Nhà văn Nguyễn Quốc Trung vừa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với tiểu thuyết “Đất không đổi màu”. Giải thưởng gọi tên khi ông không còn nữa cũng là lời nhắc nhở để đồng nghiệp và công chúng cùng đọc, cùng ngẫm lại những trang viết gửi gắm biết bao nhiêu buồn vui và cả khát vọng đẹp đẽ về con người, về đất nước của ông.
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung lúc sinh thời có vốn sống thực tế phong phú và dồi dào
Đó là chia sẻ của nhà văn Trịnh Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) trong buổi tọa đàm “Nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung – Cuộc đời và tác phẩm” diễn ra mới đây.
Nhiệt huyết với văn chương
Nhà văn Nguyễn Quốc Trung sinh năm 1956 tại Hương Sơn (Hà Tĩnh). Ông nhập ngũ cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ trong hàng ngũ Sư đoàn 341. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục cầm súng bảo vệ biên giới Tây Nam và tham gia nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia.
Trở về từ khói lửa, nhà văn Nguyễn Quốc Trung theo học khóa 3 Trường viết văn Nguyễn Du rồi công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho đến ngày nghỉ hưu với cấp bậc Đại tá. Có thể nói, hành trình sống và viết của Nguyễn Quốc Trung gắn liền với số phận người lính và trải nghiệm văn chương.
Lúc sinh thời, nhà văn Nguyễn Quốc Trung quan niệm “Không nghề gì vất vả và thú vị như nghề viết văn”. Thực hiện đúng quan niệm ấy, ông đã đưa vào từng trang bản thảo với tất cả nhiệt huyết, sự tin cậy và sự cống hiến âm thầm. Cái dáng cao gầy, khuôn mặt hiền lành mang vẻ khắc khổ quen thuộc của ông đã đi qua năm tháng và để lại những tác phẩm chất chứa ưu tư, nỗi đau nhưng đầy ắp thương yêu. Ông tự nguyện gánh vác sứ mệnh viết về đồng đội của mình, đồng bào của mình trong sự thăng trầm lịch sử và trắc ẩn ân tình.
Từ tiểu thuyết đầu tay “Biên giới” xuất bản năm 1985, nhà văn Nguyễn Quốc Trung tập trung khai thác những câu chuyện về đất và người trên xứ sở chùa tháp mà ông từng trải với tư cách một người lính trận.
Sự quả cảm phi thường, sự hy sinh gan dạ và sự mất mát âm thầm của người lính đã ám ảnh ông và lần lượt xuất hiện trong các tiểu thuyết “Bên rừng thốt nốt”, “Người đàn bà khóc mướn”, “Đất không đổi màu”…
Nhà văn Trịnh Bích Ngân nhận xét về văn chương của nhà văn Nguyễn Quốc Trung tại tọa đàm “Nhớ nhà văn Nguyễn Quốc Trung – Cuộc đời và tác phẩm”
Ở thời điểm hiện nay, khi điều kiện xã hội đã cho phép nhiều tác phẩm phi hư cấu đề cập trực diện đến chiến trường Campuchia thì độc giả càng thấy thấm thía những dằn vặt phía sau đạn bom mà nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã chắt chiu chuyển tải qua hình thức tiểu thuyết. Chỉ một đoạn văn ngắn cũng có thể hiểu được phần nào sự nếm trải của ông: “Khi Trung đoàn cơ động gần đến U Đông, Dần đã nhìn thấy phía Tây những triền núi, những đỉnh núi, mây đùn lên trắng xóa chân trời. Anh được biết, bộ chỉ huy Khmer đỏ cùng đám tàn quân đã chạy lên ấy. Và cuộc chiến đấu sắp tới sẽ rất cam go. Phải, cuộc chiến đấu mới, với phương thức tác chiến mới còn kéo dài, đang mở ra trước mắt các anh”.
Ngoài việc dùng huyền sử để góp phần soi rọi lịch sử trong quan hệ kết nối hai quốc gia Việt Nam và Campuchia, nhà văn Nguyễn Quốc Trung cũng đề cập đến cuộc chiến giằng co gìn giữ nhân phẩm của con người giữa đời thường chen lấn cơm áo danh lợi, qua các tiểu thuyết “Thời chúng mình yêu nhau”, “Người trong cõi người”, “Thành phố độc thân” hoặc “Dòng sông bên chùa”.
Vốn sống thực tế phong phú
Nhà văn Bích Ngân (Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM) nói: “Có lẽ, chính nhà văn Nguyễn Quốc Trung tự nhủ “đời mình vậy là được” khi ông tại thế. Và hôm nay, khi nhà văn Nguyễn Quốc Trung không còn nữa, chúng ta nhận ra rằng, đời ông xứng đáng để người thân tự hào và đời ông xứng đáng để đồng nghiệp trân trọng”. |
Theo nhà văn Trịnh Bích Ngân, ưu điểm văn chương không ai có thể phủ nhận được ở nhà văn Nguyễn Quốc Trung là vốn sống thực tế phong phú và dồi dào. Không chỉ thấu hiểu người lính trận và người nông thôn mà ông còn quan sát và kiến giải sâu sắc về người thành thị trong cuộc chuyển đổi kinh tế thị trường. Những chiêu trò tranh đoạt thù hận đê hèn, những dằn vặt tâm lý lỗi lầm quá khứ… đều được phơi bày dưới ngòi bút Nguyễn Quốc Trung một cách bề bộn và day dứt. Trong tiểu thuyết Nguyễn Quốc Trung, giữa cái xấu và cái ác đan cài như muốn đè bẹp nhân tính, độc giả vẫn nhận thấy sự kiên trì của cái thiện ở mỗi nhân vật, ở từng hoàn cảnh.
Bên cạnh sở trường tiểu thuyết, nhà văn Nguyễn Quốc Trung cũng dành không ít trăn trở vào thể loại truyện ngắn. Ông bắt đầu được bạn đọc biết đến với truyện ngắn “Những tia chớp phía chân trời” đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn do Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức năm 1982, viết về mối tình giữa người lính biên cương với cô thanh niên xung phong. Sau các tập truyện ngắn “Người đàn bà hồn nhiên”, “Trong tiết thanh minh”, “Đêm trừ tịch”, “Người đến từ nước Mỹ”, nhà văn Nguyễn Quốc Trung có sự thay đổi bút pháp đáng kể với tập truyện ngắn “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”.
Không chỉ tìm ra giọng điệu mới thay cho cách kể tuyến tính quen thuộc, ở tập truyện ngắn “Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu”, ông tập trung viết về những con người khốn quẫn, những con người bỗng dưng bị gạt ra khỏi sự vận hành phát triển của cộng đồng. Tiêu biểu là các truyện ngắn “Chuyện của cô Út Trẹm”, “Đời khất thực” hoặc “Già làng đầu nguồn sông Hinh”. Ông đặt ra câu hỏi nóng bỏng về nỗi bất hạnh cá nhân trong giai đoạn hội nhập. Ông nhắc nhở cộng đồng, nếu không quan tâm đến bi kịch riêng tư thì thành quả tiến bộ chung cũng bị hao hụt và cũng dở dang.
Thật đáng tiếc, khi đang ở độ chín muồi của sự nghiệp với nhiều dự định sáng tạo, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã lìa xa cuộc đời vì đại dịch Covid-19 vào ngày10-9-2021. Ở nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Quốc Trung, không khó tìm thấy sự bộc bạch của chính ông. Chẳng hạn, ở tiểu thuyết “Người trong cõi người”, ông an ủi mình qua tâm sự nhân vật: “Đời một người lính đi qua chiến tranh, có một gia đình, có người vợ luôn nhớ nhung, nhắc nhở mình, thế là hạnh phúc rồi. Đời mình vậy là được”.
Trinh Hồ
Bình luận (0)