Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Bi kịch của học sinh hư

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Một phút bồng bột, hiếu thắng, nhiều thanh thiếu niên bỏ dở chuyện học hành để lao vào các cuộc chơi. Đến khi biết mình sai, muốn làm lại, nhưng gia đình lại không đồng cảm khiến họ ngày càng lún sâu.
Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều trường hợp như vậy. Có bạn luôn khao khát được làm lại, có bạn buông xuôi vì gia đình không cảm thông, chia sẻ…
Tuyệt vọng vì bố mẹ quay lưng
Sau khi thi đỗ ngành tiếp viên, Học viện Hàng không Việt Nam, L., 24 tuổi, ngụ Q.Tân Bình (TPHCM), dần lơi là học tập rồi bị cuốn theo các cuộc ăn chơi với bạn bè. Thấy con có dấu hiệu sa ngã, gia đình L. đã quản thúc chặt mọi hoạt động của cô.
Nhưng trước “hàng rào” gia đình, L. trở nên mánh khóe hơn, luôn nói dối, ăn cắp tiền của cha mẹ để ăn chơi, đi bụi cả tháng trời. Hết tiền, không còn bạn bè, L. quay về gia đình nhưng vấp phải sự cảnh giác cao độ của cha mẹ.
“Ba mẹ tìm mọi cách “thao túng” em, nhốt em vào phòng. Mỗi khi đi làm, ba mẹ em đều khoá cửa ngoài. Họ không hề tin em, không hề nghe em nói. Giờ em muốn làm lại cuộc đời cũng không được”, L. nói. Quá tuyệt vọng trong cảnh tù túng, một ngày, L. nhảy từ lan can lầu 1 xuống đất. Theo lời L., hành động này là để “trả đũa” ba mẹ. Kết quả là L. bị gãy xương đùi trái và phải nẹp bằng inox bên trong. “Em mất lòng tin thật sự. Giờ em chỉ muốn chết hoặc đi đâu thật xa”, L. tâm sự.
Bác sĩ Phạm Văn Trụ, Phó giám đốc BV Tâm Thần TPHCM, nhận định: Trường hợp của L. là biểu hiện của rối loạn hành vi do ức chế tâm lý trong thời gian dài. Để giải quyết vấn đề này, gia đình nên nới lỏng việc quản thúc. Theo BS Trụ, các ca tự tử do gia đình quản thúc quá chặt, không tạo cơ hội cho các em làm lại cuộc đời không phải ít. Sự quản lý con em khỏi bạn bè xấu rủ rê “ngựa quen đường cũ” là tốt, song cũng cần phải có biện pháp thích hợp, đặc biệt phải tôn trọng, cảm thông, chia sẻ với các em.
Chia sẻ để “ngựa chứng” quay về
Sự chia sẻ kịp thời của các phụ huynh đối với những đứa con “hư hỏng” sẽ mang lại tác dụng tức thì. Điển hình như trường hợp của Nguyễn Hùng M., ngụ Tây Ninh, SV năm 3 trường ĐH Bình Dương. Trước đây, do bị bạn rủ rê nên M. lao vào bài bạc đến mức mất hết tiền học phí (hơn 6 triệu đồng). M. phải đem cầm cả máy tính xách tay, bán xe máy của gia đình mua cho. Chưa hết, M. còn thường xuyên nói dối gia đình để xin tiền học Anh văn, vi tính… “Dần em nhận ra lỗi lầm của mình. Cũng may, sau khi nhận lỗi, em được gia đình tha thứ”, M. cho biết.
Theo ThS Nguyễn Ngọc Tài, Viện nghiên cứu giáo dục, Chuyên gia tư vấn tâm lý của tổng đài 1080, các em trong độ tuổi đi học thường hiếu kỳ, hiếu thắng, muốn chơi cho biết hoặc muốn khẳng định mình “sành đời” nên vấp ngã. Khi biết nhận lỗi, chắc chắc các em sẽ còn cứu vãn và thay đổi được. Do vậy, gia đình cần lắng nghe, chia sẻ cảm thông với các em. Nếu không được tha thứ, bao dung, các em dễ kích động hơn và có thể dẫn đến tình huống xấu hơn như: bỏ nhà đi bụi, nghiện ma tuý, cướp giật, mại dâm.
Theo Thoại Văn
Đất Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)