Năm học 2022-2023, Chương trình GDPT 2018 ở bậc THCS “bước” sang khối lớp 7. Thực tế 2 năm triển khai cho thấy, với các môn học mới là lịch sử – địa lý, khoa học tự nhiên (KHTN), giáo viên đang gặp rất nhiều khó khăn do bản thân xuất phát từ giáo viên đơn môn mà phải phụ trách đa môn.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc thừa nhận khó khăn dạy môn tích hợp là thực tế nhà trường, giáo viên phải đối mặt
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đã có những chia sẻ về thực tế này và các giải pháp giúp giáo viên tích hợp tự tin hơn đứng lớp, đảm bảo mục tiêu Chương trình GDPT 2018.
+ Phóng viên: Ông nhìn nhận thế nào về các khó khăn mà giáo viên dạy môn tích hợp tại TP.HCM đang gặp phải?
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc: Trong Chương trình GDPT 2018, bậc THCS nhằm giúp học sinh củng cố, phát triển những kết quả ở bậc tiểu học, trang bị cho các em những hiểu biết ban đầu về kỹ thuật, hướng nghiệp để tiếp tục ở các bậc học sau.
Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường sư phạm chưa có mã ngành, chưa bắt đầu quá trình đào tạo giáo viên dạy môn KHTN và lịch sử – địa lý. Do vậy, việc sử dụng đội ngũ giáo viên hiện có (giáo viên đơn môn) là một tất yếu. TP.HCM đã cùng ĐH Sài Gòn xây dựng chương trình và triển khai bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu dạy học các môn kể trên.
Tuy nhiên, Chương trình GDPT 2018 đã đặt ra thử thách với đội ngũ buộc thầy cô phải đổi mới. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên dạy môn tích hợp đã quen với cách dạy riêng rẽ từng môn học, theo chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt cũng như phương pháp dạy chủ yếu theo tiếp cận nội dung; Các truờng THCS quen với cung cách quản lý, sinh hoạt chuyên môn theo đơn môn; Cơ sở vật chất của nhiều nhà trường phổ thông còn hạn chế…
Vì vậy, giáo viên dạy các môn này gặp khó khăn và chưa thật sự tự tin trong dạy học là một thực tế mà các trường và thầy cô giáo phải đối mặt. Để có sự phát triển, chúng ta phải chấp nhận có sự thay đổi. Vấn đề đặt ra là khi thay đổi, các trường học và giáo viên nhận thức được các thuận lợi và khó khăn để vượt qua.
+ Theo ông, việc triển khai môn học này ở nhà trường cần thực hiện thế nào?
– Chương trình GDPT 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực, tiếp cận các vần đề mang tính tổng quát, gần gũi hơn với thực tiễn đời sống xã hội. Muốn giải quyết các yêu cầu đặt ra thì phải chọn cách tiếp cận liên môn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Do vậy, đối với việc dạy học không chỉ riêng môn tích hợp mà ở tất cả các môn học cần thay đổi cách tiếp cận, cách tổ chức dạy học cũng như phương pháp dạy học được áp dụng.
Bộ GD-ĐT đã chú ý tập huấn bồi dưỡng theo định hướng đổi mới; các tổ, nhóm chuyên môn phải đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học; tinh thần hợp tác, chia sẻ cần được phát huy.
TP.HCM đã tăng cường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, dạy học tích hợp liên môn, dạy học theo chủ đề đón đầu những thay đổi. Tuy nhiên, chủ thể trong quá trình dạy học là học sinh; chủ thể trong việc tổ chức hoạt động học là giáo viên và yếu tố quản lý, thúc đẩy, tạo điều kiện để việc thay đổi được thực hiện hiệu quả là nhà tổ chức, quản lý trường học. Do vậy, để giải quyết và đảm bảo sự thành công của chương trình, nhất là ở các môn học mới cần phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ.
+ Cụ thể, những giải pháp đó là thế nào, thưa ông?
– Trước hết, người dạy cần ý thức nguy cơ tụt hậu, không đáp ứng được yêu cầu của chương trình, vượt qua “lối mòn” của phương pháp dạy học cũ; chấp nhận thay đổi để tiến bộ.
Nhà quản lý cần xây dựng “không gian” vật lý với trường lớp, phòng học bộ môn, thư viện, SGK, tài liệu tham khảo, không gian tổ chức hoạt động đổi mới dạy học để tạo thuận lợi cho hoạt động dạy học trực tiếp; đầu tư hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống hạ tầng CNTT, xây dựng chính sách hỗ trợ người học, người dạy giúp quá trình dạy học theo định hướng đổi mới được thuận lợi.
Nhất là về phía người học phải chủ động thay đổi, được tạo điều kiện để thay đổi từ việc học theo thầy, cô, dựa vào những kiến thức, kỹ năng do thầy cô cung cấp phải chuyển mạnh sang hướng tăng cường tự học, học theo hướng dẫn, học trên các hệ thống quản lý học tập (LMS), trên tài liệu, SGK, tư liệu, internet, học qua thảo luận, trao đổi.
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Bảo Quốc, để thích nghi cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó giáo viên phải vượt qua lối mòn dạy học cũ…
Ngoài ra, các trường đào tạo sư phạm cần ưu tiên chỉ tiêu cho tuyển sinh, đào tạo giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT 2018; xây dựng thêm các chuyên đề bồi dưỡng, nội dung bồi dưỡng thường xuyên giúp giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Bên cạnh đó, còn là sự hỗ trợ đồng hành của phụ huynh, xã hội.
+ Riêng môn KHTN, giáo viên đánh giá là khó. Vậy theo ông, để triển khai hiệu quả đến học sinh thì nhà trường, giáo viên phải làm gì?
– Giáo viên, cán bộ quản lý cần thay đổi nhận thức về ý nghĩa của dạy học môn KHTN, vận dụng một số kỹ thuật và phương pháp dạy học để bảo đảm yêu cầu của dạy học môn KHTN.
Dạy KHTN chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học tích cực. Các hoạt động học tập của học sinh chủ yếu là học tập chủ động, tích cực chiếm lĩnh tri thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên, được tổ chức trong và ngoài khuôn viên nhà trường, thông qua một số phương pháp dạy học chủ yếu: tìm tòi, khám phá; phát hiện và giải quyết vấn đề; dạy học theo dự án; bài tập tình huống; dạy học thực hành và thực hiện bài tập, tự học…
Giáo viên cần nhấn mạnh hơn tới dạy học thông qua các bài thực hành thí nghiệm và khảo sát thực tế; dạy học dự án, tìm hiểu các vấn đề KHTN trong thực tiễn; dạy học bằng các bài tập tình huống trong thực tiễn đời sống, thông qua thực hành trong phòng thí nghiệm, ngoài thực địa, sử dụng các thí nghiệm ảo, tham quan các cơ sở khoa học, cơ sở sản xuất, thông qua chuỗi hoạt động tìm tòi, khám phá, thực hành thí nghiệm trải nghiệm trong môi trường tự nhiên, thực tiễn…
Nhà trường cần xác định lộ trình riêng về bồi dưỡng, phân công giáo viên, bổ sung phòng học và thiết bị dạy học, liên kết với các đơn vị phối hợp… để tổ chức cho học sinh trải nghiệm. Tiến hành các biện pháp hỗ trợ giáo viên như bồi dưỡng, tự bồi dưỡng trang bị cho giáo viên kiến thức và khả năng vận dụng tổng hợp các kiến thức có liên quan; dự giờ, sinh hoạt chuyên môn, trao đổi, thiết kế các chủ đề tích hợp, qua đó phát triển năng lực dạy học tích hợp…
+ Xin cảm ơn ông!
Đỗ Yến (thực hiện)
Bình luận (0)