Trên con đường gập ghềnh, bùn lầy của thôn Sơn Trà xã Bình Đông (huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi), những cánh tay, đôi vai nhỏ nhắn của các em học sinh lớp 3 đang vác những bộ bàn ghế, cùng các bậc phụ huynh chạy trường. Chủ Nhật này, các em phải vào học.
Chuyển trường theo lũ
Tiếng cười đùa xen lẫn tiếng bước chân của các em học sinh khi khuân bàn ghế từ ngôi trường sập về nơi học tạm. Không quen công việc, có lúc, em đi tới, em đi giật lùi, có lúc 4 em khiêng bàn ghế đi ngược về 2 hướng, dùng dằng giữa con đường lầy lội. Quãng đường từ ngôi trường tiểu học Sơn Trà đến nơi học tạm là 300 mét, nụ cười ngây thơ khiến nhiều em quên đi cái cảm giác đè nặng trên đôi vai.
“Đừng khiêng nữa, để cho phụ huynh và thầy cô” – mặc thầy giáo Ngô Thanh Tịnh phất tay và níu kéo, nhưng các em vẫn thoăn thoắt gồng gánh bàn ghế. Chưa thấu hiểu được nỗi vui buồn của người lớn, trong ánh mắt của các em ánh lên sự tò mò, khi nhìn ngôi trường mới tuềnh toàng như một nhà kho. Phía sau lưng của các em là làng Sơn Trà đang đổ nát. Cả làng Sơn Trà đang huy động mọi người ra chèn chống nhà cửa, đào đất đắp bờ. Bởi nếu những cơn mưa nặng hạt còn tiếp tục tái diễn, cả xóm làng này lại tiếp tục chìm vào trong cảnh tan hoang tiêu điều.
Cách đó không xa, người dân Sơn Trà, tất cả đều tất bật đóng cọc, dồn bao chống lũ. Ngôi trường tiểu học Sơn Trà nằm cạnh con sông Trà Bồng, cơn lũ vừa qua đã khoét sâu vào dưới móng trường, kéo ngôi trường này bị nứt nẻ và có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào.
Đặt chiếc bàn học sinh xuống đất để nghỉ ngơi, ông Phạm Chất, phụ huynh học sinh lo lắng nhìn về ngôi trường mới: “Ngày mai tổ chức ngày Đại đoàn kết của thôn Sơn Trà, Chủ Nhật là các cháu sẽ vào học bữa đầu tiên. Chỉ xin Nhà nước quan tâm cho 4 tấm bạt che chứ trường này trống trơn, mưa tạt ướt mấy cháu”.
Chỉ xin một cái rất đơn giản: “tấm bạt để che”, bởi phòng học mới của các em là nơi hội họp của thôn xóm, ngôi nhà cao nhưng xung quanh không có vách che. Chính vì vậy, nếu trời nắng các em sẽ phải ngồi trong cái nóng thiêu đốt, còn trời mưa thì nước sẽ hắt từ bốn phía.
Trường lớp tứ tán
Trường tiểu học Sơn Trà có 5 phòng, có 10 lớp học, chia làm 2 buổi. Sau lũ, học sinh từ lớp 4 đến lớp 5 sẽ được chuyển đến học tạm tại ngôi trường cách đây 3 km. Sợ các em qua đường nguy hiểm, nhà trường và các bậc phụ huynh bố trí cho các em từ lớp 1 đến lớp 3 đến học tập tại nhà sinh hoạt của thôn.
Để ba mẹ khiêng bàn chớ, việc của người lớn mà? Nghe hỏi, em Huỳnh Tấn Nam, học sinh lớp 3A thỏ thẻ, giọng nói trong vắt: Cả nhà em hổng còn ai, ba mẹ đi đắp đất sửa nhà đổ cho mấy bác trong xóm. Thầy giáo biểu học ở đây trường sập. Học sinh lớp lớn thì tới trường tầng (cấp 2) học. Chỗ này gần nhà thì nhường cho mấy em nhỏ. Mấy em qua đường xe lớn nguy hiểm”.
Để có chỗ kê bàn bằng phẳng, Hội phụ nữ thôn và bộ đội đến đào đất và san phẳng nền lớp học. Các bậc phụ huynh tất bật đi mua vở, sách bút đã bị cát vùi lấp để con em có thể đến trường.
Vuốt mồ hôi, đặt càng chiếc xe bò chở cát xuống nền đất bùn, vợ chồng ông Huỳnh Ảnh cho biết: “Mấy hôm lụt, cả làng nắm tay nhau để băng qua chỗ nước ngập tới ngang ngực để vô xóm giúp bà con. Bây giờ thì già trẻ gì cũng ráng làm để có nơi ở, nơi học. Hai vợ chồng chú mấy ngày nay bỏ nhà bỏ cửa vô xóm giúp bà con”.
Trên khuôn mặt đầy nỗi lo lắng, thầy Ngô Thanh Tịnh lo lắng: Lịch học sẽ bị đảo lộn, giờ giấc ngủ nghỉ và sinh hoạt của các em sẽ rất là mệt. Tổng cộng 3 lớp học với gần 100 học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 sẽ phải học 3 ca mỗi ngày: Một lớp từ 7 đến 10 giờ, một lớp từ 10 đến 2h và một lớp từ 2 đến 5h”.
(Theo Giáo dục Thời đại Online)
Bình luận (0)