Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ồ ạt mở ngành rồi… đóng cửa

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chưa có kỳ tuyển sinh nào số lượng ngành phải đóng cửa lại nhiều như kỳ tuyển sinh năm nay. Không dừng lại ở ngoại ngữ, xã hội hay nông nghiệp, mà ngay cả các ngành được xem là nóng hiện nay như kinh tế, sư phạm cũng không mở được ở một số trường.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Văn Hiến TP.HCM. Năm nay trường này đóng cửa các ngành điện tử viễn thông, Việt Nam học và văn hóa học do có quá ít thí sinh nộp hồ sơ – Ảnh: Như Hùng
Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về nông nghiệp. Thế nhưng, nghịch lý là nhiều năm nay nhóm ngành nông nghiệp trong các trường ĐH ở đây luôn rơi vào cảnh tuyển sinh trầy trật. Năm nay, các ngành trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của Trường ĐH An Giang mỗi ngành có chưa tới 10 thí sinh đến nhập học. Theo ông Trần Văn Thạnh – trưởng phòng khảo thí Trường ĐH An Giang, tối thiểu phải có 20 sinh viên/ngành mới có thể đào tạo.
Mỗi năm 3-4 ngành mới
Thống kê số lượng ngành được mở thêm những năm gần đây nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Nhiều trường ĐH ngoài công lập đào tạo làng nhàng, "nổi tiếng" với xã hội về những vụ bê bối nhiều hơn thành tích cũng mở đến 50 ngành đào tạo kể cả ĐH lẫn CĐ.
Đó là chưa kể trường xé lẻ các ngành thành nhiều chuyên ngành nhỏ. Nhiều trường sau một năm tuyển sinh xin mở thêm 3-4 ngành mới.

Trường mở lối, thí sinh không vào

Do đó một số ngành nông nghiệp sẽ phải đóng cửa. Trường xét tuyển 250 chỉ tiêu nguyện vọng (NV) 3 nhưng chỉ tuyển được 25 thí sinh nên cũng như muối bỏ bể, chẳng thấm vào đâu. Trước đó, ngành chăn nuôi đã “nhận được quyết định” đóng cửa sau khi xét tuyển NV2 nhưng không tuyển được thí sinh. Không chỉ các ngành nông nghiệp, các ngành sư phạm sinh, kỹ thuật công nghiệp, kỹ thuật nông nghiệp, sư phạm mỹ thuật cũng phải chịu chung số phận khi bị thí sinh “chê”.
Tại Trường ĐH Đồng Tháp, các ngành khối xã hội nhân văn, tự nhiên lại rơi vào cảnh “trường mở lối nhưng thí sinh không vào”. Các ngành quản lý văn hóa, công tác xã hội, quản lý đất đai, công nghệ thông tin với cả trăm chỉ tiêu mỗi ngành nhưng chỉ có vài ba thí sinh xét tuyển NV3, với trên 500 chỉ tiêu NV3 nhưng chỉ có khoảng 80 hồ sơ nộp vào.
Bà Huỳnh Thị Hồng Vinh – trưởng phòng khảo thí và đảm bảo chất lượng Trường ĐH Đồng Tháp – ngán ngẩm cho biết chưa năm nào tuyển sinh lại khó như năm nay, nhất là các ngành tuyển khối C, D. Trường đã phải đóng cửa một số ngành trong khi một số ngành khác phải gắng gượng tổ chức đào tạo để giữ ngành.
Với 2.000 chỉ tiêu bậc ĐH, Trường ĐH Trà Vinh cũng chỉ tuyển sinh được chưa tới 50%. Đây không phải là năm đầu tiên trường tuyển sinh khó khăn. Ngành kinh tế gia đình ba năm liên tiếp không thể mở được do không có người học. Danh sách ngành đóng cửa năm nay còn “gọi tên” thêm Trường ĐH Đà Lạt. Sau khi xét tuyển NV2, trường đã phải chuyển số thí sinh ít ỏi trúng tuyển vào ngành nông học sang ngành công nghệ sau thu hoạch và chính thức gạch tên ngành nông học trong danh sách tuyển sinh năm nay.
Bi đát ngoại ngữ
Đáng chú ý ở nhóm ngành ngoại ngữ tại các trường ngoài công lập, những năm gần đây liên tục chịu cảnh đìu hiu. Một trong những ngành đầu tiên không mở được lớp đào tạo sau kỳ tuyển sinh chính là các ngành ngoại ngữ của Trường ĐH Văn Hiến trong tuyển sinh năm 2008. Sang năm 2009, cả ngành tiếng Anh kinh thương của trường cũng chỉ nhận lèo tèo vài bộ hồ sơ đăng ký. Tương tự, ngành tiếng Nhật của Trường ĐH Hùng Vương chỉ nhận chưa đến 10 hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Bước vào tuyển sinh năm nay, các trường này tiếp tục khó khăn. Thêm vào đó, các trường ĐH công lập có tiếng cũng “nối gót” theo thực tế chẳng mấy sáng sủa này. Trong 11 ngành phải dừng mở lớp tại ĐH Đà Nẵng có đến bốn ngành thuộc nhóm ngoại ngữ, gồm: cử nhân tiếng Nga, sư phạm tiếng Pháp, sư phạm tiếng Trung Quốc và cử nhân tiếng Thái Lan của Trường ĐH Ngoại ngữ. ĐH Huế cũng chẳng khả quan hơn, ngành tiếng Pháp chỉ có bốn hồ sơ đăng ký, riêng ngành tiếng Nga chỉ duy nhất một thí sinh lựa chọn.
Không chỉ ĐH vùng, ĐH địa phương, ngay cả các trường ĐH lớn tại các thành phố cũng rơi vào cảnh tương tự. Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã chính thức xóa sổ ngành song ngữ Pháp – Anh. Liên tục nhiều năm gần đây ngành này không tuyển được thí sinh. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – cho biết sẽ không tuyển sinh ngành này từ kỳ tuyển sinh năm sau.
Tại anh hay tại ả?
Điểm chung trong kỳ tuyển sinh năm nay là khi xét tuyển NV3 hầu hết các trường nhận được hồ sơ rất ít. Nguyên nhân được đưa ra là nguồn tuyển đã cạn. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng cho rằng cần phải tính toán nguồn tuyển một cách hợp lý bởi tỉ lệ ảo trong tuyển sinh rất lớn. Nếu tính tổng số thí sinh/chỉ tiêu rồi đưa ra mức sàn quá sát sẽ gây khó khăn cho các trường.
Bên cạnh đó cũng cần nói đến tốc độ mở ngành đến chóng mặt hiện nay. Một chuyên gia tuyển sinh cho rằng những năm gần đây các trường được thành lập mới khá nhiều. Hầu hết các ngành đào tạo được mở mới chủ yếu là kinh tế, công nghệ, ngoại ngữ. Một số ngành thu hút sự quan tâm của phần lớn thí sinh nên có sự dịch chuyển khá lớn giữa các ngành, nhóm ngành và dĩ nhiên một số ngành phải chịu cảnh đìu hiu. Ông Trần Văn Thạnh cho rằng định hướng trong giáo dục hiện nay chưa tốt. Trong khi các trường chạy theo nhu cầu xã hội, đào tạo những ngành xã hội cần nhưng học sinh lại chạy theo hướng khác.
Tuy nhiên, cũng có những ngành hiện được đào tạo theo nhu cầu của trường hơn là người học. Điển hình là nhóm ngành ngoại ngữ. Theo một số cán bộ đào tạo, dù ngoại ngữ hiện rất cần nhưng việc dành bốn năm để học ĐH về một ngoại ngữ nào đó không phải là ưu tiên của các bạn trẻ. Nhiều bạn đã định hướng ngay từ đầu ngoại ngữ chỉ là một kỹ năng cần thiết, bắt buộc phải có bên cạnh một chuyên môn khác.
Vì vậy, thí sinh chủ yếu chọn các ngành học khác rồi học thêm ngoại ngữ thay vì chọn đi theo các ngành này. Trong khi đó, ngoại trừ vài trường kỹ thuật đặc thù, hiện nay gần như trường nào cũng mở ngành ngoại ngữ.
V.HÙNG – M.GIẢNG / TTO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)