Trong thời gian vừa qua, cộng đồng mạng liên tục truyền đi những video clip liên quan đến bạo lực học đường, đặc biệt là nữ sinh bị đánh hội đồng, lột áo, bắt quỳ xin lỗi, nhục mạ một cách phi nhân tính bởi chính các học sinh khác hoặc nhóm nữ sinh hư hỏng, nghỉ học sớm.
Hành động này đang góp phần làm cho tình trạng bạo lực học đường gia tăng nghiêm trọng như nhận định của bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 27-10 mà Báo Người Lao Động đã dẫn.
Những lý do học sinh “xử” nhau một cách bạo lực hay việc vây đánh nữ sinh nhiều lúc chỉ xuất phát từ chuyện ganh ghét nhau trong ăn mặc, lời nói, thái độ nhưng nhiều nhất vẫn là do ghen tuông. Hệ quả đau lòng là không chỉ những học sinh tham gia đánh hội đồng bị buộc thôi học, bị đình chỉ học tập hay quản thúc tại địa phương mà còn tạo ra một nỗi lo thật sự trong dư luận xã hội.
Thầy, cô giáo ở các nhà trường cũng phải chịu một áp lực không nhỏ. Chúng ta hẳn chưa quên năm 2009, hiệu trưởng của một trường có nữ sinh bị đánh hội đồng đã xin từ chức vì không chịu nổi sức ép từ phía dư luận và cả phụ huynh. Nhưng liệu văn hóa trách nhiệm của một hiệu trưởng đó có đủ sức ngăn lại bạo lực học đường và hàng loạt video clip tương tự liên tục phát đi trên cộng đồng mạng hay không?
Một trong những nguyên nhân của sự bùng phát các video clip liên quan đến bạo lực học đường hay nữ sinh bị đánh hội đồng là do có vấn đề trong sự quản lý đối với những trang web teen, blog.
Thêm vào đó là sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông đa phương tiện vô hình trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho lối sống lệch lạc và bạo động của một bộ phận học sinh, thanh thiếu niên. Làm gì để ngăn chặn tình trạng này? Chúng ta không thiếu những nội quy của nhà trường hay các quy định của pháp luật để xử lý các cá nhân trực tiếp tham gia các vụ việc nói trên.
Nhưng thực tiễn cho thấy chỉ xử lý những cá nhân này không thôi thì chưa đủ, bởi việc phát tán những hình ảnh này còn nói lên một sự thật khác nữa, đó là việc một số học sinh, thanh thiếu niên đang đua nhau săn tìm các vụ việc này để tung lên mạng và các quản trị mạng lợi dụng vào đó để đặt thêm những lời bình độc địa nhằm lôi kéo người hiếu kỳ đến với trang web của họ. Thậm chí, một số báo mạng trong hệ thống truyền thông được Nhà nước quản lý cũng tham gia phát tán các video clip này.
Thiết nghĩ, các cơ quan quản lý truyền thông cần có những quy định chặt chẽ hơn và tăng cường hơn nữa việc kiểm soát để hạn chế sự phát tán các video clip này, trước hết là trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Ngoài việc xử lý nghiêm khắc các hành vi tổ chức đánh hội đồng hay che giấu như đã làm, các nhà trường còn cần phải đưa vào nội quy để phổ biến cho học sinh biết về việc nghiêm cấm và xử lý nghiêm khắc hành vi cổ xúy cho các hành động nói trên. Đấy là những biện pháp ít nhất cũng sẽ góp phần ngăn chặn từ xa cho tình trạng bạo lực học đường đang nổi cộm hiện nay.
Trần Tín Nghị (TPHCM)
Bình luận (0)