Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh: Yếu từ khâu giáo viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

GVCN Trường THPT Trần Khai Nguyên trong một buổi tập huấn về rèn luyện kỹ năng sống cho HS

Tăng cường giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh (HS) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2010-2011. Một trong những yếu tố góp phần quan trọng để hoàn thành tốt nhiệm vụ này chính là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm (GVCN).
Thực tế hiện nay, đội ngũ GVCN vẫn chưa được đào tạo bài bản, chưa qua các khóa học rèn luyện kỹ năng sống cho HS.
Thiếu kỹ năng công tác chủ nhiệm lớp
Có thể nói, GVCN là người đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nhà trường với HS; là người gần gũi, tiếp xúc thường xuyên với HS; là kênh truyền đạt những mong muốn, suy nghĩ của các em tới BGH nhà trường và ngược lại. Cũng bởi trọng trách nặng nề đó nên GVCN được ví như những người “làm dâu” để xử lý mọi việc làm, tình huống diễn ra trong lớp học. Trong tuần, GVCN có ít nhất một tiết sinh hoạt chủ nhiệm vào đầu hoặc cuối tuần để gặp gỡ, trao đổi với HS của mình. Nhưng hầu hết những giờ sinh hoạt chủ nhiệm đều bị HS đánh giá là khô khan, nhàm chán chỉ đơn thuần là nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm, ít có sự sáng tạo để mối quan hệ giữa thầy với trò thực sự vui vẻ.
Thực tế cho thấy, phần lớn đội ngũ GVCN tại các trường đang thiếu rất nhiều kỹ năng để có thể làm tốt vai trò của người quản lý lớp học. Cô Hoàng Thị Hiền (Trường THPT Trần Khai Nguyên) nhận xét: “Những GV mới ra trường có lợi thế trong việc làm tốt công tác chủ nhiệm bởi họ có tinh thần nhiệt huyết, cách nói chuyện mới mẻ nên dễ gần gũi với HS. Nhưng cái mới đó lại dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình xử lý những trường hợp vi phạm. Có lúc, một lời nói vô tình của GV cũng khiến cho HS hiểu sai những điều họ nói. Trong khi đó, những GVCN lâu năm là người dạn dày kinh nghiệm nên họ có thể dự đoán trước những tình huống sẽ diễn ra để xử lý kịp thời. Song, chính khoảng cách chênh lệch tuổi tác, cách nhìn nhận đánh giá đã khiến cho rất nhiều GVCN lâu năm không hiểu hết tâm sinh lý lứa tuổi học trò. Nhiều thầy cô xử lý những vụ việc vi phạm của HS theo lối mòn, ít có sự sáng tạo”.
Mới đây, trong một cuộc hội thảo về công tác chủ nhiệm lớp ở các trường phổ thông khu vực phía Nam (do Bộ GD-ĐT tổ chức), các đại biểu tham dự đều cho rằng việc bồi dưỡng, đào tạo ở các trường sư phạm đang bị bỏ ngỏ. Ngành sư phạm chưa quan tâm đúng mức tới việc rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, đặc biệt là công tác chủ nhiệm lớp. Trong công tác đào tạo GV chưa chú trọng đúng mức đến kỹ năng giáo dục hay kỹ năng làm công tác chủ nhiệm cho sinh viên, dẫn đến tình trạng nhiều GV trẻ rất lúng túng với công tác này. Trong khi đó, GVCN lại là cầu nối trung gian giữa nhà trường và gia đình HS. Không chỉ hiểu, họ còn là người phải tổ chức cho HS những giờ học kỹ năng trong tiết sinh hoạt lớp nhằm giúp HS hoàn thiện nhân cách của mình.
Cần được đào tạo bài bản
Nhiều chuyên gia tâm lý khẳng định, GVCN là một nhân tố quan trọng đối với việc rèn luyện đạo đức, tư cách của HS. Đặc biệt, trong quá trình rèn luyện kỹ năng, GVCN cũng là một bộ phận không thể thiếu. Giáo dục kỹ năng cho HS vốn đã được các trường phổ thông chú ý từ rất lâu. Tuy nhiên, những hoạt động này chưa được chú trọng đúng mức, chưa có quy mô, bài bản. Các em HS chủ yếu sinh hoạt với nhau theo những câu lạc bộ, đội nhóm nhỏ lẻ trong và ngoài trường học.
Nhận thức được vai trò quan trọng của việc giáo dục kỹ năng, những năm gần đây, các công ty, trung tâm tư vấn tâm lý đã bắt đầu “len lỏi” vào trường học. Cô Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết đã có không ít đơn vị tới “chào hàng” để được giảng dạy kỹ năng sống cho HS. Tuy nhiên, mức học phí mà các đơn vị này đưa ra đều ở “khung” khá cao: từ 35-45.000 đồng/ buổi học/ HS. “Với mức học phí đó, những HS có hoàn cảnh khó khăn sẽ không đủ điều kiện để tham gia. Nhà trường cũng không thể rèn luyện kỹ năng cho HS theo hình thức sinh hoạt dưới cờ vì tính hiệu quả không cao, không tác động tới nhận thức của đông đảo HS. Cách hiệu quả nhất chính là tận dụng các giờ sinh hoạt lớp và đội ngũ GVCN”, cô Yến Trinh phân tích. Được biết, một tuần trước ngày khai giảng, Trường THPT Trần Khai Nguyên đã tổ chức đợt tập huấn cho GVCN về bồi dưỡng kỹ năng sống cho HS. Đây là một trong số rất ít trường tại thành phố tổ chức tập huấn kỹ năng cho GVCN. Các buổi học đã khai thác triệt để việc tìm hiểu tâm sinh lý lứa tuổi học trò, cách xây dựng những bài giảng kỹ năng sống cho HS. “Khi còn ở trường sư phạm, chúng tôi cũng được học môn tâm lý sư phạm, tâm lý lứa tuổi để tiếp xúc và xử lý những tình huống xảy ra trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, những điều chúng tôi được học ngày ấy khác xa so với lối suy nghĩ của HS hiện nay. Có tham gia khóa học mới thấy GVCN hiện nay còn thiếu nhiều kỹ năng để hiểu và giảng dạy HS của mình. GVCN có thể phối hợp với GV bộ môn để lồng ghép chúng vào các môn học hàng ngày. Theo tôi, quan trọng hơn cả là GVCN cần được đào tạo bài bản để có thể trực tiếp chuẩn bị bài giảng kỹ năng sống cho HS của mình”, cô Đinh Thị Mỹ Hạnh, giáo viên Trường THPT Trần Khai Nguyên thừa nhận.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

“GVCN phải là người hiểu được tâm lý của HS để có thể nắm bắt kịp thời vấn đề tâm sinh lý cũng như những biểu hiện bất thường của các em. Hiện chưa có một giáo trình chính thức nào về giảng dạy kỹ năng sống cho HS, nên các trường, GVCN có thể vận dụng sáng tạo những phương pháp phù hợp” – ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chia sẻ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)