Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tư duy của ai?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

1. Đón con ở cổng trường, thoáng qua chị thấy con có vẻ gì đó khác thường. “Con có chuyện gì thế?” – “Dạ không!”. Về đến gần nhà bỗng cháu cất tiếng: “Mẹ ơi, viển vông là gì hở mẹ?” – “Là không thực tế, không có thực, khó có thể xảy ra…” – chị trả lời ngay trước khi hỏi “Vì sao con hỏi mẹ như thế?”. Con gái chị lại im lặng.

Về nhà chị lại gặng hỏi, cháu mới rụt rè mở cặp đưa bài văn cô vừa phát. Đề bài: “Em hãy viết thư cho một người thân kể về ước mơ sau này của em”. Dưới đề bài cô giáo phê hai chữ “Viển vông!” và cho 5,5 điểm.
Đọc lướt qua bài văn của con chị lặng người. Con chị đã viết thư cho ông nội.
Sau phần hỏi thăm sức khỏe của ông, cháu bộc bạch cùng ông ước mơ sau này muốn trở thành một nhà khoa học. “Ông ơi! Cháu xem phim thấy các nhà khoa học chế tạo ra nhiều công trình quý giá. Cháu chỉ ước làm nhà khoa học chế tạo ra một con rôbốt để tặng cho ông. Con rôbốt của cháu sẽ làm được mọi thứ, đặc biệt nó sẽ gãi lưng cho ông nội. Thế là ông sướng rồi nhé và cháu cũng khỏi phải lo không có ai gãi lưng cho ông…”.
Nước mắt chị nhòe đi vì thương con. Là mẹ, chị hiểu được tấm lòng của cháu với ông nội. Trước đây bố chồng sống chung với gia đình chị, tối nào hai ông cháu cũng quấn quýt nhau, bố chị vẫn hay nhờ con gái chị “gãi lưng hộ cho ông nội…”.
Từ ngày vợ chồng chị chuyển sang nhà mới ông không còn ở cùng. Thỉnh thoảng ông nội vẫn gọi điện hỏi thăm cháu gái và nói: “Ông nhớ cháu và rất buồn vì không còn ai gãi lưng cho ông nữa…”.
2. Chị từng là học sinh giỏi văn. Khi con trai làm bài văn tả cây hoa hồng, chị dắt con ra sân quan sát kỹ và hướng dẫn con miêu tả thật cặn kẽ. Con trai chị nói: “Cô giáo bảo cây hồng phải có ong, có bướm tìm đến”. Chị không đồng ý với lý do: “Vườn hồng nhà mình có con ong con bướm nào đâu?”.
Kết quả bài văn của con chị bị điểm thấp nhất lớp với lời phê “Thiếu ong và bướm…”.
Thế giới trẻ thơ là thế giới hồn nhiên, trong sáng, tâm hồn các em nhạy cảm với mọi khích lệ, động viên hay những chê bai, phán xét cực đoan của người lớn.
Cách giáo dục trực quan (qua thể văn quan sát – miêu tả của lớp 2, lớp 3) hay giáo dục tư duy tích cực, sáng tạo (thể văn tưởng tượng của lớp 4, 5) sẽ góp phần giúp trẻ có khả năng quan sát, cảm nhận cuộc sống một cách tinh tế nhất; bồi dưỡng ước mơ, cảm hứng sáng tạo, mục tiêu phấn đấu… cho trẻ.
Cách dạy áp đặt sẽ gò bó tư duy sáng tạo của trẻ. Các em sẽ ỷ lại những “sẵn có” của thầy cô, lười quan sát, nhận xét một sự vật, sự việc. Còn nữa, sự không thống nhất ở quan điểm và phương pháp giáo dục giữa gia đình và nhà trường sẽ khiến trẻ lắm lúc rơi vào sự hoài nghi, mất niềm tin vào bản thân mình và vào người lớn.
ĐAN TRÂM (TP.HCM)
 

Tuổi Trẻ


Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)