Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cuộc thi Hùng biện tiếng Anh 2010: Da diết những lời tri ân về người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thầy Trần Tuấn Anh với những bài giảng đã để lại một ấn tượng thật tốt đẹp trong lòng học trò của mình. Ảnh: Tr.Tri

Sau hơn nửa tháng phát động cuộc thi Hùng biện tiếng Anh chủ đề “Mái trường mến yêu 2010” đến nay, BTC đã nhận gần 7 ngàn bài gửi về tham gia cuộc thi. Có nhiều bài dự thi nói về kỷ niệm mái trường của mình thật cảm động, có bài nói về người thầy đã tận tâm để mang đến những tiết học hứng thú. Không ít bài trong số đó còn kể về những mái trường mà mình mơ ước, về những ngôi trường đang ngập đầy bùn đất ở miền Trung – nơi mà cơn lũ vừa đi qua. Trong đó cũng có không ít bài đã phạm quy nhưng các em đều mong ước có cơ hội bày tỏ, chia sẻ gửi lời tri ân đến những người thầy, cô giáo của mình…
Thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm khuya
“Thầy thật sự là người đưa đò cần mẫn, còn chúng em, những người ngồi trên con đò ấy là những mầm non, thế hệ tương lai của đất nước. Con đò ấy đưa chúng em đến bến bờ thành công và ngập tràn hạnh phúc. Rồi con đò ấy lại trở về bến cũ và tiếp tục những lần đưa đò khác, và cứ thế… Đặc biệt là những người lái đò ấy không đòi hỏi sự trả ơn mà họ chỉ cầu mong những người khách qua đò của mình đến được bờ vinh quang…”. Đó là đoạn viết trong bài thi của em Trần Thùy Trang, Trường THPT tư thục Á Châu. Còn em Lan Phương, Trường THPT Bùi Thị Xuân thì thể hiện bài viết của mình bằng những lời xin lỗi, ăn năn gửi đến người thầy với nỗi niềm sắp phải chia xa mái trường. “Hôm ấy, khi thầy giảng bài say sưa trên lớp, tôi và bạn cùng lớp ngồi bàn luận về bộ phim Bỗng dưng muốn khóc. Ánh mắt thầy dừng lại chỗ chúng tôi, thầy bảo với ánh mắt buồn phiền: “Các em biết không, để có được như ngày hôm nay thầy đã phấn đấu rất nhiều. Gia đình thầy có 12 người con, ba mẹ thầy đâu có tiền đủ để nuôi thầy ăn học. Mỗi khi mùa đông đến không đủ tiền mua áo ấm, bố mẹ thầy lại lấy rơm rạ ngoài cánh đồng mang về lót xuống dưới chiếu để nằm cho ấm. Được đứng trên bục giảng như hôm nay thầy rất tự hào nhưng thầy thấy buồn khi mình đang giảng mà có người khác lại cười đùa dưới lớp. Thầy dạy các em không phải vì đồng tiền mà vì thầy yêu nghề, thầy yêu các em”. Tôi thấy thầy đã khóc. Thầy còn bảo rằng, trong xã hội còn có nhiều người khó khăn cần giúp đỡ lắm, những học trò nghèo nơi miền Trung trong mùa bão lũ không có lấy một tấm áo, cuốn vở để tới trường. Còn các em thì sao??… Đó là bài học làm người mà tôi đã và sẽ mang theo suốt cuộc đời này…”.
“Từ Hà Tĩnh, cô lặn lội vào Tiền Giang để dạy học. Ở cái tuổi tứ tuần, một thân một mình nơi đất khách. Bao năm rồi vẫn vậy, cô vẫn đi về một bóng, niềm vui mỗi ngày của cô là được dạy lũ học trò nghèo. Cô dạy chúng em tình yêu quê hương đất nước, về những cánh đồng thẳng cánh cò bay và cô dạy chúng em thấy được những buổi chiều yên bình mộc mạc nơi làng quê nghèo qua những bức tranh mà cô minh họa… Cô nghiêm khắc khi chúng em lơ là trong tiết học, rồi cô bảo môn địa lý tuy chỉ là môn phụ nhưng nếu không có nó làm sao các em biết đâu là nơi chôn nhau cắt rốn của mình, biết nước Việt Nam có hình chữ S, làm sao biết sông nước miền Tây quê mình ngọt vị phù sa và những mùa nước nổi…”. Đó là một phần nội dung trong bài của em Trần Trà My, Gò Công (Tiền Giang).
Em cảm ơn thầy!
Em Nguyễn Thiên Long, Trường THCS Bạch Đằng, TP.HCM viết về những tiết giảng thật ý nghĩa của người thầy Trần Tuấn Anh của mình, Long viết: “…Không giống như những học sinh khác thường nghĩ về môn giáo dục công dân, là những bài học chán nản và giáo điều, tiết học của thầy với những bài học đầy ắp tình yêu cuộc sống, tình yêu con người và yêu quê hương. Những bài giảng của thầy làm chúng em ý thức được điều gì đúng, điều gì sai trong cách cư xử đối với những người khác xung quanh mình… Thầy đã sử dụng đồng lương gầy còm của giáo viên tập sự để giúp đỡ chúng em. Hơn nữa, những điều thầy mang đến cho tụi em, đến từ sự đam mê truyền tải một thông điệp mà chúng em, những người trẻ tuổi chưa thấy được…”.
“Em sinh ra trong một gia đình có địa vị xã hội tốt. Ba mẹ cho em tình yêu và sự quan tâm chăm sóc cũng như những đồ chơi đắt tiền, quần áo hàng hiệu, những chuyến du lịch. Tất nhiên là em yêu bố mẹ em và coi đó là tự nhiên khi nhận quà từ bố mẹ. Nhưng vào một ngày, thầy giáo đã đến lớp và cho chúng em thấy những bức ảnh về người bố tảo tần để nuôi con, người bán hàng rong gầy còm làm việc vất vả để trả tiền học phí cho con. Thầy đã làm cho chúng em hiểu rằng ba mẹ đã làm việc vất vả như thế nào để gửi chúng em đến trường. Em cảm thấy xấu hổ vì từ trước em đã không nhận ra điều đó. Sau đó, em đã nghe tiếng thút thít và như muốn khóc, nhưng em đã tự nhủ: “Không, không, con trai không khóc”. Em về nhà, ôm chặt bố và hôn mẹ thật nhiều. Bố mẹ đã cùng nhau nhìn em và hỏi “con trai, con sao thế?”.
Tối hôm đó em đi ngủ, em tự nhủ “mình có điều kiện tốt, nhưng mình phải thay đổi”. Em rất biết ơn bài học mà thầy đã đưa cho em về tình yêu bố mẹ và yêu những giá trị của lao động. Sau đó em ngủ thiếp đi với hình ảnh của người thầy trẻ kính yêu đi xe đạp, khuôn mặt tròn và nụ cười thân thiện”. Xin cảm ơn thầy đã dạy em về những bài học làm người”!
Và còn hàng ngàn bài nữa kể về tình cảm người thầy vẫn âm thầm, lặng lẽ và lấy bài học của đời mình dạy cho nhiều thế hệ học trò.
V.Mạnh – K.Dung

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)