Nhóm SV đang thảo luận |
Đó là phương pháp dạy học mà Thạc sĩ Dương Thị Bích Huệ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM áp dụng vào mỗi bài giảng. Chính nhờ phương pháp giảng dạy này mà giờ học về kinh tế môi trường do Thạc sĩ Huệ đứng lớp luôn được đông đảo sinh viên (SV) nhiệt liệt hưởng ứng.
Giờ học của lớp 07MT1D, khoa môi trường và bảo hộ lao động, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (nơi Thạc sĩ Huệ thỉnh giảng) vẫn là những bài học mới, kiến thức mới do chính giảng viên truyền đạt cho SV. 45 phút cuối cùng chính là thời gian mà SV chờ đợi nhiều nhất. 80 SV được chia thành 4 nhóm theo thứ tự tên được chia sẵn từ đầu năm học ngồi đều 4 phía lớp nhằm thuận tiện cho việc thảo luận nhóm. Các thành viên bắt đầu làm việc, cùng nhau hỗ trợ đọc tài liệu, tìm thông tin ngay trên giáo trình, thảo luận, ghi chép… nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến bài học được đưa ra: Sự liên hệ giữa bài giảng và thực tế cuộc sống liên quan; những chủ đề thời sự, một bài báo trong lĩnh vực kinh tế môi trường đang được quan tâm… Mỗi vấn đề được chỉ định từ 30 phút đến 45 phút, chính vì thế trong thời gian này, một thành viên của nhóm có nhiệm vụ canh thời gian (time keeper). Nhóm trưởng (leader) có nhiệm vụ điều hành và quản lý nhóm tập trung, không gây mất trật tự. Người quan sát viên (observer) sẽ chọn lọc thông tin tìm được và thư ký (secretary) viết thành văn bản. Người thuyết trình (speaker) có nhiệm vụ thuyết trình bài làm của cả nhóm trước lớp và giảng viên phụ trách bộ môn. Được biết, năm chức danh là time keeper, leader, observer, secretary, speaker bắt buộc phải có trong mỗi nhóm, và các chức danh được xoay vòng trong tất cả mọi thành viên.
Đức Mạnh, một thành viên trong lớp, cho biết: “Nếu như những môn kia cũng học thuyết trình, nhưng chỉ lựa chọn cá nhân xuất sắc lên bảng thuyết trình, những SV còn lại sẽ không có cơ hội. Vì vậy, với cách học này, với sự chỉ định xoay vòng như thế thì ai cũng đều có cơ hội thể hiện mình, có thể tự tin nêu lên những quan điểm của cá nhân».
Thạc sĩ Dương Thị Bích Huệ tâm sự: «Để có được những tiết dạy như vậy, cần có được sự đồng bộ từ việc viết đề cương, tổ chức lớp học, phân chia thời gian giảng dạy hợp lý. Mỗi tiết học tôi phải làm thế nào đó có thể truyền tải được tất cả kiến thức cần phải dạy ngày hôm đó và dành từ 30 phút đến 45 phút tổ chức thảo luận. Sau khi áp dụng cách dạy này ở rất nhiều trường như ĐH KHTN TP.HCM, ĐH Kỹ thuật Công nghệ… hầu hết SV đều rất thích. Đây chính là phương pháp học tập chủ động, học theo vấn đề, học tập dựa vào cộng đồng nhằm để SV thảo luận và giải quyết vấn đề bức xúc đó. Chính vì thế mà giáo án mỗi năm mỗi khác khi từng năm có những vấn đề thời sự khác nhau, cấp bách hơn, quan trọng hơn”.
Nguyễn Thanh Nam
Bình luận (0)