn những em có năng khiếu làm VĐV, HLV cùng tôi “phủ” taekwondo xuống các trường trên địa bàn quận… Nòng cốt hơn chục em là học sinh, hoàn cảnh gia đình khó khăn, một buổi đi học, một buổi mưu sinh; chiều tối lại xung phong đứng lớp dạy taekwondo miễn phí. Thầy trò đều làm việc không lương. Tâm trí tôi không yên, làm thế nào để giúp các em kiếm thêm thu nhập phụ gia đình, trang trải việc học tập để còn học lên nữa… Nghĩ thế nên tôi mới gọi các em lại, thầy trò bàn bạc, nhất trí: thành lập đội lân sư rồng này…”.
Để đội lân sư rồng chuyên nghiệp thật sự, ông Đường đã bỏ ra 600 triệu đồng mua 14 cặp lân sư rồng và hai giàn mai hoa thung với tiêu chuẩn quốc tế. Ông Đường còn rước các đội lân nổi tiếng ở TP.HCM như Nhơn Nghĩa Đường, Nghĩa Hội Đường… xuống chỉ dạy cho đội. Sau đó ông cho đội trưởng Lê Quốc Tuấn đi học lớp tập huấn do Liên đoàn Lân sư rồng châu Á tổ chức tại TP.HCM. Đồng thời ông đài thọ để Tuấn sang Trung Quốc, Malaysia thọ giáo các võ sư, nghệ nhân nổi tiếng của các nước này, rồi về hướng dẫn, phổ biến lại cho toàn đội.
Khổ luyện
Đội gồm 25 thành viên, trẻ nhất 14 tuổi, lớn nhất 20 tuổi, đa số là học sinh. Duy chỉ có đội trưởng Lê Quốc Tuấn, 20 tuổi, hiện là sinh viên hệ đào tạo từ xa. Mỗi người mỗi cảnh, như Nhiều, Khá, Đan, Uyên, Tiến, Thạnh… đang là học sinh lớp 9, 11, 12 Trường THCS Lưu Hữu Phước, THPT Lương Định Của. Sau buổi học các bạn còn đi bán vé số, gặt lúa thuê, nhổ cỏ mướn, mò cua bắt ốc, giăng câu, đặt lợp… phụ giúp gia đình nhưng vẫn chung đam mê với những vũ điệu trên không.
Cứ chiều thứ bảy, chủ nhật đội tập trung tại Trung tâm Văn hóa thể thao quận Ô Môn, tách ra thành hai nhóm nam, nữ tập riêng. Sau đó mới ráp lại thành tiết mục hoàn chỉnh. Một buổi tập kéo dài hơn ba  giờ.
Trên khoảng sân rộng, hai VĐV Tuấn và Thạnh đang tập múa trên giàn mai hoa thung gồm 11 trụ, cao 2-2,2m với khoảng cách giữa các trụ 0,5-1,5m. Thạnh đứng trước giữ đầu lân, Tuấn đứng sau, hai tay ôm lấy eo Thạnh nhấc lên đặt xuống trên từng cột mai hoa thung theo từng nhịp trống, nhịp chiêng sôi nổi… Rồi Thạnh đứng trên đùi Tuấn tạo hình lân đứng, cả hai quay 720 độ bằng những bước nhảy cao ngất, nhẹ nhàng đáp xuống, bất ngờ lao nhanh từ trên nằm bẹp xuống khiến người xem ồ lên thán phục…
Còn bên lân nữ, Uyên cũng đang tập leo cột. Một tay Uyên cầm đầu lân, một tay ôm cột, hai chân quắp chặt thân cột. Cứ thế Uyên vừa leo vừa múa đến chót vót tận đỉnh cột 6m. Thú vị nhất là tuyệt kỹ dốc ngược đầu lân từ từ leo xuống đất. Đây là tuyệt kỹ chỉ có những đội lân sư rồng lớn mới làm được. Để luyện được tuyệt kỹ này, Uyên mất mấy tháng ròng hết trèo lên rồi lại leo xuống, từ độ cao 2m nâng lên 3m, 4m rồi đến 6m. Khi đã thích nghi với độ cao, leo lên, dốc đầu leo xuống thành thạo, Uyên mới hóa thành lân ôm cột tập luyện cho đến khi nhuần nhuyễn vũ điệu…
Thành quả…
Đan tâm sự: “Giờ tuy nhuần nhuyễn nhưng tới chiều thứ bảy, chủ nhật chúng tôi đều tập dượt, ngoại trừ những lúc thi cử…”. Nhớ lại lúc đầu tập ai nấy đều bị té sưng bầm tím cả mình mẩy, có khi bong gân đi cà nhắc, còn trầy da, tay chân đầy sẹo là chuyện thường. Kiên trì một thời gian dài, giờ đội không thua đội lân sư rồng chuyên nghiệp. Hợp đồng mời biểu diễn vào dịp năm mới hoặc khai trương, lễ hội cũng theo đó nhiều lên. Nhất là dịp tết, khách hàng đến tới tấp.
Trung bình mỗi tuần đội nhận được 1-2 hợp đồng biểu diễn. Tất cả tiền biểu diễn ông Đường không nhận đồng nào mà chia đều cho đội, trung bình hằng tháng mỗi thành viên được 800.000-1,2 triệu đồng. Thạnh tâm sự: “Cũng nhờ nguồn thu nhập này, tôi chỉ chuyên vào học, dạy võ và múa lân, không đi bán vé số nữa. Bên cạnh đó còn có niềm vui khi múa những vũ điệu đẹp cho mọi người xem…”. Giờ đội lân sư rồng Ô Môn rất nổi tiếng với những vũ điệu dũng mãnh, trẻ trung…, đội luôn “ẵm” được chức vô địch ở các kỳ tranh tài tổ chức tại TP Cần Thơ.
MINH TÂM / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)