“Không phải ai cũng đủ kiên nhẫn ép mình vào khuôn mẫu. Chỉ một lần bùng phát với học trò là để lại hậu quả khôn lường”.
Kể về những lần nặng tay, nặng lời với học sinh (HS), cô V. (Q.4, TP.HCM) nói: “Một bài toán cộng hai chữ số mà dạy đi dạy lại HS vẫn không làm được. Bài tập cô cho cả lớp đều hoàn thành, chỉ một em làm sai. Tập trung chỉ bài cho em này sẽ ảnh hưởng đến mấy chục em còn lại. Thế mà em vẫn lơ đễnh, hỏi mãi không trả lời được. Những lúc đó quả thật tôi không kiềm chế được nữa”.
Tạo được không khí thân thiện, hào hứng cũng là một nghệ thuật của người giáo viên trên bục giảng. Trong ảnh: tiết học môn lịch sử của học sinh lớp 10A1 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM luôn rộn tiếng cười – Ảnh: Như Hùng
Trút bực dọc xuống học sinh
HS lơ đễnh, không chịu học thường khiến giáo viên cảm thấy bực bội. Nhưng cũng còn nhiều nguyên nhân khác. Nhiều giáo viên mang những nỗi buồn bực, mệt mỏi ở gia đình hay bên ngoài vào lớp học; hoặc thường có tâm lý tự ái, phản ứng căng thẳng khi HS có ý kiến phản biện. Nhiều giáo viên còn dùng điểm để uy hiếp HS. Những ức chế, căng thẳng dồn nén do giáo viên tạo ra sẽ đẩy đến những phản ứng không đáng có giữa mối quan hệ thầy trò.
Theo cô Mai Anh, giáo viên dạy văn THCS tại Hà Nội, có những thầy cô quá nóng nảy, lại bị tác động bởi nhiều yếu tố: giờ làm việc căng thẳng, lương thấp, phụ huynh không hợp tác… nên có những lúc có hành động, lời nói không chuẩn mực. Cô Mai Anh tâm sự: “Giáo viên cũng chịu nhiều áp lực, trong môi trường học đường luôn phải để ý lời nói, giọng cười, đi đứng, kể cả trang phục… Nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn ép mình vào khuôn mẫu, chỉ một lần bùng phát với học trò là để lại hậu quả khôn lường”.
Cô Thu Thủy, một giáo viên dạy toán THCS ở Hà Nội, chia sẻ: “Trong đời dạy học tôi cũng có những sai lầm. Có một em HS không bao giờ ngồi yên trong tiết của tôi, em không học, còn trêu chọc các bạn, gây ồn. Phụ huynh của em đó thì không hợp tác, cho rằng trước đây em học cô khác rất ổn, giờ học tôi mới kém đi. Điều đó khiến tôi bị ức chế. Một lần tôi đã mắng em “Đời tôi chưa bao giờ gặp loại HS như em, em không học thì cút ra khỏi lớp”. Em đó đã đứng dậy đi ra ngoài. Nhưng bất ngờ hơn một HS khác trong lớp đứng lên nói: “Bạn đó rất cục tính, cô biết tính bạn ấy như thế sao cô không nhịn bạn ấy?”. Về lý thuyết, tôi không thể chấp nhận lời khuyên của em HS đó. Vì HS hư, thầy cô không thể nhịn mà bỏ qua lỗi của em được. Nhưng qua lần đó, tôi cứ suy nghĩ mãi về sự nóng nảy của mình. Vì biết chắc em HS bị đuổi sẽ mang một nỗi ám ảnh mỗi khi đến giờ dạy của tôi. Hành xử với HS cá biệt không chỉ cần sự kiên nhẫn mà còn phải có nghệ thuật”.
Chất lượng không đồng đều
Theo tiến sĩ Trần Thị Hương, ở các trường sư phạm, việc đào tạo, chuẩn bị cho sinh viên làm công tác giáo dục nói chung và giao tiếp – ứng xử sư phạm nói riêng vẫn chưa được chú trọng đúng mức.
Chương trình đào tạo của khoa tâm lý – giáo dục ở trường sư phạm đã có những môn học, những nội dung cụ thể để trang bị cho sinh viên tri thức, kỹ năng về ứng xử sư phạm, nhưng thời lượng dành cho môn tâm lý học, giáo dục học quá ít, chưa tương xứng với vị trí hai môn học này trong trường sư phạm. Vì vậy sinh viên mới chỉ được định hướng ban đầu về tri thức và kỹ năng ứng xử sư phạm để tiếp tục tự hoàn thiện trong quá trình nghề nghiệp sau này, chứ chưa được rèn luyện kỹ về kỹ năng giải quyết các tình huống sư phạm. Mặt khác đội ngũ giáo viên hiện nay được đào tạo từ rất nhiều nguồn khác nhau, chất lượng đào tạo không đồng đều nên có những giáo viên khi đã trực tiếp làm công tác giáo dục mà vẫn chưa có đủ hiểu biết và kỹ năng ứng xử sư phạm. |
Cũng có trường hợp HS trở thành nạn nhân của cả mẹ và cô. “Chính phụ huynh nhờ tôi dạy cháu thay họ và họ dặn tôi cứ thẳng tay đánh cháu nếu cháu không thuộc bài vì gia đình đã bó tay” – một giáo viên tâm sự.
Thiếu chuẩn mực sư phạm
Ông Nguyễn Thành Kỳ, trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT Hà Nội, nhận xét: “HS ngày nay hiểu biết hơn, tiếp cận nhiều thông tin hơn nên nhiều thầy cô cho rằng các em không “thuần” như trước đây. Nhưng theo tôi, thời nào cũng thế, giáo viên cần có kỹ năng xử lý các tình huống sư phạm khéo léo để vừa thể hiện sự nghiêm khắc với HS vừa không gây căng thẳng cho các em”.
Cô Nguyễn Thị Hương, chuyên viên tư vấn tổng đài 1088, cho biết: “Hằng ngày chúng tôi nhận được khá nhiều cuộc gọi từ phụ huynh nhờ tư vấn khi con họ gặp chuyện ở trường. Nhiều bức xúc của phụ huynh liên quan đến chuyện giáo viên bắt ép học thêm và có áp lực điểm số, gia đình và HS sợ bị “đì”. Hình ảnh người giáo viên một lúc nào đó đã thành nỗi sợ cho trẻ khi đến trường. Chính những hành động, lời nói không chuẩn mực của giáo viên sẽ khiến trẻ bị ám ảnh và tổn thương một thời gian dài. Nhiều người coi những lời mắng nhiếc HS là chuyện nhỏ nhưng không nhỏ chút nào”.
Tiến sĩ Trần Thị Hương, trưởng bộ môn giáo dục học, khoa tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đánh giá việc ứng xử thiếu chuẩn mực sư phạm ở một bộ phận giáo viên trong công tác giáo dục HS là có thật. Đó là sự vi phạm đạo đức nhà giáo và không thể chấp nhận. Đã là giáo viên – nhà giáo dục làm nhiệm vụ dạy dỗ, giáo dục con người thì trước hết phải là tấm gương mẫu mực cho HS về mọi mặt.
Không thể đổ lỗi cho HS mình ngỗ ngược mà lỗi trước hết do giáo viên không biết cách ứng xử phù hợp. Những lời nói, hành vi ứng xử không đúng, thiếu chuẩn mực sư phạm của giáo viên sẽ để lại những dấu ấn nặng nề trong tâm hồn HS và ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển nhân cách của các em.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)