Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bài 3: Câu lạc bộ tiếng Anh Nguyễn Bỉnh Khiêm: Học tiếng Anh thông qua diễn kịch

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các em HS của CLB tiếng Anh tài năng lắng nghe thầy giáo hướng dẫn trò chơi tại một buổi sinh hoạt

Hiện nay, CLB học thuật không chỉ có ở trường trung học mà các trường tiểu học cũng đã tổ chức và phát triển mô hình này. Điển hình là Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) đã tổ chức hai sân chơi thú vị cho HS bằng tiếng Anh, đó là CLB tiếng Anh tài năngCLB tiếng Anh đọc.
Tuy hai CLB chỉ mới đi vào hoạt động vài tháng nhưng hiệu quả của nó mang lại được thầy và trò Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm đánh giá là rất bổ ích.
Hai trong một
Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm hiện đang giảng dạy cho HS nhiều chương trình tiếng Anh như thí điểm chương trình tiếng Anh bắt buộc dành cho HS từ lớp 3 của Bộ GD-ĐT, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh tự chọn… Có thể nói, đây là trường tiểu học có thế mạnh về bộ môn ngoại ngữ tại TP.HCM. Nhằm tạo ra một sân chơi học tập bổ ích cho các em sau một tuần học tập căng thẳng, năm học 2010-2011, nhà trường đã thành lập cùng lúc hai CLB tiếng Anh là CLB tiếng Anh tài năngCLB tiếng Anh đọc.
Theo đó, CLB tiếng Anh tài năng do Hội đồng Khảo thí quốc tế Trường Đại học Cambridge (CIE) phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức. Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng CLB này đã thu hút 200 HS học chương trình tiếng Anh Cambridge tham gia. Dưới sự hướng dẫn của 5 giáo viên, trong đó có 3 giáo viên người nước ngoài, CLB đã đưa ra nhiều hoạt động thú vị cho HS khi sinh hoạt. Bắt đầu từ những đồ vật rất dễ thương được các giáo viên cầm trên tay rồi đưa ra các câu hỏi: What is this? What color is that?… Các em giơ tay trả lời và nếu trả lời đúng sẽ nhận những phần quà từ chính những câu hỏi đó. Sau những trò chơi như vậy, các thành viên được đóng kịch Snow White and the seven dwarfs (Bạch Tuyết và bảy chú lùn), khán giả nhí bên dưới sân khấu cũng chăm chú xem bạn đóng kịch để rồi sau đó có thể kể lại câu chuyện bằng tiếng Anh.
Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Mỗi kì sinh hoạt, giáo viên luôn đưa ra các chủ đề gắn với đời thường như Hollywood, chia sẻ ước mơ, sở thích, nghề nghiệp… của bản thân từng thành viên để các em thảo luận, kể chuyện, đóng kịch… bằng tiếng Anh. Với hình thức sinh hoạt này, HS không chỉ được rèn luyện thêm về khả năng giao tiếp ngoại ngữ mà đây còn là nơi để các em giải trí bằng những vở kịch ngắn thú vị”.
Ngay sau khi CLB tiếng Anh tài năng thành lập, Ban giám hiệu nhà trường thấy rằng cần để cho HS toàn trường được tham gia những buổi sinh hoạt thú vị như thế này nên đã tổ chức thêm CLB tiếng Anh đọc. Đặc biệt, CLB này không phân biệt HS học chương trình tiếng Anh tăng cường hay tiếng Anh tự chọn, mà tất cả các em thích học hỏi, có niềm đam mê tiếng Anh đều được đăng ký tham gia. Ban đầu, CLB chỉ tổ chức cho HS đọc và kể lại các câu chuyện bằng tiếng Anh để rèn luyện cách đọc tiếng Anh sao cho đúng nhất, sau đó khi các em đã dần quen thuộc với môi trường sinh hoạt thì CLB sẽ tổ chức các cuộc thi cũng như để các em đóng kịch và chơi các trò chơi như CLB tiếng Anh tài năng.
Mong được diễn thêm nhiều vở kịch
Cứ hai tuần/ lần, vào sáng thứ bảy, HS học tiếng Anh tăng cường lại háo hức đến trường để đắm mình trong các hoạt động của CLB. Các em được chơi đố vui, được đóng kịch… và dường như nó đã bắt đầu quen thuộc với cuộc sống của các em.
Một trong những hình thức sinh hoạt mà nhiều em HS cảm thấy hứng thú nhất là diễn kịch. Các em được hòa mình trong thế giới cổ tích với những vai diễn như nàng Bạch Tuyết, chàng hoàng tử, các chú lùn…. Em Lê Quang Anh, HS lớp 4/1, vui vẻ kể: “Tuy em chưa được phân vai làm hoàng tử hay các chú lùn mà chỉ mới đóng vai các con thú nhưng được tham gia đóng kịch, nghe các bạn hội thoại là em cũng cảm thấy rất vui. Trước đây, ngày thứ bảy được nghỉ học khi thức dậy là em chơi game rồi xem ti vi chán lắm; từ khi có CLB được đến đây sinh hoạt, vừa được học tập và vui chơi cùng các bạn em cảm thấy rất thoải mái. Em mong CLB ngày càng mở rộng các hình thức sinh hoạt để chúng em được học và chơi nhiều hơn”.
Thay vì những buổi sáng thứ bảy được nghỉ học ở nhà chơi game vô bổ thì khi có CLB các em lại dậy sớm hơn để bố mẹ đưa đến trường sinh hoạt.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà các em cảm thấy đang dần mất hứng thú là việc phải đóng đi đóng lại một vở kịch Snow White and the seven dwarfs. Em Nguyễn Hữu An, học sinh lớp 4/1, chia sẻ: “Đóng kịch rất hấp dẫn nhưng ngày nào cũng chỉ diễn một vở kịch thì hơi chán. Vì thế, em mong rằng giáo viên sẽ tổ chức được nhiều vở kịch hay hơn nữa, chẳng hạn như kịch Cô bé quàng khăn đỏ, Sơn Tinh Thủy Tinh… để chúng em được tham gia đóng nhiều vai hơn”.
Chia sẻ với ý kiến của HS, cô Lê Thị Ngọc Điệp cho biết: “Để dàn dựng một vở kịch thì các em phải có nội dung, dàn ý giống như làm bài tập làm văn. Buổi sinh hoạt đầu tiên các em được cung cấp dữ liệu; buổi thứ hai, thứ ba các em được tập diễn và sau đó mới biểu diễn trực tiếp. Khi biểu diễn trực tiếp thì các em không được cầm giấy vừa diễn vừa nói, trong khi đó các em phải hội thoại bằng tiếng Anh nên để diễn được một vở kịch tiếng Anh thì các em cần phải sinh hoạt khoảng 4 tuần. Vì vậy, không phải chỉ có một vở kịch được diễn đi diễn lại nhiều lần mà khi tham gia CLB, HS sẽ được diễn rất nhiều vở kịch có tính giáo dục cao. Vì thế, các em hãy yên tâm, tiếp theo vở kịch Bạch Tuyết và bảy chú lùn nhà trường sẽ có thêm nhiều vở kịch mới trong thế giới cổ tích của trẻ”.
Bài, ảnh: Dương Bình

“Nhiều hôm có phụ huynh nhầm lịch sinh hoạt nên đưa các em đến trường ngày chủ nhật, thế là các em khóc do không được sinh hoạt với các bạn. Tuy mới hoạt động được vài tháng nhưng nhìn thấy sức thu hút của CLB như vậy tôi rất phấn khởi” – Cô Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, tự hào nói.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)