Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Dày đặc trạm thu phí BOT

Tạp Chí Giáo Dục

Tại TPHCM và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương… có nhiều công trình giao thông được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT. Các doanh nghiệp xây dựng được quyền thu phí để hoàn vốn. Tuy nhiên, khoảng cách các trạm không đúng theo quy định, quá dày đặc, gần trường học… đã gây bức xúc cho người dân.
Thu theo dự án
Hiện ở cửa ngõ phía Đông TPHCM có trạm thu phí Xa lộ Hà Nội, thực hiện thu phí để hoàn vốn đầu tư xây dựng tuyến đường này. Cách đó khoảng vài kilômét, theo đường chim bay, là trạm thu phí cầu Phú Mỹ, thu phí hoàn vốn cho công trình đầu tư xây dựng cầu Phú Mỹ. Xa hơn một chút, khoảng hơn 15km ở cửa ngõ phía Nam và phía Tây TPHCM là các trạm thu phí hoàn vốn xây đường Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 1A đoạn An Sương – An Lạc… 
Dày đặc trạm thu phí BOT ảnh 1
Trạm thu phí Xa lộ Hà Nội ở cửa ngõ phía Đông TPHCM

Tương tự, tại TP Dĩ An, Thuận An, tỉnh Bình Dương có 3 trạm BOT, tập trung trên quốc lộ 13, đường ĐT 743 với khoảng cách giữa các trạm chỉ khoảng 5-7km. Đáng nói, trạm thu phí BOT Vĩnh Phú, Lái Thiêu đặt ở khu vực giáp ranh giữa Bình Dương với TPHCM, là nút giao tập trung khá đông đúc phương tiện giao thông và có cả một trường tiểu học nằm gần đó. Chưa kể, trạm này còn có tới 3 vị trí đặt trạm thu phí với mức thu xe hơi 15.000 đồng/lượt (trên quốc lộ 13, hướng từ TPHCM đi Bình Dương và ngược lại; trên đường ĐT 745, phường Lái Thiêu, TP Thuận An), khiến người dân qua lại khá tốn kém, nhất là di chuyển vào nội thị TP Thuận An.
Còn trạm thu phí trên đường ĐT 743 lại nằm gần sát UBND phường Bình Hòa, TP Thuận An và một số trường mầm non công lập, tư thục – khu vực vào giờ cao điểm thường tập trung khá đông người qua lại. Mức phí qua trạm này là 10.000 đồng/lượt, tuy không quá cao nhưng di chuyển trên đoạn đường khoảng 7km mà có tới 3 trạm BOT, gộp lại thì số tiền không nhỏ, khiến nhiều người thắc mắc. 
Anh Nguyễn Văn Hậu (40 tuổi, ngụ TPHCM) cho biết: “Tôi thường xuyên di chuyển từ khu vực quận Gò Vấp, qua TP Thuận An, Dĩ An tới quốc lộ 1K để vận chuyển hàng hóa ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đi qua tỉnh Bình Dương, đoạn đường chưa tới 10km nhưng phải qua 3 trạm thu phí và trả mấy chục ngàn đồng tiền phí là rất khó khăn với người lao động như tôi”.    
Đáng chú ý, trên địa bàn TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương, trạm thu phí quốc lộ 1K đặt trên địa bàn giáp ranh phường Đông Hòa và phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đã tạm dừng hoạt động từ cuối tháng 10-2020, nhưng hiện các hạng mục phục vụ thu phí vẫn còn án ngữ trên đường, trong khi công tác bảo đảm an toàn giao thông trong khu vực gần như bỏ ngỏ. Trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng tuyến đường thuộc Công ty TNHH BOT quốc lộ 1K cũng tạm ngưng từ lâu khiến nguy cơ tai nạn giao thông luôn rình rập. 
Do yêu cầu của địa phương
Bình Phước cũng là tỉnh có nhiều trạm thu phí với mật độ dày đặc, nhất là trên tuyến quốc lộ 13 và đường ĐT 741. Cụ thể, chỉ tính riêng trên đường ĐT 741 từ thị xã Phước Long đến TPHCM có chiều dài khoảng 150km, nhưng có tới 6 trạm thu phí, gồm: Phước Long – Bù Nho, Bù Nho – Đồng Xoài (2 trạm nằm trong đoạn đường khoảng 46km), Đồng Xoài – Tân Lập (cách nhau 29km), Tân Lập – Bố Lá (cách nhau 30km), Bố Lá – Suối Giữa (cách nhau 58km) và Suối Giữa – Lái Thiêu (cách nhau 17,2km). Trong khi đó, trên tuyến quốc lộ 13 từ huyện Chơn Thành đến cửa khẩu quốc tế Hoa Lư đặt 2 trạm thu phí. Trên quốc lộ 14 đoạn qua Bình Phước đặt 1 trạm thu phí. Đó là chưa tính đến kế hoạch xây dựng thêm tuyến đường BOT mới nối Đồng Phú – Bình Dương.
Ông Đậu Văn Dung, ngụ huyện Bù Đốp, chuyên chở nông sản về TPHCM, cho biết, mỗi sản phẩm sản xuất ra ở Bình Phước chuyên chở đến TPHCM phải chịu đến 24 lần phí BOT khi đi qua các trạm BOT. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá nông sản của địa phương này thường cao hơn so với các nơi khác.
Tại Đồng Nai, hiện có 6 trạm thu phí BOT trên quốc lộ 1 (BOT Trảng Bom), BOT quốc lộ 51 (TP Biên Hòa) do Bộ GTVT quản lý; các trạm thu phí đặt ở đường tỉnh 768 (huyện Vĩnh Cửu), đường vào mỏ đá Tân Cang (huyện Long Thành), đường 319 nối với cao tốc Long Thành –  Dầu Giây do Sở GTVT tỉnh Đồng Nai quản lý. Các trạm thu phí do tỉnh Đồng Nai quản lý đều đảm bảo quy định khoảng cách 70km/trạm, mức thu phí tùy thuộc vào quy định của các trạm. 
Dày đặc trạm thu phí BOT ảnh 2
Trạm thu phí tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây.

Trừ Đồng Nai, tại sao các trạm thu phí của các địa phương còn lại, lại dày đặc như vậy? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo ngành giao thông của hầu hết các địa phương đều viện dẫn Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ.
Theo họ, do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của các địa phương tăng cao trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp nên họ đã vận dụng quy định “nếu khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70km trên cùng tuyến đường (như quy định) thì Bộ GTVT, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Bộ Tài chính xem xét và quyết định cho từng trường hợp cụ thể đối với việc đặt trạm trên đường quốc lộ và đối với đường do địa phương quản lý thì UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo, xin phép HĐND cùng cấp quyết định”.
Chưa có chủ trương mua lại trạm thu phí BOT
Trả lời về việc tồn tại nhiều trạm thu phí có mật độ dày đặc, đại diện Bộ GTVT cho biết, đây là một thực tế trong quá trình đầu tư BOT giao thông của giai đoạn từ năm 2017 trở về trước. Khi hạ tầng giao thông nhiều tuyến bị xuống cấp, vốn ngân sách nhà nước hạn chế, giải pháp duy nhất lúc đó là huy động vốn theo hình thức đối tác công tư (PPP). Để đảm bảo các trạm thu phí không được đặt tùy tiện, tại Thông tư 159/2013 của Bộ Tài chính có quy định về khoảng cách giữa các trạm là 70km. 
Tuy nhiên, trên thực tế, một số tuyến đường như quốc lộ 1A có rất nhiều đường tỉnh, đường huyện, đường xã và các đường đô thị giao cắt, do đó có những trạm thu phí đã không đảm bảo khoảng cách. Các trạm có cự ly dưới 70km hiện hữu đều đã có thỏa thuận của Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Tài chính. Do vị trí đặt trạm nằm trong phương án tài chính đã được ký kết với nhà đầu tư BOT nên không thể đơn phương xóa bỏ, Bộ GTVT đã tính đến phương án dùng ngân sách nhà nước mua lại những trạm thu phí quá bất cập, gây bức xúc dư luận. Tuy nhiên, chủ trương bố trí ngân sách nhà nước thanh toán cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông để xóa bỏ trạm thu phí BOT hiện vẫn chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận. 
Để hạn chế tác động tiêu cực, Bộ GTVT đang thực hiện giải pháp rà soát, kiểm soát chặt công tác thu phí, tránh thất thoát, từ đó tính toán, điều chỉnh lại thời gian thu phí của các trạm nếu có doanh thu tốt hơn dự kiến. Một trong những giải pháp quan trọng nhất để kiểm soát, minh bạch doanh thu các dự án có thu phí chính là thực hiện dự án thu phí điện tử không dừng. Hiện Bộ GTVT vẫn đang tích cực thúc đẩy tăng tỷ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. 
Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện mới có hơn 2,3 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện trên cả nước dán thẻ thu phí không dừng (ETC). Trong số này, lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%. Những bất cập trong quá trình triển khai đang được Bộ GTVT chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục, nhưng dự án này muốn hiệu quả cũng cần sự ủng hộ của người dân. Về giải pháp lâu dài, việc đầu tư BOT sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH. Theo đó, các dự án BOT sẽ tuyệt đối không được làm trên đường độc đạo, trên đường cũ, đảm bảo người dân có quyền lựa chọn tuyến đường để đi. 

Nên tìm giải pháp giảm phí BOT
Theo Th.S Lê Trung Tính, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và du lịch TPHCM, hiện là Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Xe khách TPHCM (do UBND TPHCM giao trách nhiệm), hiện ngành vận tải nói chung và vận tải hành khách nói riêng đang gặp rất nhiều khó khăn. Do dịch bệnh nên nhu cầu đi lại của người dân rất thấp. Vừa qua, khi giá xăng, dầu tăng mạnh, Sở GTVT TPHCM tổ chức cho các đơn vị vận tải đăng ký lại giá cước vận tải cho phù hợp với thực tế, nhưng chỉ có 20 trong tổng số 50 đơn vị vận tải của thành phố tham dự có kế hoạch tăng giá cước. Số còn lại chấp nhận chịu lỗ vì “sợ” hành khách không sử dụng dịch vụ của mình. Sau đó, Bến xe Miền Đông cũng lấy ý kiến của 150 đơn vị vận tải đón, trả khách ở bến xe về việc có tăng giá cước, nhưng chỉ có 30 đơn vị cho biết sẽ xem xét tăng vì hiện nhu cầu đi lại không cao.
Trong bối cảnh này, nên chăng ngành chức năng và các địa phương xem xét giảm chi phí BOT; đồng thời rà soát lại các trạm, nếu trạm nào đã thu đủ thì chấm dứt thu. Khoan sức dân là giải pháp tốt nhất để nuôi dưỡng nguồn thu.
 

QUỐC HÙNG (theo SGGP)

Bình luận (0)