Ông Lê Văn Minh – Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn TP.HCM trao bằng khen cho các trường thực hiện tốt các phong trào thi đua trong năm học 2009-2010 |
Ngày 15-10, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết công tác chính trị tư tưởng và công tác học sinh sinh viên (HS-SV) năm học 2009-2010. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở GD-ĐT, Sở VH-TT&DL, Công an TP, Thành Đoàn; hiệu trưởng, cán bộ làm công tác Đoàn – Đội các trường học trên địa bàn TP.HCM…
Giúp SV-HS trưởng thành
Có thể nói, công tác giáo dục chính trị tư tưởng là một trong những việc làm rất quan trọng trong việc hình thành, giáo dục và rèn luyện đạo đức, nhân cách của HS, SV và giáo viên trong trường học. Nắm bắt được ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp cùng các ban ngành tổ chức, chỉ đạo các trường làm tốt công tác này trong thời gian qua. Theo ông Lê Hồng Sơn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, trong năm học vừa qua, ngành GD-ĐT đã phát động và tổ chức tốt các cuộc vận động và phong trào thi đua như: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Hai không”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Xây dựng nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị”… Qua một năm hoạt động, công tác này đã đạt được những kết quả khả quan, nhiều đơn vị đã giành được thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua. “Đa số HS-SV đều có lối sống lành mạnh, năng động sáng tạo, có ý chí vươn lên mạnh mẽ trong việc rèn luyện nhân cách, đạo đức tác phong và học tập. Công tác quản lý HS-SV và tình hình an ninh trật tự được các đơn vị quan tâm. Qua đó ngăn chặn kịp thời nhiều trường hợp bất hòa, mâu thuẫn trong HS-SV”, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Công tác giáo dục truyền thống dân tộc, lý tưởng cách mạng cũng là một trong những trọng tâm được các trường hướng tới với nhiều hình thức, loại hình phong phú và đa dạng như sinh hoạt dưới cờ, tổ chức hội thi, hội trại truyền thống… Điển hình là công tác bồi dưỡng và phát hiện đảng viên trẻ của Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã được lãnh đạo Sở GD-ĐT đánh giá tốt. Từ năm 2005 đến nay, trường đã giới thiệu được 19 đoàn viên ưu tú là HS học các lớp cảm tình Đảng và đã có 5 đoàn viên được kết nạp Đảng tại trường. Thầy Phạm Đăng Khoa, Trợ lý Thanh niên Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, cho biết: “Từ khi các em HS mới vào lớp 10, chúng tôi đã tổ chức sàng lọc, lập danh sách những HS xuất sắc trong các phong trào đoàn thể khi còn học ở bậc THCS. Nhà trường, Ban chấp hành Đoàn trường luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các em này được phát huy những thế mạnh, được rèn luyện trong môi trường chính trị tư tưởng tốt nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có quá trình rà soát, kiểm tra kĩ lưỡng. Kết quả là nhà trường đã tạo được lực lượng đảng viên trẻ từ HS. Sau khi ra trường, các em vẫn về sinh hoạt và gắn bó với trường”.
Mỗi thầy cô là một tấm gương
Đánh giá về công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác HS-SV, ông Lê Hồng Sơn nhận định, bên cạnh những mặt tích cực, hai công tác này vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Một số cán bộ, giáo viên chưa chú ý quan tâm đến việc nâng cao trình độ nhận thức, lý luận mà có xu hướng chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn đơn thuần, chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm trong giáo dục toàn diện HS-SV, nhất là giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em. Bên cạnh đó, lãnh đạo một số đơn vị chưa chỉ đạo sát sao các hoạt động giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng cho HS-SV. “Công tác giáo dục ở nhiều nơi còn khô cứng, tẻ nhạt nên hiệu quả chưa cao. Việc phối hợp, chỉ đạo hoạt động Đoàn, Đội và các phong trào thanh niên trong nhà trường còn chưa đồng bộ, chồng chéo gây khó khăn cho cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ”, ông Sơn cho biết. Nhiều đại biểu đánh giá, tuy được xem là nhiệm vụ quan trọng nhưng do chưa nhận thức đầy đủ và còn lúng túng trong công việc nên cả hai công tác này chưa được các trường quan tâm đúng mức. Hiệu trưởng một số trường phổ thông còn xem nhẹ, không tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ Đoàn, Đội làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác HS-SV.
TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đúc kết, muốn làm tốt hai công tác này thì những người đầu tiên phải thực hiện là ban giám hiệu, các giáo viên trong trường. Tập thể nhà trường phải là một đơn vị đoàn kết, gắn bó. Công tác giáo dục chính trị phải được ngấm vào máu thịt, vào tư tưởng mỗi thành viên trong đơn vị.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
TS. Huỳnh Công Minh nhấn mạnh: “Người thầy phải là một công dân tốt, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, tự giác chấp hành quy định của tập thể chứ không phải thực hiện một cách gò bó, đối phó. Người làm công tác giáo dục phải hiểu tâm lý của cộng sự trong trường để phối hợp, tác động tốt tới tư tưởng mọi người chứ không chỉ là tuyên truyền nhất thời. Cán bộ cũng không nên quá cứng nhắc trong các công tác, cũng không được làm qua loa để lấy hình thức. Mỗi thầy cô, cán bộ là một tấm gương, cư xử, hành xử bằng cả tấm lòng”. |
Bình luận (0)