Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bé bị bạn ghét vì… làm lớp trưởng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Đến đón con, chị Liên thấy bé đứng một mình, bên cạnh là nhóm bạn chơi đùa rất vui vẻ. Được hỏi sao không cùng chơi, bé nói: “Các bạn không muốn cho con chơi cùng”.

Được làm lớp trưởng vinh dự mà biết bao đứa trẻ ở tuổi cắp sách đến trường ao ước, kể cả những bé ở bậc tiểu học. Nhưng đối với một số bé, “chức vụ” này có vẻ khá nặng nề.
Cô đơn vì "chức vụ"
Thuỳ Linh, cô con gái học lớp hai của chị Liên (Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) sau một thời gian làm lớp trưởng đã dần thay đổi tính nết. Trước đó, Linh là một cô bé lanh lợi, hay nói hay cười. Cũng chính vì thế mà bé được cô giáo cử làm lớp trưởng. Nhưng từ khi “lên chức”, Linh trở nên hay cáu bẳn và đanh đá hơn.
Có hôm đến trường đón con, chị Liên bắt gặp bé đang đứng một mình ở góc sân, bên cạnh là một nhóm các bạn cùng lớp đang chơi đùa rất vui vẻ. Chị Linh hỏi con sao không vào chơi cùng các bạn thì Linh bảo: “Các bạn không muốn cho con chơi cùng”. Thấy thế, một cậu bé tranh thủ “tố tội” của Linh với chị Liên: “Bạn ấy xấu tính lắm ạ, toàn giật bài của cháu để nộp cho cô thôi”. Bé Linh thanh minh là đến giờ thu bài, do cô yêu cầu nên phải thu thật nhanh để nộp lên cho cô.
Về nhà trò chuyện cùng con, Liên mới giật mình khi nghe bé nói, từ ngày lên làm lớp trưởng, các bạn đều xa lánh, không muốn chơi với Linh nữa. Giờ ra chơi, các bạn rủ nhau chơi chung nhưng không bao giờ rủ Linh, nếu Linh có chủ động xin tham gia thì cũng bị từ chối. Tìm hiểu thêm, chị Liên mới biết bé được cô giao nhiệm vụ giữ trật tự trong lớp, nhắc nhở các bạn ngồi đúng chỗ, thu bài cho cô, và cả chia cơm cho các bạn vào giờ ăn. Nếu bạn nào có vi phạm gì thì báo lại cho cô xử lý. Linh dù làm đúng theo lời cô nhưng lại bị các bạn ghét bỏ.
Vì làm lớp trưởng mà bé bị bạn bè tẩy chay. Ảnh: Inmagine.
Chị Phương (Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội) thì lại có một mối lo khác. Cu Khoa nhà chị năm nay học lớp 3, vừa được cô cử làm lớp trưởng nên rất hào hứng. Thậm chí chị Phương còn cảm thấy con trai có vẻ rất “đam mê quyền lực” khi chứng kiến bé quát nạt các bạn ở lớp. Cu cậu được cô giao cho một cái thước kẻ để “nhắc nhở" các bạn, và cậu rất thích vụt vào chân, tay bạn nào không nghe lời. Việc lạm dụng “quyền cai trị” này khiến cu cậu bị các bạn ghét. Chẳng bạn nào muốn chơi cùng Khoa, thậm chí còn hùa nhau tìm cách chống đối.
Phương cũng nhận thấy con trai chỉ chăm chăm làm nhiệm vụ lớp trưởng mà coi nhẹ việc học tập, chuẩn bị bài vở. Thấy Khoa thay đổi theo hướng tiêu cực, chị Phương đang nghĩ cách xin cô cho con được “từ chức” nhưng lại sợ thằng bé buồn vì nó vốn rất thích chức vụ này.
Trên một số diễn đàn online, có nhiều bà mẹ cũng chia sẻ nỗi lo ngại về việc con được cử làm lớp trưởng bỗng trở nên xấu tính để rồi bị các bạn cô lập, không muốn chơi cùng. Một số khác phàn nàn về việc khi làm lớp trưởng, bé phải đảm nhiệm nhiều công việc lặt vặt nên chểnh mảng bài vở, ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Một bà mẹ có con là "thường dân" tâm sự rằng, con chị tỏ ra không có cảm tình với lớp trưởng và một số bạn cán bộ lớp. Bé kể, các bạn này được cô cho phép đánh các bạn khác khi vi phạm nội quy. Thế nên các cán bộ lớp rất hay cậy quyền, đánh các bạn trong lớp ngay cả khi không phạm lỗi. Trong đó, nữ lớp trưởng được cho là "tay sai đắc lực" của cô, sẵn sàng đánh bất cứ bạn nào, sẵn sàng giật vở khi bạn viết chậm để nộp cho cô. Thế nên không chỉ các bạn bị đánh mà hầu như cả lớp đều ghét.
Sai bắt đầu từ người lớn
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chuyên gia tâm lý Trường tiểu học Ngôi Sao, Hà Nội, ở lứa tuổi tiểu học, các bé chưa tiếp xúc nhiều với môi trường xã hội, chưa có kỹ năng để ứng xử và dung hòa các mối quan hệ. Điều này gây khó khăn cho bé rất nhiều. Vì thế, nhiều bé khi được làm lớp trưởng sẽ chỉ biết răm rắp làm đúng theo những gì cô sai bảo như nhắc nhở các bạn, để ý xem bạn nào nói chuyện, nhìn bài trong lớp, bạn nào nói tục, chửi bậy giờ ra chơi…  nên vô tình trở thành “phe đối lập”, dễ bị các bạn ghét và cô lập.
Trên thực tế, không chỉ bản thân các bé mà ngay cả người lớn nhiều khi cũng nhìn nhận sai về vấn đề này, coi việc làm lớp trưởng là làm “trợ lý” cho cô giáo, nên hướng dẫn bé hành động sai lệch, trong đó có việc cho bé quyền dùng thước đánh bạn. Điều này đã làm hư bé. Bé có thể đánh, doạ dẫm, hoạnh hoẹ các bạn khác trong khi bản thân mình cũng chưa chắc đã chấp hành tốt…
Cô Vũ Ngọc Châu, giáo viên một trường tiểu học thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội, cũng thừa nhận thực tế là có những em lớp trưởng được cô cho phép dùng thước kẻ để quản lớp giúp cô. Đặc biệt trong những giờ ngoại khoá, sinh hoạt ngoài trời, với 50 – 60 học sinh mỗi lớp, việc duy trì trật tự, hàng lối mất rất nhiều thời gian vì các em đều hiếu động, các cô rất cần cán bộ lớp trợ giúp. Lớp trưởng cũng được cô giao duy trì trật tự trong lớp; thu, phát vở, bài kiểm tra cho các bạn, đôn đốc, theo dõi tinh thần học tập của các bạn và thông báo lại cho cô. Đây là những việc khá vất vả nên nhiều phụ huynh có con được chọn làm lớp trưởng đã chối đây đẩy.
Làm lớp trưởng cũng là một cơ hội cho bé
Theo tiến sĩ Khanh, khi thấy con phải chịu "tác dụng phụ" của việc làm lớp trưởng, cha mẹ cần trao đổi thẳng thắn với cô giáo để có hướng giải quyết như phân công rõ ràng, điều chỉnh nhiệm vụ hợp lý. Có thể chia việc cho các cán bộ lớp khác để lớp trưởng đỡ vất vả và không “lộng quyền”. Ngoài ra, cô giáo có thể tìm lúc thích hợp giải thích về nhiệm vụ của lớp trưởng để các bạn hiểu, thông cảm và ủng hộ.
Nếu bé quá ham mê quyền lực, cha mẹ nên giảng giải cho con biết lớp trưởng là một vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm. Muốn các bạn tín nhiệm thì trước hết con phải luôn có thành tích học tập tốt và vẫn phải tỏ ra khiêm tốn, gần gũi với các bạn. Nên góp ý, nhắc nhở khi bạn mắc lỗi trước khi đi mách cô. Hãy cho bé biết rằng, làm lớp trưởng thì ngoài nhiệm vụ cô giao, bé cũng chỉ là một học sinh như các bạn chứ không phải “đứng trên” các bạn để “ra oai”.
Còn cô giáo Châu thì cho rằng, làm lớp trưởng cũng là một cơ hội để bé phát huy các khả năng. Các cô thường chọn lớp trưởng sau một thời gian quan sát, phát hiện những em có tố chất lanh lẹ, thông minh, ăn nói mạch lạc. Học sinh nào được chọn cũng rất tự hào. Nhiệm vụ này giúp trẻ tự tin hơn, luôn cố gắng học tốt hơn, ngoan hơn để làm gương cho các bạn. .
Theo cô giáo Châu, các nhà trường nên áp dụng để học sinh thay phiên nhau làm lớp trưởng trong một khoảng thời gian nhất định, đặc biệt là ở các lớp đầu cấp tiểu học. Điều này sẽ khích lệ các bé cố gắng chăm ngoan, rèn luyện sự tự tin, bản lĩnh và có nhiều cơ hội thể hiện bản thân hơn. Một số bé có thể làm chưa tốt nhiệm vụ này nhưng chắc chắn bản thân bé sẽ tiến bộ hơn hẳn sau “nhiệm kỳ” lớp trưởng.
Các bậc cha mẹ khi con được chọn làm lớp trưởng thì nên khuyến khích bé. Tuy nhiên, cần để ý, quan tâm con để cho bé những lời khuyên kịp thời, tư vấn xử lý tình huống để con làm tròn nhiệm vụ mà vẫn học tốt và hòa đồn với các bạn.

Nam Thi/ Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)