Sinh viên “ngại”… nghiên cứu khoa học
Vài năm gần đây, các thí sinh không thiết tha thi vào những ngành nông- lâm – ngư nghiệp với lí do khi ra trường xin việc khó, công việc nặng nhọc, chân lấm tay bùn. Chính sự thiếu mặn mà khiến hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của sinh viên (SV) không sâu rộng. “Ngay bản thân Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (trường có tỷ lệ sinh viên NCKH vào loại cao – PV) cũng gặp nhiều khó khăn để khơi dậy niềm đam mê NCKH trong SV”, ông Nguyễn Đức Cảnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội nhận định.
Một nguyên nhân khác khiến SV ngành nông – lâm – ngư – y không hứng thú NCKH là do nhiều trường không đặt yêu cầu đề tài NCKH phải ứng dụng trong thực tế. Nhiều trường chỉ coi việc NCKH nhằm giúp SV có cơ hội tập sự nghiên cứu. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ nhiệm khoa Chăn nuôi thú y Trường ĐH Nông Lâm Huế cho biết, hoạt động NCKH của khoa cho sinh viên để phát triển kỹ năng là chính. Quan điểm của trường là thông qua đề tài NCKH để SV có thể thuyết trình, mô tả lại những thí nghiệm từ đó phát triển kỹ năng cũng như năng lực hiểu biết của SV.
Phong trào NCKH chưa sâu rộng, SV còn gặp khó khăn lớn khi thiếu đội ngũ hướng dẫn. Thông thường giảng viên hướng dẫn phải có kinh phí hỗ trợ, nhưng hiện nay nguồn kinh phí dành cho việc này quá ít. Một đề tài NCKH, thầy cô hướng dẫn chỉ được bồi dưỡng tương đương 10 tiết giảng dạy (350.000 đồng). Thù lao quá ít như vậy làm sao có thể tạo sự hứng thú cho người hướng dẫn. “Thế nên nhiều giảng viên chỉ căng sức vào giảng dạy mà quên việc hướng dẫn”, ông Cảnh cho biết.
Phong trào NCKH trong SV còn chưa được sâu rộng. Ảnh minh họa: L.Bình |
Gỡ vướng cách nào?
Năm học 2010 – 2011 là năm học đổi mới quản lý các trường ĐH, trong đó có đẩy mạnh hoạt động NCKH. Ông Nguyễn Đức Cảnh cho rằng, các trường nên chuyển từ ĐH sang ĐH nghiên cứu. Đối với đào tạo sau ĐH, tất cả các đề tài NCKH cấp Bộ trọng điểm trở lên, nhà trường yêu cầu khi xét duyệt phải có thạc sĩ tham gia. Các nghiên cứu sinh có kinh phí, được các thầy có kinh nghiệm và uy tín hướng dẫn. Đối với đào tạo ĐH, đẩy mạnh các nhóm nghiên cứu, đa dạng các loại hình nghiên cứu cho sinh viên. Có cơ chế cho các thầy hướng dẫn SV nghiên cứu tốt hơn.
Để có nhiều kinh phí, các trường đang tìm cách xây dựng các chương trình lớn gắn liền với chiến lược phát triển lớn của đất nước, các vùng miền. Ví dụ, xây dựng những chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, giải quyết những vấn đề thủy sản, vùng biến đổi khí hậu… Gắn với những chương trình này là đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Và khi đó sẽ có điều kiện hợp tác với nước ngoài, cũng như có thêm nhiều tiến sĩ có chất lượng.
Tiến sĩ Lê Văn Khoa, Trường phòng Quản lý khoa học, Trường ĐH Cần Thơ, cho biết giai đoạn 2011 – 2015 là bước ngoặt quan trọng của các trường. Các trường nên chuẩn bị đội ngũ để đề xuất, thuyết minh đề tài có chất lượng tham gia đấu thầu và thắng thầu. Để thu hút giảng viên tham gia NCKH thì phải có một số thông tư, quy định cụ thể. Đặc biệt, phải giải quyết thủ tục quyết toán trong NCKH vốn đang làm nản lòng những nhà nghiên cứu hiện nay.
Theo báo cáo của các trường khối nông – lâm – ngư – y, giai đoạn 2006 – 2010 có 6.611 đề tài NCKH, dự án đã được thực hiện. Trong đó, 51 đề tài cấp Nhà nước, 950 cấp Bộ, 4.064 cấp cơ sở, 427 địa phương và 211 đề tài một dự án quốc tế với tổng kinh phí 1.022.295 triệu đồng. Trong tổng số 6.611 đề tài, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 76% với 80% kinh phí; lĩnh vực ngư nghiệp chiếm 10% với 15% kinh phí. Lĩnh vực lâm nghiệp chỉ chiếm 3% với 3% kinh phí. Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội có số lượng đề tài lớn nhất với 1.282 đề tài.
|
Bình luận (0)