Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Góp ý như thế nào để không bị… xa lánh?

Tạp Chí Giáo Dục

Một thầy giáo tên H. ra  trường  được 3 năm về công tác tại một trường THCS. Năm nào thầy H. cũng trăn trở với những dễ dãi trong thi cử của đội ngũ giám thị và giáo viên đằng sau những lời đao to búa lớn về tính nghiêm túc thi cử và những biện pháp kỷ luật nhưng không thấy thực hiện, ngược lại còn tệ hại hơn.

Và, trong một cuộc họp gần cuối năm sau khi thi học kỳ, thầy H. mạnh dạn phát biểu như sau: “Kính thưa quý thầy cô, tôi về trường công tác tới nay là 3 năm và 6 kỳ thi học kỳ, kỳ thi nào các thầy cô dạy bộ môn cũng gợi ý cho học sinh những câu hỏi khó, cũng có câu hỏi không khó nhưng vì câu hỏi đó không có trong đề cương ôn thi của các thầy cô nên thầy cô đi từng phòng thi “mớm bài” cho học sinh. Tôi nghĩ nên chấm dứt chuyện này, tôi thấy đó không phải là kỳ thi có chất lượng và đánh giá về khả năng học sinh cũng không đúng. Tuy, báo cáo có đẹp nhưng nó không thật và sẽ gây hệ lụy khôn lường cho thế hệ trẻ”. Bạn tôi nói, khi thầy H. phát biểu thế thì nhiều giáo viên khác trố mắt nhìn, một sự ngạc nhiên không hề nhẹ, và có giáo viên kháo nhau là thầy ăn gan hùm hay sao vậy? vì tất cả đều bất ngờ với ý kiến của thầy về một hiện tượng bất bình thường đến độ bình thường trong các kỳ thi học kỳ. Với kỹ năng của hiệu trưởng, ông đã hóa giải rất nhanh sau đó và trả lời ngay rằng: “Cám ơn thầy H. vì sự góp ý thẳng thắn, tôi sẽ kiểm tra cụ thể từng trường hợp và khắc phục trong kỳ thi sắp tới”.

Khi ý kiến của thầy H. nêu lên cả phòng họp hội đồng im lặng một cách đáng sợ. Một chút bối rối trên gương mặt của thầy H. vì khi nói chuyện riêng, nhiều giáo viên đã đồng ý với những bất cập đó, tuy vậy đã không một ai đứng lên ủng hộ. Ai cũng im lặng, không dám nhìn thẳng vào thầy H. Riêng một giáo viên nữ sắp về hưu đứng lên nhẹ nhàng từ tốn phát biểu: “Cái khó là học sinh giờ lười biếng quá, chúng không chịu tư duy, không chịu học bài nên thầy cô có gợi ý nhưng có lẽ chúng ta nên hạn chế chuyện này”.

Tôi hỏi một đồng nghiệp nghĩ gì về ý kiến thầy H. nêu ra. Bạn tôi thở hắt một cái rồi nói rằng: “Nói là dân chủ nhưng dân chủ trong trường học đâu không biết chỉ thấy sau cuộc họp đó thầy H. bị cô lập, nhiều giáo viên nghi ngờ mình sẽ bị thầy H. điểm mặt chỉ tên với cấp cao hơn, cũng như nhiều giáo viên khác ghét vì học sinh họ dạy thêm làm bài không tốt. Những tiếng nói đơn độc như vậy thật quý, song chẳng giải quyết được gì đâu, nên tôi cũng im lặng!”.

Y Hân

Bình luận (0)