Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cuộc thi hùng biện tiếng Anh 2010: Nơi trò thể hiện lời tri ân với thầy

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhờ có sự dạy dỗ, chỉ dẫn nhiệt tình của các thầy cô giáo mà nhiều thế hệ học trò đã thành đạt khi bước vào đời. Ảnh: Hòa Triều

Trong mỗi đời người, ai đã từng bước qua thời áo trắng mà không có những kỷ niệm vui buồn về trường xưa, thầy cũ và không thấy lòng xốn xang mỗi dịp chia tay bè bạn… Có lẽ nhờ vậy mà khi Cuộc thi Hùng biện tiếng Anh chủ đề “Mái trường mến yêu 2010” khởi động cũng là lúc dòng tâm sự của hàng ngàn học sinh, sinh viên gửi về Ban tổ chức với nỗi lòng như thế. Giáo Dục TP.HCM xin trích những đoạn văn giàu cảm xúc của một số thí sinh gửi bài dự thi.
Còn đâu góc phố thân quen
Em Nguyễn Thu Hiền, Trường THPT Bùi Thị Xuân, bồi hồi: “Bây giờ, tôi không còn biết mình phải nghĩ tới điều gì nữa. Chỉ cần tưởng tượng ra trong đầu những điều sẽ xảy đến: tiết học cuối cùng, ngày tổng kết, lễ ra trường… là nỗi buồn lại ùa về. Mái trường yêu dấu ngày nào, vài tháng nữa chỉ còn là kỷ niệm… Gần ba năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi ngày đầu tiên bước vào ngôi trường cấp 3, khi đó tất cả đều lạ lẫm, mới mẻ. Và rồi lớp học, ngôi trường, gương mặt bạn bè, thầy cô dần trở thành thân quen như không thể thân hơn được nữa. Tôi cũng không biết từ khi nào lớp chúng tôi đã trở thành một khối không thể tách rời? Tôi yêu những tiết học sôi nổi trên lớp, những giờ giảng bài say sưa của thầy; yêu nụ cười luôn nở trên khuôn mặt Thanh, sự hồn nhiên đến thơ ngây của Dũng và cả sự ngờ nghệch của Trang… và buồn thật nhiều vì sắp phải xa người ấy…”.
Em Trần Thanh Nguyên, từ Trường James Cook Singapore gửi lời nhắn nhủ: “Đã hai mùa khai trường rồi tôi không gặp lại bạn bè, trường xưa, một ngày đọc trên mạng thấy cuộc thi viết về “Mái trường mến yêu”, lòng tôi bỗng trào dâng một cảm xúc da diết. Tôi nhớ về ngôi Trường THPT Lê Quý Đôn thân yêu – nơi đã chắp cánh ước mơ tôi bay cao. Bạn bè năm ấy của tôi giờ đây mỗi người đã chọn cho mình một khoảng trời riêng, một con đường riêng, một tương lai riêng. Và có người đã vội bước “sang sông” từ những ngày đầu chia tay mái trường THPT. Ngày chia tay cả lớp chúng tôi buồn lắm! Ngày cuối cùng, khi tặng hoa cho các thầy cô giáo, mắt tôi ngấn lệ, cũng từ lúc đó tôi biết rằng mình phải thật sự xa mái trường, xa thầy cô, bạn bè. Lúc đó, cô giáo chủ nhiệm đã vỗ vai tôi và nói: “Chúc mừng các em đã sang một bến bờ mới. Hẹn gặp lại các em ở một ngày gần nhất”. Nhớ lại ngày ấy mà tôi thấy nao lòng”. 
Em Trần Hồng Kiều, Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở 2 thì nhớ về kỷ niệm bạn bè với nỗi buồn khó tả: “Ngày ấy, khi tiếng ve kêu râm ran, hoa phượng “nhuộm thắm” sân trường, lúc bạn bè trao nhau những dòng lưu bút là tôi biết mình sắp phải xa tuổi học trò. Giờ đây còn đâu những ngày hai đứa cùng học bài chung nơi ghế đá sân trường, còn đâu những ngày nắm tay nhau cùng hát vang những bài hát về thầy cô và còn đâu những buổi đi ăn kem nơi góc phố thân quen… Giá như ngày ấy vẫn còn … thì hay biết mấy… Để tôi không phải xa bạn…”.
Ơn thầy chắp cánh ước mơ
“Em vẫn còn nhớ mãi giọng nói hiền từ của thầy mỗi khi giảng bài. Em vẫn mang trong tim ánh mắt ấm áp mỗi khi thầy chỉ bảo em. Ngày ba mẹ ly hôn em thất vọng não nề, chỉ muốn lìa xa cõi đời này. Nhưng rồi thầy đã đến bên động viên, chia sẻ và cho em biết nhiều điều về cuộc sống, về những điều được mất trong đời người. Thầy bảo rằng, “sống ở đời người ta thường bị cuốn theo một cái gì đó. Người vì danh, người vì lợi, người vì niềm vui đơn thuần trong cuộc sống mà bỏ đi những thứ quý giá nhất. Nhưng đến lúc nào đó họ sẽ nhận ra chân giá trị của cuộc sống”. Và thầy đã nói đúng, ba mẹ lại trở về với em sau những tháng ngày mải lo cơm áo”, Phan Thu Hiền, Trường Cao đẳng Công thương TP.HCM bày tỏ. 
Nói về công ơn của thầy em Trần Phương Thanh, Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM bộc bạch: “Tháng trước chúng tôi về thăm, lại nghe thầy kể về những lớp học trò mới. Kể rồi thầy hỏi thăm từng đứa một. Thầy cười thật hạnh phúc khi hay tin cả lớp đều thành đạt, không ai phụ lòng mong mỏi của thầy”.
K. Dung – T. Văn

Ban giám khảo cuộc thi: Thầy Trần Đình Nguyễn Lữ – Chuyên viên tiếng Anh, Sở GD-ĐT TP.HCM, Trưởng Ban giám khảo và các thành viên: cô Vũ Phương Anh – Giám đốc Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM; cô Alison Ball -Giám đốc Hội đồng Anh TP.HCM; thầy Nguyễn Xuân Thu – Giám đốc Trung tâm Anh văn Viễn Đông; cô Nguyễn Thị Diệu Uyên -Trưởng khoa tiếng Anh, Trường Cao đẳng KENT; thầy Trương Văn Duy -Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Aston; cô Ngô Phương Thiện -Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn TP.HCM và ông Stephen Thomas – cố vấn học vụ Anh văn Hội Việt Mỹ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)