Bộ GDĐT vừa quyết định cho phép các trường THPT dạy học 2 buổi/ngày. Đây là chủ trương không mới, nhưng rất cần thiết, nhằm nhiều mục tiêu.
Tuy nhiên, Bộ GĐĐT lại “đính kèm” quá nhiều điều kiện bắt buộc về quy chuẩn. Liệu chủ trương này có được triển khai rộng khắp, đáp ứng nhu cầu cần thiết của xã hội? Nhà giáo Lê Sĩ Tứ ( Hà Nội) băn khoăn:
Để chủ trương dạy 2 buổi/ngày trở thành hiện thực, bộ chỉ đạo phải có các điều kiện kèm theo như chỉ được thực hiện ở những nơi HS có nhu cầu, PHHS tự nguyện cho con em tham gia học tập; được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền quản lý của ngành GD và địa phương; trường học 2 buổi/ngày có tối thiểu số lượng GV theo quy định; có đủ phòng thông thường, phòng học bộ môn, thư viện, sân chơi, bãi tập đáp ứng cho các hoạt động dạy và học, hoạt động GD khác theo hướng trường đạt chuẩn quốc gia. Bộ cũng quy định, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày, mỗi tuần học không quá sáu ngày/ tuần. Đối với THCS dạy không quá 4 tiết vào buổi sáng và không quá 3 tiết vào buổi chiều; đối với cấp THPT dạy không quá 5 tiết buổi sáng và không quá 3 tiết vào buổi chiều.
Theo “hoạch định” của bộ, phải có đủ các điều kiện vật chất như trên, các trường mới được phép tổ chức dạy 2 buổi/ngày, thì ít nhất có trên 50% số trường không đạt “chuẩn” để thực thi nhiệm vụ. Nếu ở các trường này phụ huynh tự nguyện, học trò có nhu cầu học thêm thì sao? Bộ bật “đèn xanh” cho họ dạy thêm, học thêm theo kiểu “thỏa thuận”, hay cấm “hành nghề” vì không đúng quy định? Bộ có “ba đầu sáu tay” cũng chẳng cấm được. Đây là một bài toán khó, bộ càng cấm càng bị “sa lầy”. Và cái chủ trương dạy 2 buổi/ngày của bộ, mới nhập cuộc đã tạo độ “vênh” lớn giữa các vùng miền, dù cùng nằm trong hệ thống GDPT của quốc gia. Đây là một thực tế bộ phải tính đến.
Trở lại ý tưởng dạy 2 buổi/ngày, mà bộ đề ra chủ yếu dành cho các trường ở TP, bộ cũng mới chỉ nêu những yêu cầu về vật chất, thời gian dạy và học. Nhưng để hình thành một trường “2 trong 1” – một hội đồng, hai nhiệm vụ – thầy cô phải đảm nhiệm gấp đôi công việc, dạy sáng, dạy cả chiều. Đối với THPT, 5 tiết buổi sáng là chính khóa, còn 3 tiết buổi chiều, bộ phải xác định cho cái tên: Chính khóa, ngoại khóa, hay dạy thêm?
Nếu là chính khóa, số tiết dạy và học tăng vọt 8 tiết/ngày, dĩ nhiên tỉ lệ thuận với nó là phải tăng biên chế GV, nội dung chương trình học…; điều này phi lý, “quá tải” đối với một trường THPT. Nhưng là ngoại khóa thì phương pháp dạy chủ yếu là thực hành trong phòng thí nghiệm, bổ trợ kiến thức cho chương trình chính khóa; hoặc “đạt mục tiêu giáo dục toàn diện, tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho HS…”. Chỉ có vậy thì e rằng chưa “trúng” nhu cầu của HS và PHHS.
Có thể hiểu 3 tiết học chiều là “dạy thêm, học thêm”. Bộ cũng chỉ đạo rõ, học 3 tiết buổi chiều là để “hạn chế tình trạng dạy thêm – học thêm không đúng quy định…”. Rõ ràng BGH các trường gánh thêm nhiệm vụ nặng nề, chỉ đạo “dạy thêm – học thêm”. Như vậy là các trường tuyên chiến với tệ nạn dạy thêm – học thêm tự phát tràn lan dưới nhiều hình thức khác nhau, vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Nhiều hiệu trưởng, từ nhiều năm trước, mạnh dạn đi tiên phong “quy” việc dạy thêm – học thêm của trường mình về một mối, thậm chí thành lập cả một ban giám hiệu “B’’, có sự tham gia của BCH công đoàn, ban đại diện PHHS chuyên trách theo dõi phân hiệu “tư trong công”; nhưng cuối cùng, vì nhiều lý do khác nhau, chẳng ai thành công cả, hay nói thất bại cũng không ngoa.
Thực tế HS không thích lớp học thêm do trường đứng ra tổ chức mà thích tìm thầy có danh, có tiếng. Ngay các thầy dạy giỏi, có uy tín, đã khẳng định được “thương hiệu”, họ cũng không muốn dạy thêm tại trường. Họ tự tổ chức lớp kiểu “tư thục” . Thầy dạy bao nhiêu hưởng bấy nhiêu, không phải “ăn chia” đồng tiền kiếm được bằng “chất xám” của mình cho đông đảo đội quân gián tiếp “ăn theo”. Dạy thêm đã trở thành một “tệ nạn”. Ai cũng có quyền mở lớp dạy thêm. Dạy thêm đã “biến tướng” nhằm mục đích kiếm tiền – tiền “thật”, nhưng dạy “giả”, học “giả”. Để ngăn ngừa tiêu cực đang diễn biến phức tạp trong ngành, Bộ GDĐT đưa chủ trương dạy học 2 buổi/ngày là đúng.
Tuy nhiên, để chủ trương đi vào cuộc sống, không đơn giản. Bộ phải chỉ đạo sát sao, quyết liệt, có “chế tài” cụ thể hướng dẫn, có quy chế mang tính pháp lệnh buộc thầy cô giáo chấp hành. Vận động cả hệ thống chính trị phải thực sự vào cuộc, tạo nên một dư luận “nói không với dạy thêm và học thêm ngoài luồng”.
Tôi đã từng dạy thêm “luyện thi” nhiều năm, với tư cách người trong cuộc, xin được hiến kế với bộ những biện pháp sau: Muốn kéo học trò về học thêm tại trường, do trường quản lý, đương nhiên BGH phải có tài quản lý, tổ chức thực sự gọn nhẹ, năng động. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nhân vật trung tâm – vai trò người thầy “quyết định tất cả”. GV có tay nghề cao cần phải thấy vai trò, trách nhiệm cá nhân nên tham gia dạy thêm tại trường để “giữ” HS. Nhà trường trả “cátxê” cho tương xứng với tài năng, công sức của GV, không nên trả lương theo kiểu “bình quân”, “cào bằng”, chắc chắn sẽ mất người tài.
Phương thức tổ chức lớp học thêm, sĩ số chỉ nên 20 HS/ lớp cùng trình độ để thầy dạy sát đối tượng, có đủ điều kiện theo dõi, kèm cặp tới từng HS. Lớp HS kém, trung bình thì củng cố nâng cao dần kiến thức, học đến đâu, chắc đến đấy. Lớp HS khá, giỏi thì nâng cao, mở rộng kiến thức. Tuyệt đối không lợi dụng lớp học thêm dạy lại bài đã học ở lớp chính khóa, trò sẽ cảm thấy mất tiền vô ích.
Tổ chức dạy học thêm tại trường cần phải được “xã hội hóa” triệt để, đặc biệt có sự tham gia của các bậc PHHS; ngoài việc đóng góp kinh phí là lẽ đương nhiên, mà còn tham gia quản lý, giáo dục động viên con em yên tâm học thêm tại trường, tận dụng hết công suất cơ sở vật chất, vừa nâng cao trình độ văn hóa, vừa được giáo dục toàn diện. Tạo dựng nền nếp dạy thêm, học thêm có tổ chức tại trường, gia đình đã phối hợp chặt chẽ với nhà trường giữ vững kỷ cương – một nét đẹp văn hóa học đường.
Quản lý một trường công đã khó, quản lý một trường tư còn khó hơn, quản lý một trường “tư trong công” – nửa công, nửa tư phức tạp vô cùng. Cũng như thầy dạy chính khoá ít áp lực hơn dạy thêm nhiều lần. Hình như chưa có mô hình dạy học 2 buổi/ngày thành công tại các trường công lập? Thôi, thì cứ theo Lỗ Tấn nói “cứ đi sẽ thành đường”. Dám làm, sẽ biết làm, miễn là lãnh đạo quyết tâm, thầy giáo công tâm, dư luận xã hội – trong đó có vai trò của cha mẹ, học sinh – nhiệt thành ủng hộ sự nghiệp giáo dục.
Lê Sĩ Tứ / Lao Động
Bình luận (0)