Vừa học đại học, vừa làm chủ trại dế khoảng 1 triệu con, thời gian của Đậu Phi Sỹ (25 tuổi, phường Phú Hữu, Q.9, TP.HCM) rất bận rộn. Cũng phải, bởi Sỹ ôm hết các khâu từ mua giống, chăm sóc, tìm đầu ra…
Phi Sỹ quê ở Nghệ An. Học hết cấp III, vì điều kiện gia đình khó khăn nên Phi Sỹ cùng bạn bè qua tận Thái Lan làm thuê, rồi từ Thái Lan về nước, vô Sài Gòn cũng tiếp tục… làm thuê. Hơn ba năm “bôn tẩu giang hồ” làm thuê đủ nghề, dành dụm được chút tiền Phi Sỹ đầu tư vào việc ôn thi đại học. Hiện chàng trai 25 tuổi này đang là sinh viên năm 3 ngành xuất bản ĐH Văn hóa TP.HCM, sống cùng cha mẹ tại Q.9.
Đậu Phi Sỹ và những khay dế tại trang trại của mình – Ảnh: Đức Toàn
Tự thân vận động
Không muốn dựa dẫm vào bố mẹ, cũng không muốn phải đi làm thuê làm mướn vất vả như trước, ấp ủ ý định kinh doanh từ lâu, Phi Sỹ quyết định chuyển sang đầu tư nuôi dế từ tháng 8-2009.
“Những ngày đầu do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên dế chết khá nhiều, cũng buồn lắm, đã có lúc mình muốn từ bỏ. Nhưng chưa làm được gì mà đã bỏ cuộc thì kém cỏi quá, cộng thêm nỗi lo cơm áo nên mình cố gắng tự học thêm từ sách vở, tìm hiểu thực tế để nâng cao tay nghề nuôi dế” – Phi Sỹ chia sẻ. Vậy là dần dần nuôi tốt.
Sau hơn một năm kinh doanh, hiện nay Phi Sỹ đã có một trại dế với số lượng lên tới hơn 1 triệu con, đầu ra ổn định với các mối hàng tại TP và cả Đồng Tháp, Bình Dương… “Nhiều khách hàng còn đến tận nhà tìm mua giống, hỏi kinh nghiệm về cách nuôi và chăm sóc dế như thế nào để đạt chất lượng tốt nhất. Thật vui khi được tư vấn hỗ trợ những người cùng niềm đam mê với mình” – Phi Sỹ nói.
Những ngày tháng lặn lội tìm đầu ra cho con dế ở Vũng Tàu, Đồng Nai, Củ Chi (TP.HCM), tới các nhà hàng, quán nhậu trong TP và các tỉnh lân cận, rồi những ngày ôn thi vất vả vẫn tất bật chạy đi giao hàng khắp nơi nhưng Phú Sỹ vẫn rất vui vì công việc tiến triển.
Ý chí, nghị lực cũng là vốn quý
Tất bật với “đầu vào, đầu ra” nhưng Phi Sỹ cho biết vẫn không lơ là việc học. Theo bạn, kinh doanh là mục tiêu quan trọng và bạn yêu thích nhưng việc học ở thời điểm này vẫn là mục tiêu cần “thanh toán” trước. Bởi vậy so với bạn bè cùng trang lứa, Phi Sỹ mặc dù có vẻ căn cơ nhưng vất vả cũng ít ai bằng. Và Phi Sỹ coi đó là một khởi đầu khác biệt, khi không có sự thuận lợi về vốn thì bắt đầu bằng ý tưởng và ý chí cùng sự kiên trì.
|
Thu nhập bình quân một tháng từ việc kinh doanh dế của chàng sinh viên này khoảng 10 triệu đồng. Số tiền đã giúp Phi Sỹ trang trải việc học hành, ăn ở và phụ giúp gia đình. Ngoài nuôi dế, chàng trai này còn nuôi bọ cạp. Hiện Phi Sỹ đang miệt mài tìm kiếm thông tin, học hỏi thêm kinh nghiệm để việc kinh doanh bọ cạp đạt hiệu quả tốt.
Như nuôi con mọn
“Dế là món ăn lạ ở chốn thị thành, thịt dế ngon, thơm và bổ dưỡng, chế biến được nhiều món. Nuôi dế không quá khó nhưng không phải ai cũng làm được vì phải siêng năng, chịu khó” – Phi Sỹ nói.
Ban đầu Phi Sỹ mua 100 con dế và ba khay trứng khoảng 300.000 đồng. Dế giống được Phi Sỹ đem về nuôi, rồi nhân giống theo tỉ lệ cứ ba con cái thì có một con đực. Tất cả dế được nuôi trong một loại thùng dung tích cỡ 80 lít. Trung bình một thùng có thể nuôi đến 300 con dế.
Thức ăn cho dế dễ tìm và rất rẻ như rau muống, rau lang, vỏ dừa, vỏ dưa hấu… Phi Sỹ lưu ý thêm: “Nước uống cho dế rất quan trọng, nếu như nước không sạch có thể dế sẽ chết”. Việc cho dế đẻ trứng và ấp trứng cũng là cả một kỹ thuật tuy không phức tạp nhưng cũng hết sức tỉ mẩn. Những khay đựng trứng đúc bằng bêtông có kích cỡ như gạt tàn thuốc lá, cho vào đó một lớp cát mịn. Các khay được đưa vào “mỗi gia đình” buổi tối cho “quý bà” đẻ. Trung bình mỗi ngày dế cái có thể đẻ 25-30 trứng và đẻ khoảng 250-300 trứng liên tục.
Trứng dế cũng giống trứng kiến, nhỏ li ti. Trứng phải được giữ ẩm điều độ. Sau chín ngày dế con nở ra, nhỏ chừng 1mm.
Trung bình một ngày Phi Sỹ có thể bán được 2kg dế với giá 200.000 đồng/kg cho các nhà hàng, quán nhậu. Dế bán cho nhà hàng là dế chưa mọc cánh. Dế còn được bán làm thức ăn cho chim, gà tre hoặc bán cho những người bán dế rong ở các cổng trường học để học sinh chơi trò đá dế.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)