Sự kiện giáo dụcTin tức

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM chỉ nguyên nhân khó thu hút học sinh học nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thực tế nhiều học sinh và phụ huynh vẫn cho rằng học nghề là con đường của những người học kém, không thể vào đại học. Điều này dẫn đến tâm lý ngại học nghề, lựa chọn học đại học là mục tiêu học tập duy nhất của nhiều học sinh.


Quan niệm của phụ huynh học sinh là một trong những nguyên nhân lớn khiến công tác phân luồng học sinh học nghề gặp khó khăn

Trong chương trình dân hỏi chính quyền trả lời tháng 9-2023 với chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm” do HĐND TP.HCM tổ chức sáng 10-9, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, thời gian qua ngành giáo dục thành phố đã triển khai đến các cơ sở giáo dục thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông với nhiều hình thức đa dạng, giới thiệu cho học sinh các hướng đi sau THCS, chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng, điều kiện theo học từng ngành nghề và thông tin dự báo nhu cầu thị trường lao động.

Sở sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục quan tâm hơn đến việc tư vấn cho phụ huynh học sinh về nội dung hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh để phụ huynh và học sinh có thêm thông tin, hiểu về giáo dục nghề nghiệp, từ đó lựa chọn phù hợp với năng lực và điều kiện của mỗi học sinh, đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển nghề nghiệp của cá nhân tương ứng sự phát triển của xã hội.

Cạnh đó, theo ông Hiếu thì Chương trình GDPT 2018 đưa hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh sẽ được thầy cô giới thiệu hướng dẫn chi tiết các nội dung định hướng nghề nghiệp theo từng chủ đề, xuyên suốt và có tính kế thừa trong suốt những năm học của cấp THCS, THPT. Qua đó, dần dần hình thành cho học sinh những hiểu biết về các nhóm ngành nghề, giúp các em tự đánh giá năng lực bản thân, xác định hướng đi sau THCS, THPT. Từ đó các em có thể đề ra kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp cho mình để thực hiện mục tiêu.

Ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin, hiện thành phố có hơn 370 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường rất chú trọng mở rộng quy mô và chất lượng; đa dạng hóa các ngành nghề, các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề cho học sinh và có chính sách liên thông giữa các bậc học nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập suốt đời.

Tuy nhiên, theo ông, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức của học sinh, phụ huynh về giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều học sinh và phụ huynh vẫn cho rằng học nghề là con đường của những người học kém, không thể vào đại học. Điều này dẫn đến tâm lý ngại học nghề, lựa chọn học đại học là mục tiêu học tập duy nhất của nhiều học sinh.

Phương thức tuyển sinh đại học hiện nay tập trung vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc căn cứ vào điểm số học tập các môn văn hóa phổ thông. Điều đó tạo tâm lý học sinh phải học tập theo hướng thi cử, không dành thời gian và cơ hội tìm hiểu về giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, chưa có chính sách tuyển sinh đại học hướng đến học sinh, học viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung cấp, cao đẳng) hoặc trung tâm GDNN-GDTX để các em có thể phát triển nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin, khi học sinh sau THCS học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung cấp, cao đẳng), các em sẽ được học kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo 2 hình thức:

Trường hợp 1: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo Thông tư 15 của Bộ GD-ĐT: trong 3 học kỳ, gồm 3 môn học bắt buộc là ngữ văn, toán, lịch sử và ít nhất 1 môn học lựa chọn trong số các môn học như vật lí, hóa học, sinh học, địa lí. Sau khi các em đã học chương trình này và thi đạt yêu cầu thì được cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để theo học trình độ cao hơn của giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật.

Trường hợp 2: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có liên kết, phối hợp đào tạo với các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX thì các em có thể học chương trình GDTX cấp THPT ban hành kèm theo Thông tư 12 của Bộ GD-ĐT, được thực hiện trong 3 năm học (lớp 10, 11, 12) gồm 7 môn học, trong đó có 3 môn học bắt buộc là ngữ văn, toán, lịch sử và 4 môn học lựa chọn trong số các môn học: địa lí, giáo dục kinh tế và pháp luật, vật lí, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ. Và môn học tự chọn là môn ngoại ngữ. Sau khi học xong chương trình GDTX cấp THPT, nếu đủ điều kiện học viên sẽ được dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT.

“Như vậy, sau quá trình học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung cấp, cao đẳng) hoặc trung tâm GDNN-GDTX, nếu học tập tốt, nghiêm túc các em sẽ có được kiến thức văn hóa phổ thông và nghề nghiệp theo lựa chọn” – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.

Yến Hoa

Bình luận (0)