Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tốt nghiệp nhưng không được cấp bằng: Sinh viên chịu thiệt

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các trường đưa ra rất nhiều lý do cấp bằng trễ hạn như chờ sinh viên (SV) các khóa cùng tốt nghiệp, đợi xin phôi bằng… Nhưng không ai đề cập đến những nguyên nhân sâu xa của vấn đề.  

Chờ phôi bằng mới!
Khi trả lời về trường hợp chị Võ Thị Phương Hoa nhận bằng tốt nghiệp trễ so với quy định gần một năm rưỡi, tiến sĩ Lý Văn Xuân – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: “Đây không phải trường hợp cá biệt. Chị Hoa thi tốt nghiệp lại lần 2 và tốt nghiệp vào đúng thời điểm Bộ GD-ĐT công bố mẫu phôi bằng mới”. Ông Xuân giải thích thêm: “Chị Hoa tốt nghiệp vào tháng 12.2008, đây cũng là thời điểm Bộ GD-ĐT đổi mới phôi bằng và cả cách cấp phôi bằng. Trước đây, với bậc trung cấp, Sở GD-ĐT TP.HCM được phép cấp phôi bằng và trường chỉ cần qua Sở lấy. Nay Bộ GD-ĐT thay đổi quy trình (phôi bằng trung cấp vẫn nhận từ Bộ – NV) nhưng Bộ lại không công bố rộng rãi chủ trương này và Sở GD-ĐT TP.HCM cũng không thông báo nên trường không biết, vẫn gửi hồ sơ sang Sở. Chờ lâu quá không thấy gì, trường phải qua Sở thì mới biết gửi hồ sơ ra Bộ GD-ĐT. Quá trình này cũng làm trường mất một thời gian”.
SV khoa Du lịch trường ĐH Văn Hiến phản ảnh với trường về tình trạng tên ngành trên văn bằng không thống nhất – Ảnh: Đ.N
Ông Xuân thông tin thêm: “SV bậc ĐH khóa 2004-2010 của trường cũng sẽ cấp bằng trễ hạn vì mẫu phôi bằng hiện tại của Bộ GD-ĐT là bằng về cử nhân (Degree of Bachelor) chứ không phải bằng bác sĩ, dược sĩ. Trường đã có ý kiến với Bộ GD-ĐT nên Hội đồng cấp phôi bằng cho rằng ngành Y, Dược phải tiếp tục… chờ để nơi này in phôi bằng khác có thể hiện danh hiệu bác sĩ, dược sĩ”. 
Do tuyển vượt chỉ tiêu?
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu của các trường được Bộ đồng ý như thế nào thì sẽ nhận đúng số lượng phôi bằng như thế.
Ba năm qua trường CĐ Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn đều tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Theo số liệu chúng tôi có được, tổng số SV khóa 3 (tuyển sinh năm 2008) đến 4.262, gần gấp 3 lần so với chỉ tiêu năm này là 1.500. Theo “bảng tổng hợp số lượng SV tốt nghiệp năm 2010” được đăng tải trên website của trường, có 1.071 SV khóa 2 đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp. Con số này đã vượt 321 suất so với chỉ tiêu bộ cấp cho trường năm 2007 là 750. Khóa tuyển sinh năm 2009 có 1.900 chỉ tiêu nhưng trường tuyển đến 2.224 SV… 
Điều này đã gây hậu quả nghiêm trọng là đến thời điểm cấp bằng tốt nghiệp, nhiều SV cho biết có đầy đủ điều kiện tốt nghiệp lại không nằm trong danh sách dự thi tốt nghiệp.
Cán bộ đào tạo của nhiều trường đều công nhận có thể xảy ra tình trạng này. Phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập tại TP.HCM bày tỏ: Dựa vào chỉ tiêu đầu vào mỗi trường, Bộ GD-ĐT mới cấp phôi bằng. Các trường cũng có cái khó là số SV nhập học thường ít hơn lượng thí sinh trúng tuyển nên trường gọi số trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu rất nhiều. Điều này dẫn đến tình trạng vượt quá chỉ tiêu, ảnh hưởng đến việc cấp bằng sau này.
Vì không rõ trách nhiệm (!)
Về trường hợp của SV P.D.L như đã đề cập trong bài viết trước, tiến sĩ Nguyễn Kim Quang – Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) cho biết: “Theo quy định đào tạo tín chỉ (TC) khóa 98, chương trình gồm 2 giai đoạn, xấp xỉ 210 TC. Riêng ngành Công nghệ thông tin, giai đoạn đại cương tổ chức đào tạo chung trong 3 học kỳ đầu là 92 TC, giai đoạn chuyên ngành SV có quyền đăng ký các môn bắt buộc và một số môn tự chọn sao cho đạt tối thiểu 120 TC. Như vậy, tổng cộng là 212 TC. Trường hợp của L. chỉ đạt 92 TC đại cương và 119 TC chuyên ngành, còn thiếu 1 TC là chưa đủ điều kiện để xét tốt nghiệp”.
Bên cạnh đó, ông Quang đưa ra hướng giải quyết là “SV nên tìm phương cách học tập phù hợp rút ngắn thời gian để được nhận bằng”. Trong khi đó, L. bức xúc: “Tôi đã đầu tư công sức để học 6 năm, đóng đầy đủ học phí và hoàn tất nghĩa vụ của mình đúng hạn. Việc thiếu 1 TC tự chọn là vì nhà trường đã thông báo năm 1998 chỉ có 210 TC và trong suốt quá trình học không có một thông báo thay đổi nào”.
Trong quá trình làm việc, chúng tôi có đề nghị ông Quang cung cấp bằng văn bản quy chế TC của trường năm 1998 nhưng ông lại cho rằng: “Các quy chế học chế TC của trường mỗi năm đều phát cho SV đầu khóa. Các quy chế có cùng một nội dung cơ bản suốt thời kỳ từ 1996 đến 2008”. 
Chúng tôi cũng đã liên hệ với các SV ngành Công nghệ thông tin khóa 1998-2002, những người này cho biết tổng số TC mà trường thông báo đầu khóa và mỗi đầu giai đoạn là 210.
SV khóa 7 Học viện Hành chính (cơ sở phía Nam) tốt nghiệp hơn 5 tháng mà chỉ nhận được giấy xác nhận do Trưởng phòng Đào tạo ký – Ảnh: V.T
Việc SV này không được cấp bằng phần nào do lỗi của hệ thống đào tạo. Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM là một trong 2 trường đầu tiên trên cả nước thực hiện đào  tạo TC. Khi thực hiện hình thức đào tạo này, hệ thống cố vấn học tập là rất quan trọng. Hệ thống này có nhiệm vụ hỗ trợ SV trong việc lựa chọn kế hoạch học tập phù hợp. Lẽ ra trong thời gian học, nếu SV bị thiếu TC thì bộ phận này phải nhắc nhở. Không chỉ có vậy, khi SV làm đơn xin xét tốt nghiệp lại không được tư vấn đầy đủ để có biện pháp khắc phục mà lại từ chối nhận đơn!
Trao đổi với Thanh Niên – ông Nguyễn Kim Quang cũng thừa nhận: “Chỉ vì thiếu một TC nên chỉ nhận được kết quả học tập mà thiếu văn bằng tốt nghiệp là rất uổng. Tiếc rằng trong suốt thời gian học tập, em đã không được tư vấn cách học để hoàn tất chương trình”.
Bằng tốt nghiệp phải kèm giấy xác nhận
SV thuộc khoa Du lịch (khóa 2006-2010) vừa tốt nghiệp trường ĐH Văn Hiến (TP.HCM) phản ánh, dù chỉ học một ngành nhưng tên ngành đào tạo trong Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời, bảng điểm và bằng tốt nghiệp đều không giống nhau. Cụ thể: trong Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời tên ngành đào tạo là Quản trị kinh doanh, bảng điểm SV là Quản trị kinh doanh du lịch – khách sạn và bằng tốt nghiệp lại là Du lịch – Khách sạn.
Lý giải nguyên do sai tên ngành trong bằng tốt nghiệp của SV, ông  Trần Chút – Phó hiệu trưởng, cho biết: “Trong danh mục ngành nghề nước ta không có ngành Du lịch. Vì thế, Bộ GD-ĐT cho phép trường Văn Hiến đào tạo ngành này với tên Văn hóa du lịch. Thật ra, trong danh mục ngành nghề cũng không có ngành Văn hóa du lịch! Để phù hợp, trường ĐH Văn Hiến đã kiến nghị và xin đặt tên 2 chuyên ngành là Quản trị kinh doanh du lịch khách sạn và Quản trị kinh doanh du lịch và dịch vụ lữ hành. Phần ghi tên ngành trên phôi bằng tốt nghiệp ĐH của Bộ GD-ĐT lại quá ngắn và theo quy định thì tên ngành không được viết tắt. Tên 2 chuyên ngành trên của trường ĐH Văn Hiến thì lại quá dài, nên chúng tôi mới ghi ngắn gọn lại Du lịch – khách sạn, hay Quản trị kinh doanh nên SV phản ứng”.
Sáng 23.11, Ban giám hiệu nhà trường đã có buổi làm việc với phòng đào tạo, khoa Du lịch  và thống nhất giữ nguyên các bằng tốt nghiệp đã cấp cho SV khóa 2006-2010. Nếu SV nào thắc mắc, trường sẽ cấp Giấy xác nhận tên một trong 2 chuyên ngành, nêu rõ lý do và chứng nhận rõ ràng về chuyện này.
Đăng Nguyên
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)