Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cùng khắc phục bạo lực học đường

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bạo lực học đường đang báo động về tình trạng suy giảm đạo đức trong học sinh. Phải làm gì để ngăn chặn và hạn chế?

Ảnh minh họa.
Nguyên nhân
Về mặt chủ quan: Lứa tuổi thanh thiếu niên rất muốn thể hiện cái tôi, muốn được người khác tôn trọng. Những em học giỏi, ngoan ngoãn sẽ luôn cảm thấy tự hào về bản thân với lời khen của thầy cô, nể trọng của mọi người xung quanh. Còn đối với những em cá biệt, lười học, học yếu lại muốn thể hiện mình qua các sự việc tạm gọi là scandal. Nếu người có trách nhiệm không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tất yếu dẫn đến nhiều vụ việc đáng tiếc.
Đây là lứa tuổi các em muốn tự giải quyết một cách độc lập công việc, để tự khẳng định mình, không cần sự giúp đỡ của người lớn. Đặc điểm này là điều tốt giúp các em vững vàng, tự tin trong cuộc sống. Ngược lại, nếu các em không ý thức được hành vi của mình, dễ dẫn đến hành động sai trái, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội.
Về mặt khách quan: Xã hội phát triển, bên cạnh những điểm tích cực cũng kéo theo nhiều hệ lụy tác động đến các tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt, đối tượng dễ bị tác động nhất là thế hệ trẻ trong đó tuổi teen là thành phần dễ bị cuốn theo các hình ảnh, trò chơi bạo lực. Bên cạnh đó, tận mắt chứng kiến những vụ cãi vã, đánh nhau… từ cuộc sống cũng tác động tiêu cực đến các em. Điều này làm nhiều em quá quen thuộc với những hình ảnh bạo lực và không coi đó là vấn đề bị xã hội lên án.
Giải pháp
Để giải quyết vấn đề này, cần có sự phối hợp giáo dục đồng bộ của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Đây là những lực lượng có vai trò quan trọng đối với việc hình thành chuẩn mực đạo đức của con em mình.
Về phía gia đình: Kinh tế thị trường ảnh hưởng lớn đến việc dạy dỗ con em. Do vậy, các thành viên trong gia đình cần dành nhiều thời gian chăm sóc và giáo dục con em. Gia đình phải thực sự là tổ ấm trong đời sống tinh thần và vật chất của trẻ.
Trẻ càng lớn, học lớp càng cao thì phụ huynh càng phải trở thành những người bạn thân thiết để chia sẻ, khuyên bảo khi chúng có biểu hiện căng thẳng, sai lệch trong hành vi. Mọi thành viên trong gia đình phải là tấm gương đạo đức tốt về lối sống, tác phong, tình đoàn kết gắn bó thương yêu nhau thì con em họ khó có thể giải quyết công việc bằng bạo lực.
Về phía nhà trường: Xác định nội dung giáo dục và đổi mới các phương pháp giáo dục đạo đức cho phù hợp với đặc điểm sinh lý lứa tuổi. Chẳng hạn, với học sinh tiểu học, cần giáo dục cho trẻ đức tính lễ phép, thật thà, khiêm tốn. Với học sinh bậc trung học, đây là lứa tuổi có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý, do vậy cần tăng cường dạy kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử.
Về phía xã hội: Tổ chức tuyên truyền giáo dục, xây dựng và hình thành cho con em mình ý thức về nét đẹp học đường, truyền thống đạo đức dân tộc. Triển khai và thực hiện có chất lượng cuộc vận động Xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực và thầy cô giáo mẫu mực. Nhanh chóng có biện pháp hạn chế và loại bỏ những hình ảnh, trò chơi bạo lực đang phổ biến hiện nay. Tổ chức xây dựng nhiều chương trình, sân chơi bổ ích thu hút các em tham gia một cách tích cực, là con đường giáo dục mang lại hiệu quả nếu chúng ta biết khai thác hợp lý.
Có thể khẳng định, giải quyết vấn đề bạo lực học đường đang được nhiều tầng lớp trong xã hội quan tâm không phải là nhiệm vụ riêng của bất cứ lực lượng nào mà cần có sự phối hợp đồng bộ, trong đó giáo dục gia đình phải là trung tâm của mọi sự tác động. Điều này đã được chứng minh, gia đình nào có sự chăm sóc, giáo dục chu đáo thì con em họ sẽ đạt được sự phát triển đúng hướng theo chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội.
Đậu Văn Tân
Giảng viên Tâm lý giáo dục-Trường Sỹ quan Lục quân 2
Tiền Phong

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)