Để đạt được điểm cao ở môn toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, học sinh cần nắm thật chắc những kiến thức nền tảng, cơ bản, tránh tập trung quá nhiều vào những phần kiến thức quá khó.
Thầy Hà Minh Sơn hướng dẫn học sinh ôn tập môn toán chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2022
80% kiến thức cơ bản
Căn cứ vào đề tham khảo tốt nghiệp THPT môn toán của Bộ GD-ĐT, có thể nhận thấy kiến thức trong đề thi sẽ tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12; trong đó 80% là kiến thức cơ bản, chỉ 20% là kiến thức nâng cao. Trong đó, phần kiến thức cơ bản là kiến thức lớp 12, có một phần nhỏ kiến thức lớp 10, lớp 11. Còn kiến thức nâng cao là các chuyên đề đòi hỏi sự tư duy cao. Như vậy, để có thể lấy được điểm cao trong môn toán, trước hết học sinh phải nắm chắc các kiến thức cơ bản. Đây chính là các phần kiến thức trọng tâm của bài học, học sinh cần bám sát vào định nghĩa, tính chất, công thức, phương pháp giải trong từng dạng bài tập cơ bản.
PHẢI ĐỌC KỸ ĐỀ, HIỂU ĐỀ Học sinh thường mắc sai lầm là các câu hỏi cơ bản thì làm qua loa, tập trung vào câu khó, dẫn đến mất điểm. Do vậy, khi cầm đề thi trên tay, các em nên đọc lướt qua đề, câu nào dễ làm trước, câu nào khó làm sau. Sẽ có những câu trong đề thi là những bài tập vận dụng thực tế, đa số không khó song dài, đòi hỏi học sinh phải đọc kỹ đề, hiểu đề. Khi hiểu đề thì vận dụng kiến thức giải không khó. Đa phần học sinh chưa có thói quen lấy kiến thức toán học vận dụng vào thực tế nên cũng dễ mất điểm ở dạng bài tập này. |
Năm nay, việc học trực tuyến kéo dài trong bối cảnh dịch Covid-19 cũng ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả học tập của học sinh. Thời điểm này, các trường đang triển khai việc ôn tập, giúp học sinh củng cố lại các kiến thức cơ bản, nền tảng, kiến thức trong suốt năm học và nhất là học kỳ I.
Không dành quá nhiều thời gian cho các bài tập khó
Một trong những sai lầm thường gặp nhất khi học sinh ôn tập môn toán chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, đó là các em thường… xem thường những dạng bài tập mang tính nền tảng, cơ bản do tâm lý chủ quan, cho rằng các phần kiến thức này quá dễ, nghĩ mình làm được nên bỏ qua. Ngược lại, các em lại dành nhiều thời gian tập trung vào giải các câu hỏi khó mà quên rằng tỷ lệ học sinh làm được các câu hỏi nâng cao là rất ít. Để lấy điểm cao thì các em phải nắm vững kiến thức cơ bản, từ cơ bản mới đến nâng cao.
Trong đề thi, 50 câu hỏi trắc nghiệm sẽ có những phương án tương đương nhau. Để có thể làm nhanh và chính xác, bắt buộc các em phải nắm vững kiến thức nền tảng. Trên thực tế, những câu hỏi kiến thức cơ bản trong đề thi đôi khi lại là phần học sinh hay mắc sai lầm do chủ quan, quên công thức. Lời khuyên là trong quá trình ôn tập, các em hãy tập trung trước hết vào các phần kiến thức cơ bản, nền tảng trong sách giáo khoa, rèn các đề tham khảo theo hướng đề minh họa của Bộ GD-ĐT để hình thành kỹ năng làm bài, nắm vững phương pháp của các dạng bài tập.
Khi làm bài thi, trước hết các em hãy làm chắc chắn, làm đúng các câu hỏi cơ bản, sau đó mới bước vào làm các phần kiến thức nâng cao là các dạng bài tập chuyên đề.
Không cuốn vào ma trận tài liệu tham khảo
Hiện nay, trong quá trình ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT, học sinh rất dễ dàng tìm kiếm các nguồn tài liệu tham khảo trên mạng internet. Việc có quá nhiều nguồn tài liệu tham khảo là một thuận lợi song các em phải có sự định hướng để không bị cuốn vào ma trận tài liệu tham khảo, không bị rối trước ma trận công thức, kiến thức dẫn đến việc học thuộc lòng quá nhiều. Khi chọn lựa tài liệu tham khảo, các em phải chú ý chọn lọc các tài liệu từ những nguồn chính thống, từ những giáo viên uy tín, phải bám sát ma trận kiến thức theo đề minh họa của Bộ GD-ĐT trong việc chọn tài liệu. Đặc biệt, tuyệt đối tránh làm theo, học theo các phương pháp nào đó khi giải bài tập mà không được kiểm chứng. Các em nên bám sát vào kiến thức, phương pháp mà giáo viên giảng dạy trên lớp. Vì nếu không chọn lọc đúng phương pháp có thể ảnh hưởng đến tâm lý các em trong quá trình làm bài thi, từ đó ảnh hưởng đến kết quả làm bài.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Du trong giờ ôn tập môn toán
Bên cạnh đó, một số trang mạng hiện nay “câu view”, muốn lôi kéo học sinh theo dõi nên khi hướng dẫn ôn thi tốt nghiệp THPT, giáo viên thường đưa các đề, bài tập quá khó, không phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp THPT, khiến học sinh bị hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý.
Chú trọng rèn kỹ năng, làm quen với áp lực phòng thi
Tâm lý chung của học sinh hiện nay thường là rất lo lắng trước những ngày “nước rút” khi kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp diễn ra, nhất là trước ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, giáo viên luôn động viên học sinh vững vàng tâm lý, giúp các em tự tin trước kỳ thi. Việc học là cả quá trình dài, không phải chỉ qua một vài ngày. Trong giai đoạn này, học sinh nên rà soát lại kiến thức môn học, xem bản thân chưa nắm chắc phần kiến thức nào để bổ sung, ôn tập. Ngoài ra, các em nên tránh tâm lý quá tự ti nhưng cũng không nên tự cao quá – gặp câu hỏi dễ thì làm cẩu thả. Khi ôn tập, các em cần phân phối thời gian sao cho hợp lý ở từng câu hỏi trong đề thi, không nên dành quá nhiều thời gian cho 1 câu hỏi nào đó. Các em có thể phân phối thời gian khi giải các đề thi thử, tạo cho mình làm quen với áp lực thời gian, tâm lý khi đi thi. Căng thời gian xem mình làm có kịp hay không, tự chấm điểm xem mình được bao nhiêu để cân đối thời gian phù hợp. Ngoài ra, việc sắp xếp thời gian học tập, nghỉ ngơi cũng phải hợp lý vì nếu sức khỏe không tốt trong giai đoạn nước rút thì có thể ảnh hưởng đến kỳ thi.
Khi đi thi môn toán, các em nên mang theo 2 máy tính đề phòng tình trạng máy hết pin, tiết kiệm thời gian trong giải bài tập. Với những học sinh gặp vấn đề tâm lý, quá hồi hộp khi vào phòng thi thì hãy tập hít sâu, thở nhẹ nhàng. Thời gian 30 phút đầu khi chưa phát đề thi, các em hãy làm tâm lý mình thoải mái, lấy lại bình tĩnh.
Hà Minh Sơn
(giáo viên môn toán
Trường THPT Nguyễn Du, Q.10)
Bình luận (0)