Từ lâu, ngành giáo dục đã phát động đổi mới phương pháp dạy và học theo cách tư duy, sáng tạo. Nhưng thực tế trên giảng đường vẫn tồn tại tình trạng đọc – chép.
Bài 1: Thầy vẫn đọc, trò vẫn chép
Trên giảng đường người thầy là “thanh nam châm” để hút sinh viên đến lớp. Thế nhưng hiện nay, cách giảng dạy của không ít giảng viên khiến sinh viên cảm thấy “thà ở nhà đọc giáo trình còn hơn”.
Đảo qua một số lớp tại trường ĐH Kinh tế TP HCM mới thấy, nhiều giáo viên rất giỏi ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Nhưng…
Đổi mới từ “đọc – chép” sang “nhìn – chép”
Vào các giờ lên lớp, giảng viên mở máy, click chuột vào phần bài giảng trên PowerPoint, còn sinh viên cứ việc nhìn và chép lại. Hết giờ thì nghỉ chứ giảng viên cũng chẳng giảng thêm gì. “Những kiến thức đó đều có trong sách, ở nhà đọc cũng được chứ đến lớp chép lại thì vừa không kịp, vừa tốn thời gian”, P.A – một sinh viên của trường bộc bạch.
Cùng tâm trạng với P.A, N.Đ.K, sinh viên ĐH Mở TP HCM, cho biết: “Bài giảng của các thầy cô có sẵn trong máy tính, giờ ra chơi cứ canh thầy cô ra ngoài là mang USB lên copy bài giảng, sau đó về nhà photo ra học. Chỉ ngày nào có kiểm tra giữa kỳ lấy điểm quá trình thì mới đến lớp”. Khi được hỏi học như thế sao hiểu bài, N.Đ.K phân trần: “Có đến lớp thì thầy cô cũng chỉ đọc y chang bài giảng trên PowerPoint chứ đâu có gì khác hơn”.
Trong 6 buổi chúng tôi “mục sở thị” tại các trường ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Khoa học xã hội nhân văn TP HCM, thì có đến 5 buổi, giảng viên chỉ ngồi một chỗ và click chuột. Cá biệt có trường hợp tại lớp NH…, văn bằng 2, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, giảng viên mở PowerPoint cho sinh viên thoải mái chép đến đoạn có ví dụ minh họa. Đến đây, giảng viên này mới loay hoay tìm cách giải bài nhưng… không ra kết quả. Cuối cùng giảng viên “bỏ qua” với lý do “bài này đòi hỏi trình độ cao, tôi có giải các em cũng không hiểu đâu”(!?).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, giảng viên trên vì mượn bài giảng của đồng nghiệp nên mới bị bất ngờ trước bài tập minh họa và không kịp đối phó.
Sinh viên học thụ động
Tuy nhiên, cũng không thể hoàn toàn đổ lỗi cho người dạy trong khi sinh viên quá thụ động trong việc xây dựng bài học. Thực tế tại các giờ học mà phóng viên Đất Việt tham dự, một khi giáo viên yêu cầu cả lớp cùng nhau thảo luận, làm sáng tỏ một vấn đề nào hay giảng viên hỏi về một vấn đề gì của bài giảng, ngay lập tức giảng viên đó nhận được “phản hồi” bằng… một sự im lặng.
Nhận xét về cách học thụ động của sinh viên, tiến sĩ Nguyễn Khánh Vân, giảng viên môn Nguyên lý Cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, đã phải thốt lên tại lớp NT…, ĐH Kinh tế TP HCM: “Trời ơi, sao các em thụ động dữ vậy, các em đòi học tập theo phương pháp mới, đòi phát huy tính năng động, sáng tạo của mình nhưng chính các em không tham gia xây dựng bài thì phát huy tính năng động ở đâu?”.
Cũng có trường hợp khi giáo viên đặt câu hỏi, hầu hết sinh viên đều biết, đều có thể trả lời nhưng ai cũng chọn thái độ im lặng vì “mình không nói thì có người khác nói nên cuối cùng… chẳng ai nói hết”. Và hệ quả của sự im lặng ấy là một không khí học tập thật nặng nề, nhàm chán.
Cô N.T.K.K, giảng viên một trường ĐH, nhận xét “Nhiều khi mình cũng muốn cùng sinh viên mổ xẻ một vấn đề nào đó của bài giảng, thế nhưng khi được hỏi thì các em đều im lặng. Nhiều lần như thế nên bây giờ tôi chỉ nói cho xong, vừa tiết kiệm được thời gian vừa không lo “cháy” giáo án”.
Theo Đất Việt
Bình luận (0)