Thời gian qua, tình trạng thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất diễn ra thường xuyên khiến đời sống của công nhân khó khăn, thu nhập giảm sút. Bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền, những gia đình có con sắp vào năm học mới còn phải lo thêm tiền học phí, sách vở và nhiều thứ khác.
Chị Phạm Thị Nguyện (công nhân Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, Q.6) xem con trai ôn lại bài vở để vào năm học mới
Nhiều thứ phải chi
Những ngày này, gia đình chị Phạm Thị Nguyện (công nhân Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tiên, Q.6) vô cùng lo lắng vì phải lo tiền cho con vào năm học mới.
Chị Nguyện cho biết, chị quê ở Vĩnh Long lên TP.HCM làm công nhân được 20 năm. Chị có một đứa con trai năm nay lên lớp 5 Trường Tiểu học Phạm Văn Chí (Q.6). Những năm trước, công việc của hai vợ chồng ổn định. Chị làm công nhân nhưng được tăng ca, lại thêm đầy đủ phúc lợi xã hội nên lương một tháng tầm 13-14 triệu đồng. Trong khi đó, dù chồng chị làm việc tự do nhưng nguồn thu đều. Tính tổng thu nhập của hai vợ chồng hơn 20 triệu đồng/tháng. Trừ tiền thuê trọ, ăn xài thì gia đình chị vẫn tiết kiệm được một khoản để dành. Tuy nhiên, gần 1 năm nay, công việc của chị Nguyện và chồng gặp khó khăn. “Hiện tại một tháng tôi làm có tầm 20 ngày, thu nhập còn từ 4 đến 4,5 triệu đồng/tháng. Còn chồng thì cũng bấp bênh, do không có việc nên anh được cho nghỉ khá nhiều. Thu nhập của hai vợ chồng hiện tại tầm 10-12 triệu đồng/tháng. Chi tiền trọ, điện nước, tiền này kia chỉ vừa đủ chứ không còn dư giả như trước kia”, chị Nguyện tâm sự.
Theo chị Nguyện, hiện tại tình hình kinh tế khá khó khăn, công ty không có hàng nên không còn nhiều việc, không được tăng ca. “Không chỉ riêng tôi mà đây là tình hình chung. Tôi có một đứa con còn đỡ, những công nhân khác 2-3 đứa con. Họ không chỉ xoay xở cho gia đình nhỏ ở TP.HCM mà còn gửi tiền về quê nuôi con, lo cha mẹ già rất khổ”, chị Nguyện cho biết.
Dù ngày 5-9 là ngày tựu trường của con nhưng hiện tại chị Nguyện mới sắm được cho con bộ sách giáo khoa. “Năm nay không biết học phí đóng bao nhiêu, ngoài ra còn đóng thêm khoản nào nữa không? Bé mới có được bộ sách, còn quần áo, giày dép, cặp tận dụng lại đồ cũ của năm ngoái. Thấy con dùng đồ cũ tôi cũng xót nhưng còn bao thứ tiền phải chi, tính sơ cũng mấy triệu đồng cho đầu năm học này nên hai mẹ con đành phải chịu khó. Khi nào mẹ làm ăn ổn định trở lại có tiền sẽ mua đồ mới cho con”, chị Nguyện vỗ vai con trai an ủi.
Vay mượn từ đồng nghiệp
Hoàn cảnh của gia đình anh Lê Đức Thắng (tài xế Công ty Taisho) và chị Nguyễn Thị Cẩm Thi (công nhân Công ty Showal Việt Nam) cũng tương tự. Hai vợ chồng anh chị quê ở An Giang, lên TP.HCM hơn 10 năm. Hiện tại anh và chị đang thuê trọ và làm việc ở Q.7. Anh chị có 2 đứa con (một đứa lớp 7 học ở quê, một đứa sắp vào mẫu giáo ở cùng với anh chị).
Năm học mới này, anh Thắng và chị Thi phải trang trải tiền học cho hai đứa con. “Đứa lớn học ở quê học phí cỡ 1 triệu đồng. Năm nay bé lớn nên quần áo cũ đã chật nên phải sắm mới. Còn đứa nhỏ chuẩn bị vào mẫu giáo cũng phải lo quần áo, tiền ăn, học. Chi phí cho hai đứa con tính cho đầu năm đã mấy triệu đồng, chưa kể khi vào học chính thức còn những khoản lặt vặt”, chị Thi chia sẻ.
Đa phần công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP.HCM đều từ tỉnh lên làm ăn. Họ là những người có kinh nghiệm làm việc với thâm niên hàng chục năm. Tuy nhiên họ vẫn phải chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn, công ty không có đơn đặt hàng. Không có nhà, họ phải đóng tiền trọ và bao thứ tiền khác. Năm học mới bắt đầu cũng là lúc những công nhân này đầy lo lắng. Dù phải gánh nặng tiền học phí, sách vở cho con nhưng họ vẫn cố gắng để con được đến trường để sau này có cuộc sống tốt hơn, không phải đi làm công nhân thu nhập bấp bênh như họ. |
Trước đây, anh Thắng làm tài xế với mức lương từ 12-15 triệu đồng/tháng, còn vợ làm công nhân, được tăng ca, tiền trợ cấp cũng được 12-13 triệu đồng/tháng. Với mức thu nhập này hai vợ chồng sống thoải mái, lo cho hai con được đầy đủ đôi lúc còn gửi cha mẹ hai bên một ít. Tuy nhiên, cùng với “làn sóng” ít đơn đặt hàng, giảm việc khiến nơi làm việc của hai anh chị cũng vì thế mà khó khăn. “Hiện tại thu nhập của tôi còn 8-9 triệu đồng, còn vợ nhiều tháng nay không được tăng ca nên được 7-8 triệu đồng/tháng. Ở quê nghĩ thu nhập vậy là cao nhưng so với mức sống ở TP.HCM thì không đủ vì phải trả tiền trọ, tiền điện nước, ăn uống, tiền con đi học… đủ thứ nên chắt chiu lắm mới đủ”, anh Thắng bộc bạch.
Gia đình anh Lê Đức Thắng (tài xế Công ty Taisho) và chị Nguyễn Thị Cẩm Thi (công nhân Công ty Showal Việt Nam) khá “đau đầu” khi con vào năm học mới
Trong khi đó, chị Trần Kiều Hoa (công nhân Công ty CP May Sài Gòn 3 (TP.Thủ Đức) cũng lo lắng về chi phí học tập của hai con nhỏ (một đứa lớp 3, một đứa lớp 5). Chị Hoa chia sẻ, công ty gặp khó khăn về đơn hàng nên chị gần như không tăng ca, thu nhập mỗi tháng chưa đến 8 triệu đồng. Khoản thu nhập ít ỏi đó vừa để lo cho ba mẹ con vừa phải phụ giúp cha mẹ già ở quê (Cà Mau), cuộc sống của chị chật vật đủ đường. “Trước đây, một tuần tôi tăng ca đến 4-5 buổi nhưng với tình hình của công ty hiện tại tuần nào làm đủ ngày là mừng, đôi khi không có việc chỉ làm được 3-4 ngày/tuần. Từ thu nhập hơn 15 triệu đồng/tháng giờ giảm một nửa. Tiền ăn, tiền trọ, tiền điện hằng tháng khiến số thu nhập kiếm được chỉ vừa đủ xoay xở cho cuộc sống hằng ngày”, chị Hoa cho biết.
Do cuộc sống hiện tại khó khăn nên chị Hoa phải mượn tiền từ đồng nghiệp để mua sách giáo khoa, tập vở cho hai con vào năm học mới này. Quần áo của hai bé đã cũ dự định năm học này tôi sẽ mua đồ mới cho con nhưng với khả năng hiện tại mong ước đó có lẽ đành gác lại”, chị Hoa nghẹn ngào.
Phụng Hiệp
Bình luận (0)