Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Đưa kỹ năng sống vào giờ sinh hoạt lớp: Tiết học nhẹ nhàng, học sinh hứng thú

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

HS lớp 11A14 với trò chơi “Tự khám phá bản thân”

Rèn luyện kỹ năng sống là một trong những nhu cầu thiết thực đối với học sinh (HS) và cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD-ĐT hướng tới từ năm học 2010-2011. Trước thực tế đó, Trường THPT Trần Khai Nguyên (TP.HCM) đã đưa môn học này vào giờ sinh hoạt chủ nhiệm làm cho lớp học sinh động hơn.
Giờ sinh hoạt vui vẻ
Vừa qua hơn 30 HS lớp 11A14 Trường THPT Trần Khai Nguyên đã được tham gia một tiết sinh hoạt lớp cực kỳ vui vẻ và thú vị, khác hẳn so với những giờ sinh hoạt chủ nhiệm trước đây. Buổi sinh hoạt được “khởi động” bằng một trò chơi “Tìm tên cho nhóm” đầy hào hứng với sự tham gia của tất cả các thành viên trong lớp. Toàn thể HS trong lớp được chia thành 6 nhóm, mỗi nhóm đi tìm một túi bánh kẹo dựa theo một lời gợi ý từ giáo viên chủ nhiệm (GVCN) – cô Phạm Minh Ngọc. Trong mỗi túi kẹo đều có một gợi ý và từ những gợi ý đó, các em phải tự đoán tên cho nhóm mình. Trò chơi tưởng như rất đơn giản nhưng lại khiến không ít HS căng thẳng suy nghĩ khi ba lần đoán tên mà vẫn không nằm trong đáp án. Chỉ với sáu chữ “đức, tín, nhẫn, nhân, hạnh, tâm”, cô Ngọc đã khéo léo minh họa câu chuyện kể có thật mà cô biết về một ông chủ tiệm photocopy bị bạn bè lật lọng khi cả hai hùn vốn làm ăn với lời nhắn nhủ: Hãy lấy những chữ đã tìm được làm chuẩn mực đạo đức, làm hành trang để bước vào đời.
Sau màn “khởi động” hào hứng và đầy ý nghĩa, các em được tiếp tục “tăng tốc” với trò chơi “Truyền tin”. Hàng loạt thông điệp đã được truyền đi dưới dạng “rỉ tai” từ người này qua người khác với những kết quả không trọn vẹn. Những tràng cười đã vang lên khi “ban giám khảo” đọc kết quả nhận được từ các đội chơi. Thế nhưng, khi đáp án chính thức được công bố, tất cả mới vỡ ra rằng: đây không chỉ là một trò chơi đơn thuần mà ẩn chứa trong đó là kết quả hoạt động trong tuần với những lỗi mắc phải, điểm thi đua, thứ hạng của lớp so với toàn trường. Cũng từ đáp án đó, GVCN đưa ra nhận xét những ưu, khuyết điểm, dặn dò HS phải thực sự cố gắng để hoàn thành mục tiêu của cả tập thể. Vậy là không cần phải “mặt nặng mày nhẹ”, giáo viên vẫn cung cấp đầy đủ cho các thành viên trong lớp nội dung chính của giờ sinh hoạt. Cả HS lẫn GVCN đều cảm thấy không khí không còn nặng nề như những giờ sinh hoạt trước đây. Ngoài ra các em còn có dịp được khám phá bản thân mình với trò chơi “Tự khám phá bản thân”. Hơn 30 thành viên, mỗi em đều được phát một chiếc áo làm bằng giấy trắng với hai mặt trước và sau. Chiếc áo trắng tinh khôi ấy lần lượt được các bạn trong lớp “kể” ra những ưu điểm, khuyết điểm của bản thân người mặc áo. Hàng loạt những nhận xét xấu, tốt về tính cách của bạn mình đã được “kê khai” đầy đủ với những lời lẽ rất… học trò. Sau màn ghi chép vui nhộn, một số HS đã lần lượt tự đánh giá về bản thân thông qua những điều bạn mình thổ lộ. Dù chỉ ra khuyết điểm nhưng không em nào tỏ ra phật ý hay có suy nghĩ bạn… chơi xỏ mình. Ngược lại, đây chính là dịp cho các em nhìn lại chính mình để hiểu nhau hơn, qua đó biết cách phát huy mặt mạnh, mặt còn hạn chế trong chính con người mình. “Qua buổi sinh hoạt em thực sự cảm nhận được không khí gần gũi giữa cô và trò. Không khí sinh hoạt cũng vui vẻ hơn so với trước đây”, Đăng Hiếu, một “siêu quậy” trong lớp nhận xét.
Cần sự chuẩn bị chu đáo
Bắt đầu từ tháng 11-2010, Ban giám hiệu Trường THPT Trần Khai Nguyên đã triển khai cho các giáo viên lồng ghép chương trình rèn luyện kỹ năng sống vào các giờ sinh hoạt lớp. Do đó, giờ sinh hoạt lớp sẽ không còn nhàm chán như trước đây nữa mà thực sự trở thành một giờ học bổ ích, thú vị. Về vấn đề này, cô Phạm Thị Minh Ngọc – GVCN lớp 11A14 – cho biết để có được những giờ sinh hoạt như vậy, GVCN cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, phải biết được những ưu khuyết điểm của lớp để tiến hành. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cho các GVCN, đó là việc quản lý lớp. Việc lồng ghép kỹ năng sống trong giờ sinh hoạt sẽ không tránh khỏi sự ồn ào, náo nhiệt gây ảnh hưởng tới lớp học bên cạnh. Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Yến Trinh – Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng giờ sinh hoạt lớp chủ yếu để cho các em được vui chơi, thoải mái sau những giờ học căng thẳng nên việc các em ồn ào là điều hoàn toàn dễ hiểu. “Chúng tôi gọi đó là “sự ồn ào tích cực”. Các GVCN đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về vấn đề này nên không bị ảnh hưởng nhiều. Hơn nữa, ngoài việc sinh hoạt trên lớp, chúng tôi còn tổ chức cho các em được sinh hoạt tại sân trường, phòng nghe nhìn…” – cô Yến Trinh nói.
Bài, ảnh: Ngọc Anh

“Tùy vào nội dung đưa ra trong tiết dạy mà GVCN có sự chuẩn bị về giáo án, trò chơi và một số vật dụng cần thiết. Giờ sinh hoạt chỉ gói gọn trong 45 phút nên lựa chọn những trò chơi nhỏ, ít thời gian mà vẫn đảm bảo được giờ giấc”, cô Minh Ngọc chia sẻ.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)