Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Thí sinh quyết định chọn cách xét tuyển vào đại học

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Năm nay nhiều trường ĐH tốp trên sử dụng kết quả học bạ là một trong các tiêu chí để ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi. 

Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) kiểm dò hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM) kiểm dò hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Tuy nhiên, nếu đã trúng tuyển và khẳng định nhập học bằng phương thức này, thí sinh không được tiếp tục tham gia xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.
Đã nhập học thì không được xét tuyển
Trong 2 cuộc họp thảo luận về việc thành lập nhóm trường xét tuyển chung vừa qua, một trong các giải pháp kỹ thuật nhằm tránh thí sinh (TS) trúng tuyển ảo là lọc khỏi dữ liệu xét tuyển chung những TS đã trúng tuyển bằng các phương thức khác (xét học bạ, tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển). Tại đây, đại diện Bộ GD-ĐT đã khẳng định sẽ xem đề án tuyển sinh từng trường để loại ra khỏi dữ liệu chung những TS đã trúng tuyển trước đợt xét tuyển chung. Điều này có nghĩa TS đã trúng tuyển bằng phương thức ưu tiên xét tuyển sẽ không được tiếp tục xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia.
Trao đổi thêm vấn đề này với phóng viên Thanh Niên ngày 9.5, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết theo quy chế năm nay mỗi TS chỉ được cấp một giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc (phiếu báo điểm). Nếu đã trúng tuyển và khẳng định nhập học bằng cách nộp phiếu điểm này thì sẽ không còn cơ hội xét tuyển ở đợt tiếp theo.
Cũng theo ông Ga, vận dụng quy định này với phương thức ưu tiên xét tuyển, tùy thuộc vào quy định riêng từng trường sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Nếu trường yêu cầu TS phải nộp phiếu điểm trước đợt xét tuyển chung thì TS không còn cơ hội xét tuyển tiếp theo. Nhưng nếu trường không quy định phải nộp phiếu điểm trước đợt xét tuyển chung thì có nghĩa trường chấp nhận ảo và TS vẫn có thể tham gia xét tuyển bằng kết quả thi. Các mốc thời gian cụ thể này sẽ do từng trường quy định trong đề án tuyển sinh.
Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với phương thức ưu tiên xét tuyển riêng theo quy định các trường. Còn diện tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng theo quy định chung của Bộ thì các trường phải báo cáo số lượng TS đã trúng tuyển, nhập học trước ngày 20.7 để lọc ra khỏi dữ liệu xét tuyển chung.
Trúng tuyển bằng ưu tiên sẽ không được xét tuyển chung ?
Theo đề án tuyển sinh của các trường, thời gian nhận hồ sơ và công bố kết quả ưu tiên xét tuyển theo phương thức riêng đều diễn ra sớm. Trong trường hợp này, TS đã trúng tuyển bằng ưu tiên xét tuyển sẽ phải cân nhắc để quyết định lựa chọn nhập học hay nộp hồ sơ xét tuyển đợt tiếp theo.
Chẳng hạn theo đề án tuyển sinh của ĐH Quốc gia TP.HCM, năm nay ĐH này sẽ ưu tiên xét tuyển học sinh (HS) giỏi các trường THPT chuyên, năng khiếu và nhóm trường có điểm trung bình cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia 2 năm trước. HS các trường này được nộp hồ sơ nếu đạt 3 tiêu chí: tốt nghiệp năm 2017, là HS giỏi 3 năm THPT (hoặc là thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi HS giỏi quốc gia) và hạnh kiểm tốt. Thời gian nhận hồ sơ từ 15 – 16.5, kết quả trúng tuyển sẽ công bố vào cuối tháng 6. Trước ngày 20.7, TS phải xác nhận nhập học bằng việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho hay những TS đã trúng tuyển và nộp phiếu điểm (hoặc giấy triệu tập trúng tuyển) để khẳng định quyền nhập học vào các trường thành viên thì sẽ không có tên trong dữ liệu xét tuyển của ĐH này ở đợt sau. ĐH này cũng sẽ gửi danh sách trên cho các trường trong nhóm để loại ra khỏi dữ liệu xét tuyển chung. Bởi lẽ ngay từ tháng 4 những TS này đã đăng ký xét tuyển vào các trường, nếu không lọc ra thì những TS này vẫn có thể trúng tuyển “ảo” vào các trường khác.
Trường ĐH Tài chính – Marketing cũng có quy trình xét tuyển tương tự với phương thức ưu tiên xét tuyển HS các trường THPT thuộc nhóm trên với thời gian công bố kết quả vào cuối tháng 6. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường phải báo cáo Bộ danh sách TS trúng tuyển và xác nhận nhập học trước ngày 20.7. Điều này đồng nghĩa với việc TS đã xác định nhập học sẽ không được tham gia đợt xét tuyển tiếp theo.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng quy định này không có nghĩa làm mất cơ hội xét tuyển của TS. Bởi lẽ TS trúng tuyển bằng phương thức ưu tiên xét tuyển sẽ đứng trước 2 lựa chọn: nộp phiếu điểm nếu đồng ý nhập học hoặc không nộp phiếu điểm để tham gia xét tuyển đợt tiếp theo. Theo kế hoạch đặt ra thì năm nay toàn ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ có khoảng trên 3.000 chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển riêng này.

Hà Ánh/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)