Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngành môi trường “khát” nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Những năm gần đây, lượng thí sinh đăng ký thi vào ngành môi trường rất đông. Trong ảnh là cảnh thí sinh nộp hồ sơ đăng ký NV2 vào Trường CĐ TN-MT TP.HCM năm 2010
Ngành môi trường luôn là sự lựa chọn của rất nhiều thí sinh trong các mùa tuyển sinh gần đây. Thí sinh thi vào ngành này có thể yên tâm với vấn đề việc làm khi ra trường, bởi theo Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT), trong vòng 5 năm tới (giai đoạn 2011-2015), ngành TN-MT cần tới 45.000 nhân lực.
Theo đó, số nhân lực này sẽ phục vụ cho 7 lĩnh vực: môi trường, đất đai, quản lý tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, địa chất khoáng sản, đo đạc và bản đồ, biển và hải đảo. Hiện cả nước có 3 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ TN-MT gồm Trường ĐH TN-MT Hà Nội, Trường CĐ TN-MT miền Trung và Trường CĐ TN-MT TP.HCM. Bên cạnh đó còn có hàng chục cơ sở đào tạo ngoài Bộ TN-MT nằm rải rác khắp cả nước.
Theo định hướng phân nguồn đào tạo nhân lực của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015 sẽ nâng quy mô tuyển sinh mới hàng năm của cả mạng lưới lên 600.000 sinh viên. Lĩnh vực môi trường gồm các chuyên ngành: quản lý môi trường, kỹ thuật môi trường và khoa học môi trường. Ngành quản lý môi trường chuyên về các môn học quản lý môi trường đô thị, môi trường khu công nghiệp, công ty, xí nghiệp. Ngành kỹ thuật môi trường chủ yếu học về công nghệ, kỹ thuật xử lý ô nhiễm môi trường (xử lý nước thải, chất thải, khí thải). Ngành khoa học môi trường trang bị các kiến thức cơ bản và cơ sở của ngành phục vụ kiểm soát ô nhiễm và đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ TN-MT TP.HCM Tôn Thất Lãng cho biết: “Ngành quản lý môi trường, sinh viên được trang bị các kiến thức như cơ sở khoa học môi trường, sinh thái học, ô nhiễm môi trường, hóa kỹ thuật môi trường, nguyên lý sản xuất sạch hơn và phòng ngừa ô nhiễm. Các kiến thức chuyên môn về Luật Môi trường, quản lý môi trường, đánh giá tác động môi trường, xử lý số liệu môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên… Nắm vững các văn bản pháp luật về môi trường, biết cách vận dụng trong thực tế và các qui trình thực hiện công việc. Vận dụng nhuần nhuyễn các công cụ quản lý môi trường. Ở ngành kỹ thuật môi trường, sinh viên được trang bị các kiến thức về môi trường, sinh thái học, thủy lực môi trường, hình họa vẽ kỹ thuật. Các kiến thức chuyên môn về hóa kỹ thuật môi trường, vi sinh môi trường, xử lý số liệu môi trường, công nghệ xử lý nước cấp, công nghệ xử lý khí thải và tiếng ồn. Bên cạnh đó là những kỹ năng như thi công, vận hành tốt các công trình xử lý nước thải và nước cấp; xử lý khí thải; tham gia tính toán và thiết kế các công trình xử lý môi trường; lấy đúng kỹ thuật các mẫu khí, mẫu nước, phục vụ quan trắc và phân tích môi trường; sử dụng thành thạo các thiết bị, máy móc xác định các chỉ tiêu hóa lý trong phòng thí nghiệm…”.
Cũng như nhiều ngành khác, ngành môi trường đòi hỏi người học lòng đam mê, kỹ năng làm việc nhóm và lòng yêu thiên nhiên. Hiện nay, vấn đề xử lý chất thải, khí thải… đều được nhiều khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện, trường học quan tâm do đó, sinh viên ra trường có thể lạc quan về vấn đề việc làm. Bộ TN-MT cũng định hướng, sắp tới sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới chính sách nhằm thu hút người học vào các ngành nghề hiện khó tuyển dụng như khí tượng thủy văn, đo đạc bản đồ, địa chất khoáng sản… Phấn đấu nâng tầm hai trường ĐH TN-MT Hà Nội và CĐ TN-MT TP.HCM (chuẩn bị lên ĐH) để giao thực hiện vai trò nòng cốt trong đào tạo nhân lực cho toàn ngành.
Bài, ảnh: M.Tâm

Các cơ sở đào tạo ngành môi trường tại TP.HCM: Trường ĐH Nông lâm TP.HCM (kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường); ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM (công nghệ môi trường, khoa học môi trường); ĐH Bách khoa TP.HCM (kỹ thuật và quản lý môi trường); ĐH Tôn Đức Thắng (khoa học môi trường); ĐH Sài Gòn (khoa học môi trường); ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (công nghệ môi trường)…

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)