Liên tiếp xảy ra 2 vụ rơi lan can trường học khiến nhiều học sinh bị thương, cùng với đó là những vụ phát hiện “rút ruột” công trình trường học đã khiến không ít phụ huynh lo lắng trước chất lượng công trình trường học hiện nay.
Hoang mang, lo lắng
Ngày 10.1 vừa qua, trong giờ ra chơi, bất ngờ toàn bộ lan can tầng hai của Trường THCS thị trấn Chợ Rã (Bắc Kạn) gãy đổ ra ngoài, kéo theo 7 học sinh lớp 6A rơi xuống đất. 4 em bị thương nặng phải chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh. Trước đó, ngày 21.12.2010, sau giờ tan học, 2 em học sinh lớp 3E ôm nhau chạy ra ngoài, vô tình va vào lan can tầng 3 của Trường tiểu học Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) khiến một mảng lan can vỡ, cả hai rơi xuống đất. Vụ tai nạn khiến 2 em cùng bị thương, trong đó có một em bị gãy xương đùi.
|
Đoạn lan can bị vỡ đã được tạm sửa lại tại Trường Tiểu học Định Công. Ảnh: Hoàng Thùy
|
Cùng với đó là liên tiếp các vụ “rút ruột” công trình trường học được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý như ngày 13.10.2010, Phòng CSĐT tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, CA TP Hà Nội phối hợp với Công an huyện Đan Phượng bắt quả tang vụ “rút ruột” khá nghiêm trọng tại công trình xây dựng trường Tiểu học Tân Hội A (huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội). Tháng 12.2010, Tòa án đã xét xử vụ “rút ruột” công trình dự án xây dựng Trường Tiểu học Trưng Trắc do UBND quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư trên 27 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Mới đây nhất, ngày 8.1, Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế (PC46) Công an Hà Nội khám phá vụ “rút ruột” công trình xây dựng Trường THCS Tân Minh, huyện Thường Tín (Hà Nội). Dự án xây dựng Trường THCS Tân Minh được thực hiện bằng vốn ngân sách Nhà nước, với tổng mức đầu tư hơn 13 tỷ đồng. Trong khi thi công, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn để “rút ruột” công trình như: thi công sai thiết kế, thay đổi chủng loại gạch, vật tư, sắt thép…
Trước các thông tin liên tiếp về chất lượng công trình trường học, nhiều phụ huynh đã bày tỏ sự lo ngại về an toàn của con em họ tại trường học. Chị Mai Anh, có con đang học Trường Tiểu học Định Công cho biết: “Sau vụ 2 cháu bé rơi từ tầng 3 xuống, chúng tôi rất lo cho sự an toàn của con mình. Mỗi lần đưa cháu đi học, tôi đều phải dặn dò là không được chạy nhảy, đùa nghịch ở hành lang, nhất là không được tựa, vịn vào lan can. Cần phải xem xét lại chất lượng công trình, trách nhiệm của đơn vị thi công vì hành lang các tầng được lát loại gạch rất trơn khiến các cháu rất dễ trượt ngã. Không những thế, phần nối giữa hai tòa nhà mặc dù mới xây nhưng đã có rất nhiều vết nứt”.
Trách nhiệm của nhà trường đến đâu?
Trường THCS thị trấn Chợ Rã do Công ty Phú Đạt (Thái Nguyên) thi công từ năm 2006 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Các lớp học đã đưa vào sử dụng trước đó cũng chưa có lan can cầu thang. Tại Trường Tiểu học Định Công (Hà Nội), nơi hai học sinh bị rơi là đoạn khớp nối dài hơn một mét giữa tòa nhà 3 tầng mới xây với tòa nhà 3 tầng cũ. Theo hiệu trưởng nhà trường, đơn vị thi công chưa bàn giao khu nhà mới xây cho nhà trường, nhưng khi nó được hoàn thành vào tháng 9, do trường thiếu phòng học nên đã mượn sắp xếp lớp cho học sinh.
Nhiều phụ huynh đã lên tiếng quy trách nhiệm cho nhà trường khi xảy ra các tai nạn đáng tiếc trên. Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường tiểu học đang được xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước cho biết, nhà trường chỉ là đơn vị cuối cùng nhận bàn giao và sử dụng công trình chứ hoàn toàn không có quyền gì trong việc thiết kế, xây dựng cũng như giám sát thi công. Thông thường, chủ đầu tư các công trình trường học từ ngân sách nhà nước là UBND hoặc Ban quản lý dự án địa phương. Chủ đầu tư sẽ quyết định đơn vị nào thi công, đơn vị nào giám sát, nhà trường chỉ được tham gia đóng góp ý kiến trước khi bản thiết kế hoàn tất. Còn lại, toàn bộ quá trình xây dựng cũng như tiến độ thi công, nhà trường không có quyền can thiệp.
Như vậy, chất lượng công trình trường học không đảm bảo, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và đơn vị thi công. Trước thực trạng này, nhiều phụ huynh đã đề xuất, các cơ quan chức năng cần có đợt tổng kiểm tra về chất lượng các công trình trường học hiện nay, nhất là các công trình đang được thi công, nhằm đảm bảo an toàn cho cả giáo viên và học sinh.
Nguyên Minh / Lao Động
Tin liên quan
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc xây dựng một lớp học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở những giờ...
Sử dụng nền tảng số, AI để sáng tác nhạc, thiết kế sách điện tử, xây dựng video, biển báo biết nói…...
TP.HCM xây dựng 7 giải pháp phấn đấu đến hết năm 2030 có 35% công chức ngành GD-ĐT đạt trình độ ngoại...
Tôi đang theo học một lớp cao học tại TP.HCM, đồng thời cũng nắm bắt cách học của một số bạn bè...
Bình luận (0)