Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dân vạn đò học chữ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Học viên đa số làm nghề đánh cá ven phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Sau công việc thường ngày, họ tranh thủ cắp sách tới lớp để học chữ.
Chập choạng tối, những ngư dân ở xóm định cư Vạn Hà Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế í ới rủ nhau đi học. Lớp có 16 học viên, có người đã 56 tuổi, hầu hết vừa nghèo cơm vừa đói chữ. Kể từ khi được bố trí tái định cư, cuộc sống khấm khá dần nên họ muốn học chữ.

Rèn viết chữ tại lớp xóa mù ở xóm định cư Vạn Hà Lang, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế
Không biết chữ nhục lắm
19 giờ, học viên chưa đủ nhưng thầy giáo Lê Công Thăng vẫn dạy. Ngồi vào bàn, bà Mai Thị Rá (55 tuổi) lấy vở ra tập viết lại những chữ cái đã được học hôm trước. Tuổi già, tóc bạc, đôi bàn tay vốn chỉ quen với con cá, con cua, giờ cầm bút viết rất khó khăn. Bà Rá cố mãi mới viết được vài ba chữ cái.
Lúc nhỏ gia đình nghèo khó, lênh đênh trên đò ngược xuôi sông Bồ kiếm sống nên chẳng khi nào bà được học chữ. Thấy người ta biết chữ, đếm tiền, làm ăn rất giỏi còn mình mỗi lần đến ngân hàng vay tiền phải điểm chỉ, bà uất lắm. Thầy Thăng kể bữa được vận động đi học, bà Rá rất vui. Bà không ngờ cuối đời vẫn được đến lớp.
“Không biết chữ nhục lắm, phải ráng mà học thôi. Tôi cố học đến khi nào viết được tên, tuổi, quê quán là vui lắm rồi”- bà Rá tâm sự.
Khác với mọi khi, hôm nay, bà Lê Thị Hà (44 tuổi) đến muộn hơn. Bà bảo phải chờ bác sĩ thú y tới khám bệnh cho đàn heo bệnh rồi mới tới lớp. Hơn nửa đời người mới được đi học nên dù đã mang chiếc kính dày cộp nhưng bà vẫn phải gí mắt xuống sát quyển vở mới viết được chữ, bà vẫn đều đặn đến lớp mỗi ngày.
Hồi nhỏ, bà Hà cũng sinh sống cùng gia đình trên chiếc đò. Mẹ mất sớm nên bà phải đi làm thuê cuốc mướn mới đủ ăn. Bà kể: “Hồi đó, cứ mỗi lần đi qua lớp học, nhìn bạn bè ngồi học là tôi ứa nước mắt, ước ao một lần được đến trường”. 
Cha mẹ, con cái đều là học sinh
Sáng sớm, khi mặt trời lấp ló trên phá Tam Giang thì phiên chợ nổi ở làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền thưa dần người mua kẻ bán. Những ngư dân suốt đêm đi bủa lưới, thả lừ trên phá hối hả về nhà lo cơm nước, thay áo quần rồi tới lớp học. Lớp có 40 người, người nhỏ tuổi nhất là chị Trần Thị Lan (27 tuổi), lớn tuổi nhất là ông Nguyễn Phong (58 tuổi). Do người dân ở đây ban đêm đi làm nghề nên lớp học phải tổ chức vào các buổi sáng trong tuần.
Bà Hồ Thị Thủy (47 tuổi), lớp trưởng, cho biết tất cả những học viên của lớp đều là ngư dân đánh cá trên phá Tam Giang. Bà Thủy nói vui: “Cái làng này cha mẹ, con cái đều là học sinh. Con trẻ đi học để lo tương lai còn chúng tôi đi học nhằm toại lòng ước mơ được đến trường dù chỉ một lần trong đời. Lúc mới đi học, người nào cũng nản nhưng rồi tất cả động viên nhau cố học”.
Sau đêm thả lừ trên phá, anh Trần Hoàng (41 tuổi) và vợ là chị La Thị Lai (40 tuổi) lại dắt nhau tới lớp học. Anh kể lần đầu tiên làm quen với con chữ cứ như nhìn thấy con cá đang nhảy múa trước mắt, đầu óc quay cuồng nên muốn bỏ học ngay. Nhưng rồi anh quyết tâm học, không thể bỏ lớp.
“Lúc trước, cứ mỗi lần đi dự lớp tập huấn về mô hình nuôi cá, nghe cán bộ nói mà tôi như vịt nghe sấm. Tài liệu được phát tận tay chẳng biết đọc, tức lắm”- anh Hoàng kể và cho biết thêm rằng sau những buổi học trên lớp, vợ chồng anh về nhà tranh thủ nhờ con cái dạy thêm. Mỗi khi đi đánh cá, tranh thủ lúc rảnh vợ chồng anh lại lấy sách vở ra cùng ngồi học.
Tan học, những học viên xóa mù lại quay về chuẩn bị ngư cụ cho một buổi mưu sinh.

Vừa dạy chữ vừa dạy làm kinh tế 
Toàn huyện Quảng Điền hiện có 5 lớp xóa mù do Trung tâm Giáo dục thường xuyên của huyện tổ chức, với 102 học viên là những người dân nghèo ven phá Tam Giang và vùng sông nước.  
Ông Phạm Ngọc Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, cho biết các lớp học được triển khai vào đầu năm học 2010-2011, sau khi tiến hành điều tra số dân mù chữ trên địa bàn. Ngoài chương trình dạy phổ cập kéo dài một năm, người dân còn được dạy cách làm kinh tế để tăng thu nhập cho gia đình.

 

 Bài và ảnh: QUANG NHẬT/ NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)