Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Đa dạng hình thức hướng nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Các em HS được các chuyên gia tư vấn kỹ về việc chọn ngành nghề cho tương lai. Ảnh: M.Tâm
Hiện nay đang là thời điểm “nóng” nhất trong năm về tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại các trường THPT. Mỗi trường đều có nhiều hoạt động khác nhau nhằm mang lại cho học sinh (HS) những điều bổ ích, thiết thực nhất về việc lựa chọn ngành nghề trong tương lai.
Trong đó, hoạt động được nhiều đơn vị chú ý nhất vẫn là mời các trường ĐH, CĐ về trực tiếp tư vấn và giải đáp thắc mắc cho HS hoặc đưa HS đến tham quan các trường ĐH, CĐ mà các HS quan tâm.
Lựa chọn theo năng lực, sở thích
Cô Đỗ Thị Bích Duyên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết công tác tư vấn hướng nghiệp cho HS luôn được nhà trường quan tâm chú trọng trong nhiều năm qua. “Ngay khi HS học lớp 10, chúng tôi đã cho các em tự lựa chọn chuyên ban của mình. Cuối mỗi năm học, HS có thể thay đổi các ban học theo sở thích và năng lực của chính bản thân. Cuối học kì I vừa qua, trường chúng tôi đã phối hợp với Báo Giáo Dục TP.HCM và Trường ĐH Hoa Sen mời các giảng viên đến từng lớp để giúp HS có cái nhìn cụ thể về các ngành nghề trong xã hội, định hướng các em lựa chọn theo sở thích, năng lực và điều kiện của bản thân. Sắp tới, nhà trường sẽ mời các trường trong khối ĐH Quốc gia TP.HCM về tư vấn cho các em”, cô Duyên chia sẻ.
Song song với các hoạt động đó, một số trường còn sáng tạo nhiều hình thức mới nhằm mang đến cho HS những kiến thức thực tế nhất về những nhóm ngành mà các em lựa chọn. Trường THPT Gia Định đã tổ chức cho HS đăng ký theo từng nhóm ngành mình quan tâm và mời các cựu HS của trường từng học và thành công trong các lĩnh vực đó về nói chuyện với các em. Cô Hoàng Thị Diễm Trang, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết hoạt động này đã được thực hiện từ các năm trước. “Trước đây, chúng tôi chỉ mời các cựu HS thuộc nhóm ngành kinh tế về trao đổi với HS. Nhưng năm nay, chúng tôi đã mở rộng thêm nhiều nhóm ngành khác như y dược, khoa học tự nhiên, kiến trúc xây dựng… Nhà trường muốn cho HS gặp gỡ người thật, việc thật để các em tự định hướng cho mình. Bên cạnh đó, chúng tôi còn chỉ dẫn các website để các em tra cứu, tìm hiểu thêm về ngành nghề mà mình sẽ lựa chọn”, cô Diễm Trang nhấn mạnh.
Cô Trần Thị Kim Thu, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho rằng giáo viên chủ nhiệm, nhà trường là thành phần quan trọng giúp HS có được sự lựa chọn đúng đắn cho tương lai. “Ngoài việc tạo điều kiện cho các trường ĐH, CĐ tham gia tư vấn, nhà trường còn thành lập bộ phận tuyển sinh gồm ban giám hiệu, ban tư vấn học đường, giáo viên chủ nhiệm… tập hợp những bài viết hữu ích để phổ biến cho các em trong giờ chào cờ, giờ sinh hoạt chủ nhiệm. Nội dung bài viết là chia sẻ kinh nghiệm của các thầy cô, cựu HS về cách chọn ngành nghề, cách định hướng nghề nghiệp”, cô Kim Thu cho biết.
Nhóm ngành khối A sẽ áp đảo?
Khảo sát tại một số trường THPT, chúng tôi nhận thấy, các nhóm ngành khối A vẫn là sự lựa chọn được nhiều HS quan tâm. Một điều dễ hiểu cho sự lựa chọn này là do khối A có nhiều ngành nghề mà cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường “rộng cửa” hơn so với các nhóm ngành xã hội. Trong “nội bộ” các nhóm ngành khối A, các ngành kinh tế, tài chính, marketing vẫn “hút” HS hơn các ngành tự nhiên, khoa học kỹ thuật. Bạn Trần Bình Nguyên, HS lớp 12A8 Trường THPT Phan Đăng Lưu, cho biết bạn sẽ đăng ký thi ngành tài chính ngân hàng của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới. “Xu hướng các ngành nghề trong xã hội hiện nay đang nghiêng về nhóm ngành kinh tế – tài chính. Thế hệ chúng em khi tốt nghiệp các trường thuộc nhóm ngành này sẽ có cơ hội việc làm cao hơn, thu nhập cũng cao hơn so với các ngành nghề khác thuộc nhóm ngành xã hội”, Nguyên phân tích.
Dù không sôi nổi bằng nhóm ngành kinh tế – tài chính nhưng nhóm ngành khoa học kỹ thuật, y dược vẫn là nhóm ngành được nhiều HS để ý. Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân, một cuộc khảo sát 150/575 HS lớp 12 cho thấy, gần 1/3 trong số đó cho rằng mình phù hợp với các ngành khoa học, kỹ thuật. “Giữa thời buổi “thầy thừa, thợ thiếu”, nhiều em HS đã có cách lựa chọn khôn ngoan trong việc định hướng tương lai cho mình. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những con số tạm thời ở thời điểm hiện nay. Chúng tôi vẫn đang định hướng để tất cả các em tin vào sự lựa chọn của mình dù là ngành kinh tế, tài chính hay các ngành xã hội. Còn kết quả chính xác phải chờ đến thời điểm các em nộp hồ sơ ĐH, CĐ, nhà trường mới có thể đưa ra kết luận được”, cô Trần Thị Kim Thu, Phó hiệu trưởng chia sẻ.
Ngọc Anh

“Giữa thời buổi “thầy thừa, thợ thiếu”, nhiều em HS đã có cách lựa chọn khôn ngoan trong việc định hướng tương lai cho mình”, cô Kim Thu – Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân nói.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)