Hàng ngày, Bích (đeo khăn quàng đỏ) vừa đi học vừa phải lo cho các em |
Trong căn nhà nhỏ ở cuối xóm nghèo làng Mai Xá, xã Gio Mai (huyện Gio Linh, Quảng Trị), có 9 chị em côi cút nuôi ước mơ học con chữ để thoát khỏi cuộc sống khó nghèo…
Cơn mưa chiều ào ào trút nước. Con đường đất nhỏ trơn trợt dẫn vào nhà em Trương Thị Bích, học sinh lớp 9A, Trường THCS Gio Mai (Gio Linh, Quảng Trị) càng lúc càng thắt lại, nhiều đoạn chỉ đủ đặt bàn chân người, dây cỏ dại mọc um tùm choán cả lối đi.
Họa vô đơn chí
Nhắc đến gia đình cô học trò “bé hạt tiêu” Trương Thị Bích, cả làng Mai này không ai là không biết. 9 chị em mồ côi cha mẹ đang ngày ngày tần tảo làm thuê làm mướn, dắt díu nhau trên con đường chinh phục con chữ. Tiếp chuyện với chúng tôi, giọng Bích nghèn nghẹn, liên tục đứt quãng vì xúc động: “Hết mẹ, rồi đến ba lần lượt ra đi. Để có cái ăn, các anh chị lớn phải nghỉ học giữa chừng để đi làm. Mình em ở nhà trông bốn đứa em, nhiều lúc em út nhớ ba khóc, dỗ hoài không nín, rứa là cả mấy chị em chỉ biết ôm nhau khóc”.
Cách đây 5 năm, khi đứa em út Trương Văn Tiến vừa tròn 9 tháng tuổi, chị Trương Thị Nhẫn, mẹ các em ngủ miết rồi… không dậy nữa. Bích nghẹn ngào cho biết: “Sáng sớm hôm đó thấy em út khóc, em lay gọi mẹ, thì ba bảo hãy để cho mẹ ngủ thêm tí nữa vì suốt đêm qua mẹ bị lên cơn sốt. Thế là em vội chạy đi mua cháo, ai ngờ vừa mang cháo về đến sân nhà thì ba em chạy ra ôm chầm lấy em khóc, nói: Mẹ bỏ cha con mình mà đi mất rồi”. Nhà nghèo, anh Trương Văn Quyền phải chạy ngược chạy xuôi vay mượn tiền lo đám tang cho vợ. Sau đó lại quần quật làm lụng nuôi các cháu. Năm 2009, anh lâm bệnh và qua đời để lại 9 đứa con thơ trong căn nhà trống trơ, lộng gió, đứa lớn nhất chưa đầy 22 tuổi, đứa nhỏ nhất vừa 4 tuổi.
Căn nhà do Tổ chức Plan tài trợ cách đây chục năm đến bây giờ vẫn còn dang dở. Dang dở như chính cuộc đời các em! Vách tường nham nhở chưa tô trát, cửa nẻo được che tạm bằng vài tấm bìa gỗ tràm ghép lại. Căn bếp bằng tre nứa xiêu vẹo, rách nát tả tơi. “Trời nắng còn vào bếp nấu cơm được chứ trời mưa là nước chảy ào ào, tắt hết củi lửa, nhiều lúc mấy chị em phải ăn cơm sống”, Bích cho biết.
Điểm sáng trong căn nhà “lộng gió”
Năm 2005, khi mẹ các em qua đời, ba đứa con lớn là Trương Thị Duyên đang học lớp 11, Trương Thị Hoa lớp 9, Trương Văn Quý lớp 7 lần lượt bỏ học giữa chừng để đi làm phụ ba nuôi các em. Năm 2009, anh Quyền – ba các em qua đời, Hoa đi lấy chồng, gánh nặng gia đình từ đấy đổ dồn lên vai Duyên và Quý. Để có tiền nuôi các em, Duyên đi làm thuê bóc tách tôm cho các chủ buôn tôm tận miền biển, cách nhà 15km. Vì phương tiện đi lại không có, mà đi về mỗi ngày lại tốn thời gian nên Duyên ở trọ lại chỗ làm để tiết kiệm thời gian, kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống cho các em. Còn Quý ở nhà quần quật suốt ngoài đồng với 5 sào ruộng khoán, nhưng ruộng đất cằn cỗi nên hạt lúa thu về cũng chỉ đủ trả tiền thuê máy cày, phân bón và thuốc trừ sâu, phần dư dả chẳng đáng là bao trong khi 6 đứa em ngày nào cũng cần được ăn no cái bụng. Ngoài thời gian làm ruộng, Quý đi phụ thợ hồ, đi cày ruộng rồi chạy xe công nông chở vật liệu cho các cửa hàng xây dựng. Một ngày của Quý bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng cho đến tận 8, 9 giờ đêm mới về đến nhà.
Sáu đứa em còn lại đều đang đi học. Năm nay em Trương Thị An (con thứ 4 trong gia đình) lên lớp 10. Trường xa nhà, mỗi ngày em đạp xe ngót 20 cây số cả đi lẫn về để đến trường. Đi từ 6 giờ sáng mà mãi đến 7 giờ tối mới về đến nhà nên công việc nhà hầu như trút cả lên vai đứa em thứ 5 là Trương Thị Bích. Mỗi sáng Bích phải dậy từ 4 giờ sáng lo cơm nước cho các em ăn, đưa các em đến trường rồi mới quay về lớp học. Chiều về lại lo giặt giũ áo quần và hái rau, nấu cơm chiều. Tranh thủ những ngày hè và chủ nhật, Bích theo chị Duyên làm công việc phân loại tôm cho chủ buôn (phân loại tôm là lựa chọn những con tôm có cùng trọng lượng để bán theo từng mức giá định sẵn – PV). Mỗi giờ em được trả công 10 ngàn đồng. Trung bình mỗi buổi làm em kiếm được 20 ngàn đồng, thời gian còn lại để đi về và chăm lo nhà cửa, các em. Bích tâm sự: “Có nhiều lúc chủ thúc giục, em phải dầm mưa để làm việc mà ướt lạnh cả người cứ run lập cập. Mỗi lúc như thế hai bàn tay ngâm nước lâu trắng bệch, lột da đến rớm máu. Đau đến ứa nước mắt nhưng cứ nghĩ đến việc có tiền mua thêm cuốn sách mới là em quên hết mệt nhọc. Ước mơ của em là làm sao được học lên đại học, kiếm được cái nghề ổn định để bù đắp phần nào thiệt thòi cho anh chị đã vì các em mà dang dở học hành”.
Dù hoàn cảnh khó khăn là vậy nhưng các em vẫn học giỏi, chăm ngoan. Năm nào các em (Trương Thị An, lớp 10 Trường THPT bán công Đông Hà; Trương Thị Bích, lớp 9 Trường THCS xã Gio Mai; Trương Thị Bồng (lớp 5), Trương Văn Tý (lớp 3) Trường Tiểu học Gio Mai) cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, giỏi. Riêng em Bích, 8 năm liền luôn đứng trong top học sinh giỏi của trường và có mặt trong đội tuyển học sinh giỏi môn sinh học cấp tỉnh năm học 2009-2010.
Hành trình chinh phục con chữ đầy chông chênh, gian nan vất vả của những đứa trẻ mồ côi nơi miền quê nghèo này thật cảm động và đáng khâm phục. Chia tay căn nhà lộng gió với những phận đời mồ côi nơi làng Mai nghèo khó, tôi chợt nhớ ánh mắt sáng ngời, giọng nói đầy quả quyết của Bích: “Dù cuộc sống trước mắt rất khó khăn, nhưng thà đứt bữa, em vẫn quyết tâm làm thuê làm mướn để kiếm tiền theo học”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh
Nhiều lúc cần hàng gấp, chủ thúc giục em phải dầm mưa để làm việc, người cứ run lập cập. Mỗi lúc như thế hai bàn tay ngâm nước lâu nên trắng bệch, lột da đến rớm máu. Đau đến ứa nước mắt nhưng cứ nghĩ đến việc có tiền mua thêm cuốn sách mới là em quên hết mệt nhọc – em Trương Thị Bích chia sẻ. |
Bình luận (0)