“Bị cáo” B cúi đầu khai nhận hành vi của mình trước Hội đồng xét xử ngày 6-12 tại Trường THPT Trần Khai Nguyên |
Phiên tòa đông nghẹt người. Cả nạn nhân lẫn bị cáo đều là học sinh (HS) cùng trường và cùng độ tuổi. Do mâu thuẫn từ việc va chạm xe, HS A đã có những lời lẽ xúc phạm HS B. Bức xúc trước hành động đó, B đã rủ bạn thân của mình bày kế hoạch trả thù. Sáng hôm sau, B và bạn mình đã “dằn mặt” A tại cổng trường. Tại đây, B đã dùng dao đâm một nhát vào bụng A khiến A phải vào bệnh viện cấp cứu. Sau khi ra viện, tỉ lệ thương tật vĩnh viễn của A là 34%. Hai bị cáo B và người bạn phải ra hầu tòa, chịu hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.
Đó là toàn bộ nội dung vụ án nằm trong phiên tòa giả định do nhóm sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM vừa thực hiện tại sân Trường THPT Trần Khai Nguyên. Đây là chương trình được liên kết thực hiện giữa CLB Phiên tòa tập sự với các trường THPT trên địa bàn thành phố. Nội dung các vụ án chủ yếu xoay quanh các vấn đề mà tuổi học trò thường hay gặp phải như bạo lực học đường, tai nạn giao thông, ma túy… Tùy theo yêu cầu của mỗi trường mà CLB có những “kịch bản” khác nhau. Riêng tại Trường THPT Trần Khai Nguyên, do nằm ở địa bàn phức tạp, thêm những vụ bạo lực giữa HS liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây với mức độ ngày càng nguy hiểm nên BGH đã gợi ý tổ chức một vụ án về bạo lực học đường. Các thủ tục, thành phần tham dự có mặt đầy đủ như một phiên tòa thật sự. Tham dự buổi sinh hoạt chào cờ hôm ấy, HS không chỉ biết thêm về quy trình tổ chức một phiên tòa mà còn được tác động bởi những tình tiết, mức độ vi phạm, mức án dành cho các bị cáo. “Từ trước đến giờ em chưa tham dự một phiên tòa nào cả. Do đó khi dự phiên tòa giả định này, em đã hiểu thêm về một hình thức tổ chức mang tính pháp luật. Đồng thời, chúng em cũng ý thức hơn về hành động của mình và hiểu rằng, khi làm gì cũng cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng. Đừng vì một phút nông nổi mà đánh mất bản thân, đánh mất tương lai và để lại hậu quả khó lường về sau”, Tăng Thùy Phong, HS lớp 12A20 chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Yến Trinh, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết ở tuổi vị thành niên, các em HS chưa ổn định về mặt tâm lý, chưa ý thức được việc làm của mình nên thường xảy ra những sự việc đáng tiếc. Để ngăn chặn điều đó, nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền pháp luật, phối hợp chặt chẽ với đội ngũ cán bộ lớp, công an, dân quân khu vực. “Chúng tôi muốn xây dựng một chương trình pháp luật mang tính thực tế để răn đe, giáo dục HS về pháp luật một cách hiệu quả nhất. Sắp tới, nhà trường sẽ phối hợp với CLB tổ chức “kịch đối thoại” về các vụ việc vi phạm trong cuộc sống cho HS xem. Vở kịch này không có kết thúc mà bỏ ngỏ phần kết để HS tự hình dung và phán quyết các vụ án này”, cô Yến Trinh cho biết.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)