Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Rùm beng thi nhan sắc học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Thi sắc đẹp dành cho tuổi mới lớn đang đua nở, làm đảo lộn cuộc sống, việc học của các em; phương hại đến tư duy, cách ứng xử và tương lai hàng ngàn bạn trẻ.

Sau Imiss Thăng Long, Mr and Miss Teen, Miss Việt Đức, Hot VTeen… được tổ chức dồn dập, nay nhiều nữ sinh ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới lại lao vào một cuộc thi sắc đẹp có quy mô rất lớn: Miss Teen Việt Nam 2010 (Ngôi sao Tuổi teen Việt Nam 2010), vòng chung kết kéo dài suốt nửa tháng (từ ngày 1 đến 15-11) tại Hà Nội.

Thí sinh Đào Khánh Phương biểu diễn tiết mục múa Phật bà nghìn mắt nghìn tay trong phần thi tài năng của cuộc thi Ngôi sao Tuổi teen Việt Nam 2010. Ảnh: Lương Trần
Hành xác
Có lẽ để né quy định hiện hành, ban tổ chức cuộc thi đặt tên “Ngôi sao Tuổi teen” thay vì “Hoa hậu Tuổi teen”. Dù có khác tên gọi nhưng bản chất của các cuộc thi sắc đẹp học đường như thế này không khác là bao so với các cuộc thi hoa hậu: Cũng thi trình diễn áo dài, dạ hội, ứng xử, ngoại khóa, hoạt động từ thiện; danh hiệu dành cho thí sinh cũng na ná, nào là người đẹp thân thiện, người đẹp tài năng, gương mặt khả ái; phần thưởng cũng “khủng” không kém, lên tới 100 triệu đồng…
Kéo dài tới 5 tháng, khởi động vào tháng 6, chung kết vào giữa tháng 11-2010, Ngôi sao Tuổi teen Việt Nam thu hút tới 2.000 nữ sinh trên cả nước tham gia. Tại cuộc họp báo vừa được tổ chức ở Hà Nội, ban tổ chức cuộc thi cho biết lịch hoạt động của các thí sinh đã phủ kín 15 ngày, ngoài những buổi chụp ảnh, dã ngoại, thể thao, dạ tiệc, luyện tập, thu âm, ban tổ chức còn đưa vào chương trình một số hoạt động xã hội. Vòng chung kết giống như một hoạt động ngoại khóa bổ ích giúp thí sinh trải nghiệm cuộc sống. Tuy nhiên, hoạt động ngoại khóa này kéo quá dài, không chỉ 15 ngày tập trung cho vòng chung kết mà còn phải vất vả suốt hơn 5 tháng chuẩn bị.
Ép nụ nở sớm
Nếu xem các cuộc thi sắc đẹp học đường gần đây sẽ thấy buồn thay vì vui cho những nụ hoa bị ép phải nở quá sớm. Gương mặt trẻ trung, thánh thiện của các nữ sinh mới lớn qua lớp son phấn dày đã già dặn không kém gì các bậc đàn chị. Không chỉ diện đầm hở ngực, xẻ cao đến tận đùi, các thí sinh tuổi teen còn rập khuôn cách trả lời của các bậc đàn chị; cũng có những sở thích… sáo mòn như nghe nhạc, đi du lịch, mơ ước trở thành doanh nhân thành đạt, yêu hòa bình, thích làm từ thiện…
Hoa hậu Thu Thủy, 16 năm sau khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam, tâm sự rằng chị đã mắc phải không ít sai lầm vì lên ngôi hoa hậu quá sớm – năm 18 tuổi. Sự lấp lánh của ánh hào quang danh hiệu cùng những món tiền kiếm được khá dễ sau đó bằng các sô trình diễn, dự event (sự kiện)… đã khiến hoa hậu lơ là việc học hành. Thu Thủy từng nói nếu đăng quang vài năm sau đó, có thể chị đã chín chắn hơn, biết dừng lại đúng lúc hơn.
Giống như hoa hậu Thu Thủy ngày ấy, sau đêm chung kết cuộc thi nhan sắc, cuộc sống của không ít nữ sinh đã thay đổi hoàn toàn, không còn hồn nhiên cắp sách đến trường, thay vào đó là lịch biểu diễn thời trang, dự event, chụp hình… kín mít. Sự nổi tiếng cũng đã đặt dấu chấm hết cho tuổi thơ của không ít Miss Teen. Trong khi đó, ở tuổi các em, vui chơi, học tập mới là việc chính chứ không phải lo ganh đua, kiếm tiền.
Sa sút
Trả lời sự băn khoăn của nhiều người về khoảng thời gian 2 tuần của vòng chung kết cuộc thi Miss Teen Việt Nam có thể ảnh hưởng không tốt việc học tập của các thí sinh (đa số là học sinh phổ thông), ông Hoàng Trọng Hiếu, trưởng ban giám khảo cuộc thi, cho rằng ban tổ chức đã xin ý kiến chỉ đạo của Bộ GD-ĐT về thời gian tổ chức cuộc thi. “Không có chuyện vì tập trung 2 tuần mà các thí sinh học tập sa sút. Ngược lại, trở về sau cuộc thi, các thí sinh đều học tập tốt hơn do được bổ sung kiến thức, văn hóa bổ ích” – đại diện ban tổ chức khẳng định.
Không hiểu ban tổ chức cuộc thi dựa trên cơ sở nào để khẳng định như vậy, trong khi ai cũng thấy rằng việc nghỉ học đến tận 2 tuần cộng thêm nhiều tháng chuẩn bị cho cuộc thi, chắc chắn sẽ khiến các thí sinh sao nhãng việc học do mất tập trung, sức khỏe sa sút…

TS Nguyễn Tùng Tâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội:
Phản tác dụng!
Việc khích lệ học sinh hướng đến cái đẹp là tốt nhưng nếu các em sớm lao vào những cuộc thi nhan sắc với quy mô lớn thì sẽ phản tác dụng. Với giải thưởng lên đến cả trăm triệu đồng, chắc chắn các em sẽ phải lo lắng, tính toán để làm sao đoạt giải chứ không còn là giải trí đơn thuần nữa.  
Đó là chưa kể đến việc tập trung quá lâu cho một cuộc thi sắc đẹp dễ khiến các em mất cân bằng về mặt nhận thức, thời gian, nhịp độ sinh học. Tuổi của các em là tuổi ăn, tuổi chơi chứ không phải tuổi thi thố, các em chưa đủ độ chín để giữ cân bằng cho mình.
Việc nổi tiếng quá sớm không phải lúc nào cũng là điều hay. Người lớn còn có thể kiềm chế được mình nhưng trẻ con thì tâm lý chưa ổn định, rất dễ ảo tưởng về mình và điều này hoàn toàn không tốt cho tương lai các em. Bản thân tôi không khuyến khích những cuộc thi sắc đẹp học đường quy mô lớn.
Y.Anh ghi

Hoàng Thị / NLĐ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)