Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, hiện tỷ lệ người lao động tìm việc làm có trình độ ĐH trở lên chiếm 77% trong tổng số người tìm việc. Tuy nhiên, con số này không thể hiện người học ĐH ra trường thất nghiệp mà do nguồn nhân lực trình độ này đông hơn trình độ CĐ, TC, từ đó dẫn đến sự chênh lệch về số người tìm việc giữa các trình độ.
Do nhân lực trình độ ĐH nhiều hơn so với các trình độ khác dẫn đến sự chênh lệch về số lượng người tìm việc làm
Cần nhân lực chất lượng cao
Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM vừa công bố báo cáo thị trường lao động quý III năm 2023 và dự báo nhu cầu nhân lực quý IV năm 2023. Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả khảo sát hơn 14.500 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng gần 70.000 chỗ làm việc và hơn 32.300 người tìm việc. Theo đó, tỷ lệ người lao động tìm việc làm có trình độ ĐH trở lên chiếm 77% trong tổng số người tìm việc, áp đảo so với các nhóm lao động khác. Cụ thể, nhóm lao động tìm việc có trình độ CĐ là hơn 20%; TC gần 2%. Nhóm sơ cấp nghề và lao động phổ thông, số lao động tìm việc không đáng kể, mỗi nhóm chưa đến 1%.
Lý giải về điều này, ông Trần Anh Tuấn (Chuyên gia dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) cho biết, hiện nay nhân lực trình độ ĐH nhiều hơn so với trình độ CĐ, TC. Điều đó dẫn đến số lượng người tìm việc trình độ CĐ, TC thấp hơn so với trình độ ĐH. Nguyên nhân khác là khoảng 30-40% bạn trẻ khi tốt nghiệp ĐH muốn tham gia vào những công việc ở trình độ thấp hơn để rèn luyện kỹ năng, kinh nghiệm và tạo giá trị hành nghề. Khi đáp ứng được yêu cầu, các bạn mới đi xin việc ở trình độ ĐH dẫn đến số lượng người tìm việc ở trình độ này tăng. Một số bạn trẻ khác lại muốn tìm những công việc thu nhập cao, môi trường phù hợp với năng lực, trình độ nên không chấp nhận làm những công việc mà thị trường lao động đang cần. Các bạn liên tục thay đổi công việc, chỗ làm và tìm công việc mới, từ đó dẫn đến tỷ trọng người tìm việc trình độ ĐH cao hơn so với những trình độ khác. “Hiện nay thị trường lao động rất cần nhân lực trình độ ĐH. Vì nhân lực ở trình độ này được đào tạo bài bản, có khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn để tạo ra những sáng tạo, sáng kiến phục vụ cho cuộc sống”, ông Tuấn khẳng định.
Theo ông Tuấn, giai đoạn 2023-2030, TP.HCM cần từ 310.000-330.000 chỗ làm việc mỗi năm (135.000-140.000 chỗ làm mới). Ưu tiên phát triển nhân lực cho những ngành có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp chủ lực (cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa; điện tử và công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế; hóa chất – hóa dược và mỹ phẩm). Những nhóm ngành nghề có nhu cầu lao động nhiều, chiếm tỷ lệ rất cao là quản lý kinh tế – kinh doanh – quản lý chất lượng; du lịch – nhà hàng – khách sạn, marketing – nhân viên kinh doanh; tài chính – ngân hàng (nhân lực chuyên môn cao, ở cấp độ quản lý); kế toán – kiểm toán; pháp lý – luật; nghiên cứu – khoa học; quản lý nhân sự… Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều ở những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ như nhân viên kinh doanh, bán hàng, y tế – chăm sóc sức khỏe, du lịch… và nhu cầu nhân lực chất lượng cao thuộc các ngành nghề: cơ khí, xây dựng, điện tử, điện – điện công nghiệp – điện lạnh…
Phải có giá trị và năng lực làm việc
Theo dự báo, xu hướng phát triển của thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới tập trung vào 4 xu hướng chính là: Gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ; chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm; lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế; xu hướng lao động “phi chính thức” gia tăng. Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động. Động thái trên cũng bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa hiện nay. Ông Trần Anh Tuấn cho rằng, kỹ năng số bao gồm các kỹ năng, khả năng, kiến thức và thói quen làm việc cho phép con người tiếp cận và sử dụng công nghệ số. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với người lao động trong bối cảnh các hình thái công việc và tính chất công việc không ngừng thay đổi. “Sự thành công trong thị trường lao động đối với những người biết chọn ngành nghề, chọn cấp bậc học phù hợp, có sở trường, có năng lực và học tập tốt sẽ xây dựng được giá trị và năng lực làm việc. Bằng cấp nghề nghiệp sau này mà mỗi người có được phải gắn liền với kiến thức văn hóa phổ thông và đi đôi với giỏi nghề, có giá trị hành nghề. Có như vậy mới đứng vững được trong thị trường lao động hiện nay và tương lai”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Các bạn trẻ tham gia tuyển dụng việc làm về lĩnh vực công nghệ
Ngoài ra, yếu tố quyết định thành công của con người trong thị trường lao động là mỗi người phải làm sao đưa bằng cấp mình học tập trở thành kỹ năng nghề nghiệp. Không cần bằng cấp, chỉ cần giỏi nghề là thành công không còn đúng. Vì trước đây, học các ngành nghề lặt vặt, nghề truyền nghề thì có thể thành công. Còn bây giờ tiếp cận công nghệ, tiếp cận tri thức, bắt buộc người lao động muốn thành công thì phải bước qua hệ đào tạo của các trường, phải tiếp cận được tri thức của nhân loại, tri thức của ngành nghề đó rồi mới chuyển đổi thành kỹ năng để đi đến thành công. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, cơ cấu lao động – việc làm sẽ có những thay đổi khác biệt so với sản xuất truyền thống. Vì vậy, chú trọng tăng nhanh tỷ lệ nguồn nhân lực có trình độ cao hướng tới tiêu chuẩn quốc tế là đòi hỏi cấp thiết hiện nay. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần điều chỉnh các chính sách về đào tạo, nâng cao kỹ năng, phát triển nguồn nhân lực thích ứng với sự biến đổi công nghệ và phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp mới; đồng thời tập trung xây dựng hệ thống an sinh xã hội với những trụ đỡ về việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội.
Hậu Giang
Bình luận (0)