Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Trung tâm ngoại ngữ ở TP.HCM: Chất lượng đào tạo vẫn còn thả nổi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giao tiếp tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài có thể giúp học sinh tiếp thu nhanh hơn. Ảnh: N.A

Nắm bắt được nhu cầu học Anh văn của nhiều học sinh, sinh viên (HS-SV), các trung tâm ngoại ngữ (TTNN) đã mọc lên “như nấm sau mưa” với nhiều chiêu thức khuyến mãi hấp dẫn để thu hút học viên (HV). Trong khi đó, nhiều TTNN ở các trường cao đẳng, đại học (CĐ-ĐH) thì chất lượng thấp khiến nhiều sinh viên không “mặn” học ở những nơi này. Câu hỏi bao giờ các TTNN đáp ứng nhu cầu người học xem ra vẫn chưa có lời giải đáp…
Yếu ngoại ngữ, sinh viên nhờ người thi hộ
Hiện nay tại TP.HCM phần lớn các trường CĐ-ĐH đều có TTNN nhằm giúp các sinh viên “xóa mù” ngoại ngữ, cũng như để sinh viên đủ điều kiện ra trường theo quy định của Bộ GD-ĐT cũng như quy định của từng trường. Từ năm nhất, khi sinh viên bắt đầu nhập học, điều đầu tiên là các trường khảo sát về trình độ ngoại ngữ của tân sinh viên để bắt đầu có kế hoạch học tiếng Anh. Điều đó khiến nhiều sinh viên đua nhau đi đăng ký học tiếng Anh. Không những các TTNN ngoài trường học mà ngay cả các TTNN ở các trường CĐ-ĐH cũng mọc lên rất nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu đó. Điều đáng nói là phần lớn TTNN ở các trường đại học không thu hút được SV vào học, bởi chất lượng quá thấp. Em Thanh Đan, SV Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (cơ sở 2) chia sẻ: “Lúc mới biết kết quả, mình lo đi đăng ký ngay vì sợ hết lớp. Nhưng nghe mấy anh chị khóa trên nói học Anh văn tại trường không bắt buộc mà do sinh viên có thể tự học bên ngoài và thi tại trường thì em mới biết. Nhưng lúc đó lỡ đăng ký học mất rồi. Học được một tuần em và nhiều bạn đã tỏ ra chán nản và muốn chuyển sang một trung tâm khác học vì giáo viên lên lớp cứ bật đài lên cho nghe mà không giảng gì nhiều”. Do đào tạo ít hiệu quả nên nhiều sinh viên cũng không “mặn” học ở các trung tâm này.
Kết quả là sau 4 năm học CĐ-ĐH nhiều SV vẫn còn “xa lạ” với ngoại ngữ. Để có điểm trên trung bình môn ngoại ngữ, hay chứng chỉ ngoại ngữ để đủ điều kiện tốt nghiệp ra trường nhiều SV phải nhờ người thi hộ. Vừa qua, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM đã ký quyết định kỷ luật hàng chục SV vì tội nhờ người thi hộ các môn ngoại ngữ. Đó chỉ là một trong nhiều vụ chưa bị phát hiện.
Để giải quyết tình trạng trên nhiều trường đã có những cảnh báo mang tính bắt buộc để SV chuẩn bị về trình độ ngoại ngữ ngay khi bước vào giảng đường. Thầy Lê Khắc Cường, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết: “Nhằm khắc phục tình trạng yếu ngoại ngữ của SV, ngay từ đầu năm thứ nhất nhà trường qui định cuối năm 2 SV phải nộp bằng A Anh văn. Mặt khác trường tiếp tục đầu tư phòng để phục vụ việc giảng dạy theo tín chỉ”. Đó cũng là một trong các cách khắc phục sự yếu kém học ngoại ngữ hiện nay của hầu hết SV các trường CĐ-ĐH. Tuy vậy để nâng cao chất lượng về trình độ ngoại ngữ hơn nữa thì xem ra còn phải dài dài…
TTNN “quốc tế” chất lượng ra sao?
Trên các trục đường lớn của TP.HCM như Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đình Phùng, Võ Thị Sáu, 3 Tháng 2, Nguyễn Tri Phương… có khá nhiều TTNN đang hoạt động. Thậm chí, tại các khu vực như ngã tư Hàng Xanh, vòng xoay Lăng Cha Cả, ngã tư Thủ Đức… có từ 5 đến 10 TTNN nằm sát nhau. Vì “đất chật người đông” nên để thu hút HV, các TTNN không ngừng đưa ra các chiêu thức quảng cáo vô cùng hấp dẫn. Thời gian gần đây, các TTNN tiếp tục “lấn” ra những quận ngoại thành như: Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, quận 9… Điều đáng nói là trong tổng số hơn 600 TTNN tại TP.HCM với hàng ngàn chi nhánh lớn nhỏ, số TTNN có “thương hiệu” đảm bảo chất lượng theo tín nhiệm của HV chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn những cái tên nghe khá oai như: Atlanta, Elite, New York, Boston, Star… thực chất đều được chuyển ngữ cho có vẻ “Tây” hơn nhằm thu hút HV. Chẳng hạn như TTNN Bôn Tân trên đường Trường Chinh lại đề bảng hiệu là “Trường Anh ngữ quốc tế Boston”, còn Cơ sở ngoại ngữ Á Lan Đại thì trưng bảng hiệu là Atlanta. Các tên bằng tiếng Việt cũng được các TTNN chuyển ngữ cho “sang” hơn như: Tinh Tú thành Elite, Ngôi Sao thành Star hay Chiến Thắng thành Victory…
Điều đáng nói là những TTNN đào tạo theo tiêu chuẩn “quốc tế” nhưng các cơ sở đào tạo chỉ là những căn nhà cấp 4 được thuê lại để trưng dụng làm phòng học. Điển hình như TTNN Anpha ở Làng đại học Thủ Đức, có không ít phòng học được bố trí sát đường đi (đối diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM), xung quanh bao bọc bằng kính trong suốt. Việc tiếp thu kiến thức của HV chắc chắn sẽ bị hạn chế do chịu ảnh hưởng từ môi trường ồn ào bên ngoài. Bạn Kim Dung, HV tại trung tâm chia sẻ: “Từ khi bị xếp vào phòng này em không tập trung được vì có quá nhiều thứ chi phối mình ở bên ngoài. Đang ngồi học cứ thấy người khác nhìn vào rất bất tiện…”. Nhiều HV “chiến đấu” một thời gian đã tỏ ra chán nản vì thấy học không hiệu quả nhưng vì đã trót nộp tiền cả khóa rồi nên đành phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Việc bữa nghỉ bữa đến lớp khiến trình độ Anh ngữ của các bạn SV chẳng khá hơn chút nào.
Thực trạng trên cũng là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao trình độ tiếng Anh của phần lớn HS, SV còn rất hạn chế.
Y.Thanh – P.Dũng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)