Trước chủ trương các trường THPT chuyên sẽ dạy các môn Toán, Tin học bằng tiếng Anh vào năm 2015, thái độ đón nhận của các trường khác nhau dù đều cho đây là một chủ trương được phụ huynh học sinh đón đợi.
Học sinh nhiều trường chuyên có thể được học các môn Toán, Tin học bằng tiếng Anh từ học kỳ II. Ảnh: Hồng Vĩnh. |
Muốn được thí điểm
Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) hưởng ứng đầy hào hứng. Hiệu trưởng Đậu Văn Mùi nói: “Nghệ An đã xây dựng đề án nâng cao năng lực dạy học ngoại ngữ cho tỉnh nhà. Mong mỏi của Nghệ An là được Bộ GD&ĐT cho Trường Phan Bội Châu thực hiện thí điểm dạy một số môn bằng tiếng Anh”.
Nếu Bộ cho phép, từ học kỳ II năm học này, Trường Phan Bội Châu sẽ bắt đầu dạy bằng tiếng Anh các môn Toán, Lý ở một vài lớp 10 (ưu tiên lớp chuyên). Về giáo viên, trường sẽ khai thác từ nguồn sẵn có gồm giáo viên có trình độ tiến sĩ, đang theo học tiếng Anh trình độ đại học (văn bằng hai). Về học sinh, hiện nay, ngoài việc theo học 3 tiết/tuần môn tiếng Anh chính khoá, các em được học thêm ngoại ngữ vào buổi chiều (3 tiếng). Buổi học thêm, các em được chia thành hai nhóm trình độ để theo học.
“Khó khăn với những trường muốn được làm trước là chưa có chương trình. Trước mắt, trường tôi khắc phục điểm yếu này bằng cách nhờ học sinh cũ đang ở nước ngoài gửi chương trình của bạn về để tham khảo. Chúng tôi sẽ so sánh chương trình rồi tìm ra điểm chung để dạy cho học sinh”, ông Mùi cho biết.
Theo ông Mùi, kế hoạch dạy một số môn bằng tiếng Anh cho học sinh dễ thành công trước hết nhờ vào sự hưởng ứng của học sinh, phụ huynh. Nhu cầu du học hiện nay trong học sinh, đặc biệt với diện học sinh khá, giỏi là rất lớn trong khi khả năng giao tiếp tiếng Anh lại là một cản trở đáng kể. “Được giao nhiệm vụ trong trạng thái tay không bắt giặc nhưng chúng tôi sẵn lòng. Chúng tôi xác định, đã là người đi trước thì sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhưng sẽ gỡ dần”, ông Mùi nói.
Học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Ảnh: Quý Hiên. |
E ngại
Phần lớn hiệu trưởng các trường chuyên cho rằng nếu thực hiện kế hoạch dạy một số môn học bằng tiếng Anh trong nhà trường, họ sẽ nhận được sự ủng hộ của đa số phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, theo nhiều hiệu trưởng, điều cốt lõi mà phụ huynh hướng tới là làm sao con em họ được học chương trình các môn khoa học tự nhiên hiện hành cộng thêm việc dạy học ngoại ngữ chất lượng tốt.
“Không phải tất cả phụ huynh đều có mục tiêu cho con em mình đi du học. Theo họ, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là đỗ đại học”, ông Đỗ Bá Khôi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhận xét.
Trường Hà Nội – Amsterdam là nơi Bộ GD&ĐT kỳ vọng sẽ xây dựng được một mô hình thí điểm dạy học các môn học bằng tiếng Anh cho cả nước học tập. Lãnh đạo nhà trường cho biết, trường từ lâu đã có chủ trương dạy học các môn học bằng tiếng Anh và ngay bây giờ, trường có thể tổ chức dạy được luôn.
Tuy nhiên, nói về kế hoạch này, một lãnh đạo trường Hà Nội – Amsterdam lại có phần dè dặt: “Theo tôi, chỉ nên dạy một số tiết chứ không phải tất cả một môn nào đó bằng tiếng Anh. Nếu dạy cả một môn bằng tiếng Anh thì chương trình mà học sinh được học sẽ khác với chương trình hiện hành. Như thế phụ huynh sẽ lo lắng bởi nếu học hai chương trình song song thì con họ phải học quá tải, nếu chỉ một chương trình theo chương trình tiếng Anh thì họ sợ con họ không đáp ứng được kỳ thi đại học”.
Ông Cao Xuân Hùng, Hiệu trưởng Trường chuyên là THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) cũng tỏ ra thận trọng trước chủ trương dạy học bằng tiếng Anh. Ông Hùng nói: “Quan điểm của tôi là không cầu toàn. Không phải bỗng chốc mà dạy ngay được, cần phải có thời gian để giáo viên chuẩn bị. Có thể dạy dần dần từng tiết, từng phần. Dạy bằng tiếng Việt các em chưa chắc đã hiểu hết, giờ đặt vấn đề dạy cả một môn bằng tiếng Anh, tôi e hơi vội vã”.
Trường Lê Hồng Phong đã giao nhiệm vụ rèn luyện tiếng Anh cho một số giáo viên nòng cốt. Theo ông Hùng, giáo viên vẫn thường xuyên đọc tài liệu bộ môn mình bằng tiếng Anh, khả năng đọc hiểu của họ tốt đã nắm được, các thuật ngữ chuyên ngành. Vấn đề làm sao để thầy nói được, và học sinh nghe, hiểu được những kiến thức của bài học trong một tiết dạy.
"Kế hoạch nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh trong trường chuyên chỉ là một phần nhỏ trong việc triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020. Theo quan điểm mà Bộ GD&ĐT đưa ra, tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ cơ bản để dạy trong các cơ sở giáo dục. Những nơi nào có nhu cầu, có khả năng về điều kiện cơ sở vật chất cũng như nguồn lực giáo viên thì dạy học một số môn bằng tiếng Anh như giải pháp giúp học sinh – sinh viên nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Chúng ta có lộ trình 10 năm thực hiện đề án và giờ là thời điểm bắt đầu, nên quá sớm để nói có làm được hay không. Theo tôi, cũng không cần phải vội vàng vì điều đó sẽ phá hỏng chương trình.
Về việc thí điểm, không phải thích là được, phải có điều kiện đảm bảo chất lượng như giáo viên đủ trình độ dạy học, học sinh đủ khả năng tiếp thu bài học bằng tiếng Anh. Với những nơi xin thí điểm, Bộ sẽ kiểm tra trình độ tiếng Anh của giáo viên ở nơi đó.
Mặt khác, học sinh của những nơi thực hiện thí điểm phải được chuẩn bị về khả năng nghe hiểu tiếng Anh." – Ông Nguyễn Ngọc Hùng, chuyên gia của Ban chỉ đạo triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, Bộ GD&ĐT.
|
Quý Hiên / TPO
Bình luận (0)