Việc tổ chức các tiết học ngoại khóa cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế gắn với các di tích lịch sử của địa phương thời gian qua tại TP.Đà Nẵng được xem là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương. Đó cũng là cách để “đánh thức” tiềm năng của các di tích lịch sử.
Học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn tham quan tại địa điểm chiến thắng Gò Hà (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang)
Những năm gần đây, tại Trường THCS Nguyễn Phú Hường (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng), có nhiều hoạt động chú trọng đến công tác dạy học lịch sử thông qua hoạt động trải nghiệm thực tế kết hợp với giáo dục kỹ năng sống. Theo nhìn nhận của Ban Giám hiệu nhà trường, khi các em được đến các địa chỉ thực tế, tìm hiểu về mảnh đất mình được sinh ra và lớn lên, về nơi mà ông bà, cha mẹ mình sinh cơ, lập nghiệp và nơi những thế hệ đi trước từng ngã xuống để bảo vệ bình yên cho quê hương thì đó là cách học lịch sử tốt nhất.
Sau chuyến tham quan học tập, trải nghiệm của học sinh, Ban Giám hiệu Trường THCS Trần Quốc Tuấn (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) cho biết, đây là tiết học ý nghĩa, được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, đạo lý, lý tưởng cách mạng và tình đoàn kết; giữ gìn và phát huy bản sắc, văn hóa độc đáo của các di tích lịch sử trên địa bàn. Đồng thời, thực hiện đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Dạy học tích hợp liên môn, dạy học theo chủ đề, dạy học STEM và dạy học gắn với di sản.
Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết: “Trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông đã có nội dung trải nghiệm thực tế, thời gian tới ngành giáo dục huyện tiếp tục tổ chức các hoạt động đưa các em học sinh về tìm hiểu lịch sử địa phương. Nhằm giúp học sinh hiểu rõ về quá khứ hào hùng, cảm nhận những gian khổ, hy sinh của các bậc cha anh đã đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập cho dân tộc”. Cũng theo ông Hoàng, các trường học sẽ có nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo để truyền tải những kiến thức cơ bản liên quan đến di tích huyện Hòa Vang. Đây không chỉ là văn hóa mà còn cả về hướng nghiệp, phát triển kinh tế địa phương.
Học sinh dâng hương và tham quan di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ ở xã Hòa Khương
Theo thống kê, huyện Hòa Vang có tổng cộng 33 di tích lịch sử – văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật được xếp hạng. Trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 27 di tích cấp thành phố. Mỗi di tích là một câu chuyện về những chiến công của quân và dân Hòa Vang trong quá trình chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm và nỗ lực xây dựng quê hương giàu đẹp. Để nâng cao giá trị di tích cũng như giáo dục truyền thống một cách hiệu quả, Sở GD-ĐT, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch TP.Đà Nẵng đã cùng ký kết hợp tác đưa di tích của huyện Hòa Vang trở thành sản phẩm du lịch, giáo dục. Sở Du lịch Đà Nẵng chịu trách nhiệm tổ chức cho các doanh nghiệp lữ hành nghiên cứu, khảo sát, khai thác giá trị các di tích văn hóa, lịch sử gắn với điểm du lịch văn hóa, sinh thái, cộng đồng tại Hòa Vang để xây dựng các sản phẩm du lịch. Hỗ trợ, tư vấn huyện Hòa Vang trong các hoạt động phát triển du lịch văn hóa, di tích, các điểm đến sinh thái, cộng đồng của huyện Hòa Vang. Đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương về hoạt động du lịch sinh thái, cộng đồng du lịch nông thôn…
Đặc biệt, đối với lĩnh vực giáo dục, cơ quan chuyên môn huyện Hòa Vang cung cấp thông tin hệ thống di tích cho các trường học khi tổ chức hoạt động ngoại khóa như: Căn cứ cách mạng Huyện ủy Hòa Vang, Địa điểm chiến thắng Gò Hà, Văn Chỉ La Châu, địa điểm thành lập di tích Chi bộ Phổ Lỗ Sỹ… Đồng thời kết nối các điểm du lịch để học sinh tham gia hình thức “học và chơi, chơi mà học” giúp các em mở rộng kiến thức, đoàn kết tương trợ và bồi đắp kỹ năng sống, bồi dưỡng và giáo dục tình yêu quê hương, đất nước.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đánh giá, thành phố nên tổ chức những tour du lịch học đường, du lịch về nguồn cho học sinh, sinh viên đến với các di tích tại huyện Hòa Vang và kết hợp một số địa điểm khác. Hiệp hội sẵn sàng phối hợp với Sở GD-ĐT, Huyện ủy Hòa Vang bắt tay làm một sản phẩm. Đồng thời đơn vị có thể chỉ định một số công ty du lịch và kêu gọi các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hỗ trợ về chi phí, xe cộ… Cần một cái bắt tay thật chặt thì mọi việc sẽ làm được. Tuy nhiên, cần phải xây dựng tuyến du lịch cụ thể với điều kiện địa phương và các sở ngành hỗ trợ.
Với việc các trường học thiết kế hành trình cho học sinh tham quan, học tập từ: Di tích lịch sử văn hóa đến tâm linh, các làng nghề và cuối cùng thưởng thức các đặc sản đã tạo hứng thú trong các tiết học, tạo sự chuyển biến về ý thức và hành vi của học sinh trước các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống. Sự háo hức này là tín hiệu đáng mừng, cho thấy học sinh không “quay lưng” với lịch sử.
Hàn Giang
Bình luận (0)