Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giúp học sinh định hướng đúng nghề nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhóm SV thực hiện đề tài “Giúp HS định hướng nghề nghiệp” trong buổi lễ nhận giải thưởng
“Ngành GD-ĐT chưa quan tâm nhiều đến việc giáo dục hướng nghiệp cho học sinh (HS). Vì vậy, đa số HS đều có nguyện vọng được nhà trường hướng dẫn chọn nghề ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường. Nếu để tình trạng này kéo dài thì quả là thiệt thòi cho các em, làm ảnh hưởng đến công cuộc xây dựng Tổ quốc…”. Những “kết luận” này được nhóm sinh viên khoa xã hội học (Trường ĐH Mở TP.HCM) nêu lên tại vòng chung kết cuộc thi Eureka năm 2010. 
Và kết quả, đề tài “Giúp HS định hướng nghề nghiệp” của họ đã giành giải nhất.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế
Trước khi bước vào giảng đường đại học, cả bốn bạn Nguyễn Hương Lan, Nguyễn Mạnh Hải, Nguyễn Phi Long và Lê Thị Chi (học chuyên ngành xã hội học tổ chức và quản lý nhân sự) đều đã trải qua những khó khăn trong việc lựa chọn nghề cho tương lai. “Lúc ấy, tôi không biết chọn nghề gì và rất phân vân, gia đình cũng không giúp gì nhiều. Rồi tôi làm hồ sơ đăng ký thi vào Trường ĐH Luật TP.HCM. Kết quả là tôi… rớt. Sau đó tôi thực sự hoang mang, không biết nộp đơn xét tuyển vào ngành nào, cuối cùng thấy ngành xã hội học của Trường ĐH Mở TP.HCM “được được” nên “nhắm mắt” đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2. Bây giờ tôi đã yên tâm với ngành học mình đã chọn” – chàng trai quê đất võ Bình Định Nguyễn Phi Long bộc bạch. Giống như Long, bạn Nguyễn Mạnh Hải cũng không định hướng được mình nên học ngành nào phù hợp và thi vào trường ĐH nào, để rồi bạn đã phải “ôm hận” với giấc mộng vào Học viện Hành chính Quốc gia. Đó là những trăn trở, suy tư của các bạn trước khi vào giảng đường ĐH. Dẫu biết rằng vấn đề chọn ngành, định hướng nghề nghiệp đối với HS phổ thông là điều rất khó, nhất là các HS ở tỉnh không có điều kiện tiếp cận thông tin cũng như không được hướng nghiệp từ nhà trường. Xuất phát từ suy nghĩ đó, Hải “trăn trở” với những câu hỏi làm thế nào để HS có thể định hướng được nghề mình cần học, giúp HS có cái nhìn tổng quan về thực trạng ngành nghề hiện nay… “Cho đến khi nhà trường phát động phong trào Eureka tôi mới tự hỏi “Tại sao không thực hiện đề tài từ những gì mà mình và các bạn đã trải qua”, từ đó ý tưởng khảo sát việc định hướng nghề nghiệp trong HS đã hình thành trong đầu” – Long tâm sự. Sau đó, Long quyết định “thổ lộ” ý tưởng về việc thực hiện một đề tài nghiên cứu khoa học mang tên “Việc lựa chọn ngành nghề và những yếu tố tác động đến lựa chọn ngành nghề của HS TP.HCM hiện nay” với các bạn trong nhóm. Chơi thân với nhau, lại học chung lớp và đều trải qua những khó khăn khi chọn ngành học nên cả bốn bạn nhanh chóng tìm được điểm tương đồng rồi nhanh chóng thống nhất được khung đề tài. Ban đầu, đối tượng của đề tài được các bạn đưa ra là SV, nhưng sau khi khảo sát sơ bộ thấy đối tượng HS mới là quan trọng nên đổi sang nghiên cứu và khảo sát trong HS. Nhanh nhẹn, thông minh và đặc biệt có khả năng phân tích, nghiên cứu nên Hương Lan được giao làm trưởng nhóm. Mỗi người một việc, người thì phát phiếu khảo sát tại 3 trường THPT ở 3 địa điểm khác nhau; người thì tìm số liệu về tỷ lệ thất nghiệp, xu hướng chọn ngành của HS những năm trước để so sánh… Hương Lan – trưởng nhóm, tâm sự: “Việc được vào trường để phỏng vấn HS cũng khó lắm vì không phải ban giám hiệu trường nào cũng dễ dàng cho tụi em vào. Có giấy giới thiệu của nhà trường rồi mà cũng khó, nhiều lúc phải năn nỉ mới được. Rồi phải chọn các trường sao cho có tính đại diện địa bàn nội, ngoại thành. Rồi nhiều ý kiến trái ngược nhau, bất đồng quan điểm xảy ra giữa các thành viên dẫn đến cãi vã tưởng chừng như phải bỏ ngang. Nhưng vì đam mê đề tài, vì “không muốn bỏ ngang” nên bốn bạn cùng quyết tâm thực hiện cho xong.
Giúp HS định hướng nghề
“Tìm hiểu việc lựa chọn ngành nghề và những yếu tố tác động đến ngành nghề của HS TP.HCM hiện nay” là một đề tài ghiên cứu khoa học chiếm được “cảm tình” của hội đồng giám khảo. Bởi đề tài không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học và tính thực tiễn mà còn mang tính thời sự rất cao. Đề tài được phân chia rõ ràng, lô gíc và mạch lạc gồm 2 phần. Ở phần 1, nhóm tác giả thực hiện đã nêu lên được thực trạng chọn nghề, và những tác động đến HS khi chọn ngành nghề qua việc phát phiếu khảo sát, phỏng vấn HS học ở 3 trường: THPT Thủ Đức, THPT Nguyễn Thượng Hiền và THPT Nguyễn Thị Diệu. Các tác giả đã chỉ ra được sự khác biệt về giới trong việc lựa chọn ngành nghề thể hiện qua những số liệu cụ thể. Đồng thời cho thấy thực trạng: gia đình là yếu tố tác động lớn nhất đối với HS trong việc chọn nghề, từ đó đưa ra những kết luận chung về những vấn đề liên quan đến việc chọn ngành nghề của HS hiện nay. Cụ thể, tỷ lệ chọn nghề của HS phụ thuộc vào yếu tố “kiếm được tiền” nhiều hơn; các hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường chưa tác động đến HS… Hiện đề tài “Việc lựa chọn nghành nghề và những yếu tố tác động đến lựa chọn ngành nghề của HS TP.HCM hiện nay” đã được chuyển giao cho 2 đơn vị tiếp nhận để sử dụng.
Bài, ảnh: Nguyên Hải

Việc lựa chọn ngành nghề đúng sẽ giúp cân bằng cơ cấu đào tạo và sử dụng năng lực. Mặt khác, việc lựa chọn đúng ngành nghề sẽ là tiền đề cho sự phát triển trí tuệ cũng như tài năng của con người, nó ảnh hưởng tích cực đến sự thành đạt của cá nhân sau này.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)