Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

30 năm dạy ngoại ngữ miễn phí

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ông Phạm Hữu Nệ, 75 tuổi, người dạy tiếng Anh, Nga miễn phí ở làng Tân An, xã Quảng Thanh, H.Quảng Trạch (Quảng Bình) suốt 3 thập niên nhưng chưa hề trải qua một lớp nghiệp vụ sư phạm nào.

Ông kể: “Trước Cách mạng Tháng Tám tôi là học sinh, sau đó học cấp 2 trường Roòn, tham gia dạy bình dân học vụ, liên lạc cho thôn đội chiến đấu. Cuối năm 1954, tôi ra Hà Nội học theo chính sách con em cán bộ. Lúc ấy tôi đọc các tài liệu của Nga, sau đó do đam mê, tôi học thêm tiếng Anh”. Học xong ông Nệ làm ở Tổng công ty xăng dầu thuộc Bộ Vật tư (cũ). Trong thời gian này, ông thường xuyên đi biệt phái xây dựng ngành xăng dầu ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An… với những công việc cụ thể như bàn giao, đào tạo kế toán viên, thống kê…
Ở tuổi 75, ông Nệ vẫn say sưa truyền đạt kiến thức cho thế hệ trẻ – Ảnh: T.Q.Nam
Sau khi chuyển công tác qua nhiều đơn vị khác nhau trong Bộ, ông trở về Quảng Bình làm ở một xí nghiệp đồ gỗ. Đầu năm 1982 ông xin nghỉ với tâm niệm: bôn ba đây đó nhiều rồi, giờ phải về gần với vợ con. Về quê, ông trở thành người nông dân, chăm chỉ cày cấy kiếm gạo, cơm.
Với vốn kiến thức có được, ông dạy con cháu trong nhà học. Ban đầu là học tiếng Nga. Đám bạn của con, cháu ông thấy thế cũng tới xin học nhờ. Ai đến xin ông đều nhận. Về sau, tiếng Anh dần dà thay thế tiếng Nga trong các trường học. Lúc này, vốn liếng tiếng Anh tự học trước đó của ông lại phát huy tác dụng. Hỏi về giáo trình giảng dạy, ông hóm hỉnh nói: “Giáo trình đa dạng, theo yêu cầu của người học”. Hỏi ông đã dạy khoảng bao nhiêu người, ông bảo: “Một nghìn chưa đến nhưng cũng vài trăm đấy. Ngày học 4 kíp, sáng trưa chiều tối. Bây giờ có cô thầy rồi, những đứa nào giỏi, đam mê thì mình tập trung bồi dưỡng. Nghỉ hè đứa nào thích mình dạy cho nó”.
Thế nhưng chưa bao giờ ông lấy học phí của bất cứ người nào. “Nhiều người đưa tiền cho vợ tôi nhưng bà trả lại hết. Các cháu lên cấp 3 hay cán bộ mà đến học thêm là mình mừng rồi, động viên nó học, mình giúp được gì, đó là cái chính”. Bà Lê Thị Cúc, vợ của ông, nay cũng đã 70 tuổi, nói: “Tiền bạc chi chú, giàu mấy cũng thế, sống đủ ăn qua ngày là được rồi. Mấy đứa ham học là vợ chồng tôi mừng lắm, nó như con cháu mình mà”.
Hiện ông đang bồi dưỡng cho 11 học sinh lớp 12, các em này đều có học lực khá giỏi và theo học ông Nệ từ năm lớp 6. Trước giờ lên lớp, ông tỉ mỉ đọc lại tài liệu, dò từ trong một trang báo nước ngoài. Giờ học diễn ra say sưa, hấp dẫn từ đầu đến cuối. Khi giảng bài, giọng ông to, rõ và ấm.
Trương Quang Nam/ TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)